5 năm học bậc tiểu học, con tôi gần như hoàn toàn đạt những điểm 10 tròn trĩnh. Việc “mưa giông” điểm 10 ở bậc tiểu học ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, không còn là chuyện hiếm.
Học sinh tham gia thi khảo sát năng lực vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) năm 2020 |
đào ngọc thạch |
Vài tháng trước lúc khép lại bậc tiểu học, tôi được biết Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tổ chức tuyển sinh lớp 6 bài thi khảo sát. Đây là trường THCS duy nhất trên địa bàn tỉnh áp dụng tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực, kết hợp xét kết quả học tập ở bậc tiểu học. Học sinh (HS) tham gia chương trình khảo sát trải qua 2 bài thi: tự luận và trắc nghiệm với những kiến thức liên quan đến 5 môn: Toán, tiếng Việt, khoa học - lịch sử - địa lý và tiếng Anh.
Thế là tôi đăng ký cho con dự thi. Bài thi khảo sát năm đó gồm 2 phần thi. Phần thi trắc nghiệm có tổng cộng 20 câu hỏi của 5 môn, với tổng thời gian làm bài là 30 phút. Từ câu 1 đến câu 8 thuộc môn toán, từ câu 9 đến câu 12 thuộc môn tiếng Việt, từ câu 13 đến câu 16 thuộc các môn khoa học – lịch sử - địa lý, câu 17 đến 20 thuộc môn tiếng Anh.
Nghe nói trường điểm, con rất thích vào học trường này. Chính vì sự “đam mê” của con nên tôi phải nói rõ cho con hay thi để biết khả năng của mình chứ đậu cũng không học. Con thắc mắc đậu không học thì thi làm gì, tôi giải thích cho con hay rằng, thi cũng là trải nghiệm. Nếu đậu mà học thì được một mất chín.
Cái được duy nhất có thể con học tốt hơn các trường khác. Còn cái mất thì quá nhiều. Trường xa – trường cách nhà hơn 10 km thì con phải dậy sớm đồng nghĩa với việc thiếu ngủ, con lại phải tốn nhiều thời gian trên vài ba chặng xe buýt vì cha mẹ không thể đưa đón. Học thêm – nói thẳng, không học thêm thì ... không giống ai, trường nhỏ ít có sân chơi (chủ yếu là học), áp lực học tập ... Sau khi nghe tôi tâm sự những cái mất, con đồng ý thi như một trải nghiệm.
Dù dự thi nhưng thời gian nghỉ hè con hoàn toàn “nói không với sách vở, ôn tập”. Con chỉ “ôn” những thước phim hoạt hình quà tặng cuộc sống và Đường lên đỉnh Olympia. Đến ngày thi con chỉ cần bút, thước ... đồng hành. Đợt kiểm tra khảo sát năm học 2018-2019 ấy có 745 HS dự thi lấy 150, tỷ lệ số chọi là 1:5. Kết quả con và 7 HS khác đứng tốp 151 (8 HS thiếu 0,5 điểm). Cha con tôi rất hài lòng về kết quả đó.
Và khi được nghe cha giải thích đậu cũng sẽ không học vì mất quá nhiều, con lại xin lên lớp 10 thi vào trường chuyên, nếu đậu sẽ được học. Tôi đồng ý ngay bởi nhiều lý do. Thứ nhất, khi con lớn lên theo thời gian chưa hẳn con lại thích học trường chuyên. Thứ hai, khi đó con đã lớn, có thể đi xe đạp điện đến trường hay đi xe đưa rước (nếu có) và trường cách nhà cũng khoảng 6 km, cung đường dễ đi, xe buýt thuận lợi ... Chỉ một điều băn khoăn sợ trường dạy kiểu luyện “gà nòi” và áp lực việc học.
Học sinh kiểm tra niêm phong đề thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2020 |
đào ngọc thạch |
Và ... nay con đang học lớp 9. Một số người thân hướng con thi vào trường điểm của tỉnh Đồng Nai (Ngô Quyền) xếp sau trường chuyên (Lương Thế Vinh), nhưng tôi khuyên con không nên thi vào trường đó, vì trường cách nhà cũng hơn 10 km. Với quan niệm của một người thầy, cũng là một người cha, tôi đặt nhiều phương diện khác nhau để con trưởng thành không chỉ ở điểm số, trường chuyên, lớp chọn nên tôi đã khuyên con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chuyên và nguyện vọng 2 vào trường công liên cấp con đang theo học. Con đồng ý với phương án này.
Nếu con đậu vào trường chuyên, việc học bị áp lực hay học theo kiểu luyện “gà nòi” thì con có thể chuyển sang trường tư để được nhẹ nhàng, được học toàn diện chứ không phải bệnh thành tích. Con vẫn có thời gian đúng nghĩa của tuổi học trò, không bị người lớn đánh cắp như một số HS đã, đang và sẽ bị. Còn không đậu trường chuyên, con cũng có quá nhiều mặt lợi khi học trường cũ: gần nhà, học bán trú, khuôn viên rộng để con chơi thể thao nhiều, việc học cũng rất ổn. Với gia đình tôi, việc học học hành, thi cử rất nhẹ nhàng nên hai con tôi chưa một lần bị áp lực việc học.
Bình luận (0)