Vì sao tiết lộ của ngư dân Úc về máy bay rơi MH370 bị phớt lờ?

08/01/2024 09:17 GMT+7

Ngư dân Úc đã tiết lộ về 'cánh' MH370 của Malaysia Airlines và vấn đề có thể khơi lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn.

Lời kêu gọi điều tra vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã tăng lên sau khi tuyên bố của một ngư dân về việc tìm thấy một trong những cánh của chiếc máy bay bị mất tích lại xuất hiện vào tháng trước.

Peter Waring, một chuyên gia khảo sát dưới nước và lập bản đồ đáy biển, nghe tuyên bố của Kit Olver về việc ông đã câu được một cánh máy bay bị vỡ, trở nên tò mò và nhen nhóm mong muốn tái điều tra chiếc máy bay mất tích bí ẩn, theo The Washington Post.

Vì sao tiết lộ của ngư dân Úc về máy bay rơi MH370 bị phớt lờ?- Ảnh 1.

Ngư dân Kit Olver cho biết đã vớt được thứ mà ông tin là cánh của MH370

WP

Waring, cựu sĩ quan Hải quân Úc, từng là Phó giám đốc điều hành của Ủy ban An toàn giao thông Úc trong cuộc tìm kiếm đầu tiên vào năm 2014.

Ông cũng đã rời khỏi nhóm vào năm 2015 khi mảnh vỡ đầu tiên, một phần cánh, được phát hiện khi dạt vào bờ biển Đảo Reunion của Pháp.

Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất lúc bay qua Ấn Độ Dương sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, Malaysia hướng tới Bắc Kinh vào ngày 8.3.2014 với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên máy bay.

"Ngay cả vào thời điểm tìm kiếm, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này và chúng tôi chắc chắn không loại trừ khả năng có thứ gì đó trôi dạt vào Úc. Và nếu nó dạt vào đâu đó ở Úc, nhiều khả năng nó sẽ ở Tasmania, hoặc nếu nó quay trở lại, một nơi nào đó ngoài khơi Nam Úc", ông nhấn mạnh.

Trong trường hợp đó, nếu ngư dân có thể xác định chính xác vị trí phát hiện của mình thì cuộc tìm kiếm có thể được bắt đầu và hoàn thành trong vòng vài ngày.

Vì sao tiết lộ của ngư dân Úc về máy bay rơi MH370 bị phớt lờ?- Ảnh 2.

Các nhà điều tra Úc và Malaysia đã tìm thấy mảnh vỡ trên đảo Pempa ngoài khơi Tanzania, được cho là một phần của MH370

AFP

May mắn thay cho Waring, Olver biết nơi ông ta từng phát hiện cánh máy bay, cách thị trấn ven biển Robe ở Nam Úc khoảng 34 dặm về phía tây và cách Reunion khoảng 5.000 dặm về phía đông.

Olver mô tả phát hiện của mình là "cánh lớn của một chiếc máy bay phản lực lớn", khi tàu đánh cá biển sâu của ông kéo phần máy bay màu trắng lên trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2014, tại một địa điểm mà ông gọi là "kho cá bí mật của mình".

Cuộc tìm kiếm ban đầu đã mở rộng diện tích 1.700.000 dặm vuông ở biển Nam Ấn Độ, theo Trung tâm Điều phối Cơ quan Hỗn hợp - chính phủ Úc được thành lập với chính quyền Malaysia và Trung Quốc sau khi máy bay mất tích.

Thật không may cho Olver và thủy thủ đoàn của ông, cánh máy bay quá lớn so với con tàu của họ và họ buộc phải cắt giảm sản lượng đánh bắt trước khi nhìn nó biến mất dưới nước.

Người ngư dân hiện đã lớn tuổi cho biết, ông đã báo cáo phát hiện của mình cho chính quyền khi tàu của ông quay trở lại cảng nhưng phần lớn bị phớt lờ.

Ba năm sau, ông lại báo cáo điều đó nhưng vẫn nhận được kết quả tương tự: Không có gì.

Waring đổ lỗi cho việc các quan chức không phát hiện ra chiếc máy bay vì đã dựa quá nhiều vào lý thuyết mô hình trôi dạt vốn là một "khoa học không chính xác".

"Thứ gì đó lớn như một chiếc cánh máy bay sẽ có kiểu trôi dạt khác biệt rõ rệt so với những mảnh vụn nhỏ hơn", Waring nói.

Vì sao tiết lộ của ngư dân Úc về máy bay rơi MH370 bị phớt lờ?- Ảnh 3.

Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc tìm kiếm MH370 trên biển Nam Ấn Độ Dương vào năm 2014

AFP

Các chuyên gia hàng không cho rằng, một cuộc điều tra được mở lại có thể được hoàn thành trong thời gian ngắn nhờ công nghệ mới.

Chuyên gia hàng không vũ trụ Jean-Luc Marchand và phi công đã nghỉ hưu Patrick Blelly tin rằng chiếc máy bay bị mất tích đã bị một phi công giàu kinh nghiệm tấn công, đồng thời đã kêu gọi mở lại cuộc tìm kiếm trong một bài nói chuyện trước Hiệp hội Hàng không Hoàng gia London mới đây. Hai người đề xuất một vị trí tìm kiếm mới và có thể chỉ mất 10 ngày để tìm ra MH370.

Marchand và Blelly cũng kêu gọi Cơ quan An toàn giao thông Úc và chính phủ Malaysia hợp tác với công ty robot hàng hải Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ trong cuộc tìm kiếm, sử dụng công nghệ tìm kiếm dưới biển mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.