Sau một ngày xét xử phúc thẩm, chiều 10.3, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm vụ án “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VinaSun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Thực tế Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải
Qua đó, HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo của các bên liên quan; bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM và kháng nghị bổ sung của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM.
HĐXX phúc thẩm nhận định, Đề án 24 của Bộ GTVT cho phép Grab thực hiện thí điểm cung cấp ứng dụng để kết nối HTX vận tải với khách hàng, tuy nhiên trên thực tế Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.
Bởi lẽ, theo HĐXX phúc thẩm, Grab can thiệp và thực hiện những hoạt động tương tự một doanh nghiệp kinh doanh vận tải như: lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp cận nhu cầu của khách hàng; thực hiện cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách hàng; điều động xe, quyết định hành trình xe, quyết định giá cước khi khi thúc hành trình, trực tiếp nhận tiền từ khách hàng; triển khai các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng và giải quyết các khiếu nại từ khách hàng, thậm chí tài xế không làm vừa lòng khách hàng thì có thể bị khấu trừ vào phần thu nhập.
|
Từ đó, theo tòa phúc thẩm, Grab đã sử dụng phần mềm và khiến cho các đối tác sử dụng phần mềm phụ thuộc vào sự quản lý của mình. Cụ thể, Grab đã tự ý quyết định giá cước và ăn chia theo tỉ lệ nhất định với tài xế, tiếp nhận phản hồi khách hàng để quyết định thưởng phạt đối với tài xế.
“Cách thức trên của bị đơn không phải là cung cấp ứng dụng kết nối theo Đề án 24 mà khẳng định đây là kinh doanh vận tải taxi, và phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về kinh doanh vận tải taxi, phải thực hiện các quy định về giấy phép kinh doanh, người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế….”, HĐXX phúc thẩm nhận định.
Kiến nghị quản lý Grab phù hợp
Về thiệt hại của Vinasun, tòa phúc thẩm đánh giá, thiệt hại của Vinasun là có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab. Vì vậy, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun, là có tính chất tương đối, hợp tình hợp lý.
Thiệt hại của Vinasun được tòa sơ thẩm chấp nhận là chi phí phát sinh do xe Vinasun phải nằm bãi, không kinh doanh được từ khi Grab tham gia vào thị trường Việt Nam và thực hiện hàng hoạt hành vi vi phạm pháp luật.
Về thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX phúc thẩm nhận định do Vinasun không thể tách bạch thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác nên cấp sơ thẩm không chấp nhận khoản tiền hơn 36 tỉ đồng là có căn cứ.
Tại phúc thẩm, Vinasun tiếp tục kháng cáo đòi bồi thường nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh nên HĐXX phúc thẩm không chấp nhận.
|
Đối với các kiến nghị của cấp sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm đánh giá trong quá trình cách mạng công nghệ 4.0, Grab đã mang đến mô hình kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhà giúp cho người lao động có thu nhập và người sử dụng dịch vụ có thêm lựa chọn.
Lợi ích Grab mang lại cho người dân và thị trường vận tải không thể phủ nhận, song hình thức này đã bị biến tướng, núp bóng, đã và đang mang lại nhiều hệ lụy, kể cả về mặt kinh tế và xã hội nói chung, cũng như đối với các doanh nghiệp vận tải nói riêng. Bởi, Grab không phải đóng thuế giống các doanh nghiệp vận tải, không phải đóng logo, không bị kê khai giá, không bị đóng thuế bảo hiểm xã hội cũng như y tế cho người lao động…
Vì vậy theo tòa phúc thẩm các kiến nghị của tòa sơ thẩm đối với các cơ quan thẩm quyền liên quan là có căn cứ, nhằm tạo ra được môi trường kinh doanh văn minh, bình đẳng, minh bạch trong giai đoạn hội nhập.
Trước đó, trong bản án sơ thẩm ngày 28.12.2018, TAND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT và cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định pháp luật, sửa đổi nội dung “Đề án 24” cho phù hợp với thực tế (nếu tiếp tục thực hiện đề án này); kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thuế đối với Grab theo quy định pháp luật về doanh nghiệp vận tải; kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia làm việc cho Grab theo đúng quy định.
Năm 2015, Vinasun cho rằng Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT gây thiệt hại cho mình nên khởi kiện, đề nghị TAND TP.HCM buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)