Vì sao tiền vẫn ùn ùn vào ngân hàng?

14/11/2024 05:54 GMT+7

Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng dù lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp.

Tiền gửi lên mức kỷ lục

Theo dữ liệu vừa công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 8, người dân đã gửi tiết kiệm hơn 6,924 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Như vậy, chỉ trong tháng 8, các NH đã huy động từ các cá nhân tăng 86.000 tỉ đồng và nâng mức tiền gửi kể từ đầu năm đến nay tăng hơn 392.000 tỉ đồng. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Bình quân mỗi ngày trong tháng 8, khách hàng cá nhân gửi hơn 2.866 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với mức bình quân của tháng trước đó, chỉ ở mức 700 tỉ đồng/ngày. Trong 8 tháng năm 2024, lượng tiền gửi của dân cư qua các tháng đều tăng trưởng dương, chỉ duy nhất tháng 1 là âm. Lượng tiền gửi của cá nhân vượt qua các tổ chức kinh tế.

Vì sao tiền vẫn ùn ùn vào ngân hàng?- Ảnh 1.

Tiền gửi ùn ùn vào ngân hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Không những cá nhân mà lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế trong tháng 8 cũng tăng 68.000 tỉ đồng so với trước đó, lên 6,836 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên so với cuối năm 2023 thì lượng tiền gửi của tổ chức vẫn ghi nhận mức âm 0,05% (giảm 5.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023). Trong 8 tháng, lượng tiền gửi của các tổ chức liên tục ghi nhận mức âm, chỉ duy nhất tháng 6 là tăng trưởng dương.

Tổng phương tiện thanh toán tháng 8 tăng thêm 257.000 tỉ đồng so với tháng trước, nâng mức tăng so với cuối năm 2023 lên 4,12%, đạt 16,658 triệu tỉ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế lên mức kỷ lục, hơn 13,762 triệu tỉ đồng. Theo dữ liệu từ NHNN, tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỉ đồng. Như vậy số tiền gửi vào hệ thống NH vẫn tiếp tục tăng trong 2 tháng 9 và 10. Riêng tại TP.HCM, tốc độ huy động vốn của các NH cao hơn cho vay. NHNN chi nhánh TP.HCM cũng thông tin tăng trưởng tín dụng 10 tháng đạt mức 6,87%, trong khi nguồn vốn huy động của các NH tăng 8,9% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 3,7 triệu tỉ đồng, còn huy động tiền gửi 3,8 triệu tỉ đồng.

Đáng nói, lượng tiền gửi của cá nhân vẫn đổ vào NH bất chấp lãi suất tiết kiệm ở mức thấp dù từ tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động đã rục rịch tăng. Bước sang tháng 11, một số NH tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,6% nhưng lãi suất huy động của các NH hiện nay cũng chỉ dao động từ 5-7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, từ 4,5-5%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng.

Tiền nhàn rỗi loay hoay tìm đầu ra

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng thực trạng trên cho thấy gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác. Bởi bất động sản hay chứng khoán hiện vẫn chưa hấp dẫn. Vàng có tốc độ tăng khá mạnh trong năm 2024 nhưng những tháng qua, người có tiền không thể mua được. "Một người bạn tôi có 8 tỉ đồng đang gửi NH. Vào thời điểm vàng đang ở vùng giá 80 triệu đồng/lượng, người này lên kế hoạch chuyển từ tiền tiết kiệm sang vàng. Thế nhưng các NH, công ty kinh doanh vàng bán vàng nhỏ giọt mỗi lần 1 lượng nên muốn mua 100 lượng thì không biết bao giờ mới mua xong. Mua vàng không được nên người này tiếp tục gửi tiền trong NH với lãi suất 6%/năm, tính ra mỗi tháng lĩnh lãi được 35 triệu đồng", ông Huân dẫn chứng.

Vì sao tiền vẫn ùn ùn vào ngân hàng?- Ảnh 2.

ĐỒ HỌA: TUẤN ANH

Thực tế, trong các kênh đầu tư, vàng có mức tăng giá mạnh nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, vàng miếng SJC tăng 10 triệu đồng mỗi lượng (tương đương tăng 13,5%), có thời điểm vàng tăng lên 18 triệu đồng/lượng (tương đương 24,3%). Các đơn vị kinh doanh vàng miếng SJC mua vào với giá 80,5 triệu đồng, bán ra 84 triệu đồng trong ngày 13.11. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường tự do có mức giảm 1 triệu đồng/lượng so với hệ thống chính thức. Giá bán vàng miếng SJC vào khoảng 83 triệu đồng/lượng, mua vào 82 triệu đồng. Riêng những người giữ vàng nhẫn, mức tăng giá lên 20 - 27 triệu đồng/lượng (tương đương tăng 31,5 - 42%). Ngày 13.11, giá mua vàng nhẫn xoay quanh mức 80,8 - 81,2 triệu đồng, bán ra từ 83 - 83,2 triệu đồng. Thế nhưng như nói trên, thanh khoản thấp, khó mua - khó bán chính là hạn chế của kênh đầu tư này.

Riêng về việc tiền gửi của tổ chức tăng lên, ông Nguyễn Hữu Huân bày tỏ sự phân vân. Vì tăng vào thời điểm tháng 8, có thể theo yếu tố mùa vụ, lượng tiền thanh toán về nhưng chưa đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng tháng 9 và 10 mà tiền gửi tổ chức tăng là điều đáng lo ngại vì thời điểm cuối năm là lúc cá nhân chi tiêu nhiều hơn. Do đó, lượng tiền gửi cá nhân, tổ chức cuối năm thường tăng chậm hơn.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng khi các kênh đầu tư còn chứa đựng rủi ro thì dòng tiền vẫn tạm thời trú ẩn vào tiết kiệm. Ví dụ như giá bất động sản ở một số khu vực hiện nay lên cao nên nhà đầu tư cũng không dám đổ tiền vào. Chưa kể các công ty bất động sản cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên khi triển khai dự án nào, người dân cũng thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố mới quyết định xuống tiền. Còn chứng khoán thì không phải ai cũng am hiểu nên không dám mạo hiểm. 

"Thật ra trong năm 2024, thị trường vàng là sôi động nhất, giá cả biến động liên tục nhưng thị trường vàng trong nước được kiểm soát nên việc mua vàng cũng không đơn giản. Hơn nữa, người dân chỉ được mua 1 lượng vàng mỗi lần, nếu mua khối lượng nhiều thì phải ra thị trường tự do. Trong khi đó, quy định chỉ cho mua bán vàng miếng ở nơi được cấp phép nên việc mua bán vàng miếng SJC ngoài thị trường tự do là vi phạm luật, có thể bị xử phạt, có thể bị tịch thu như ngoại tệ. Ngoài ra, nhiều dự báo giá vàng thế giới sẽ còn biến động hơn nữa khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump triển khai các chính sách mới về kinh tế. Điều này có thể làm cho vàng tăng giảm mạnh trong thời gian tới", ông Minh phân tích.

Năm nay khác với các năm trước là hạn mức tín dụng không căng thẳng. Để giữ được lãi suất cho vay ở mức thấp thì NH cũng hạn chế việc tăng lãi suất huy động để không tăng chi phí vốn lên.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.