Theo Business Insider, ông Donald Trump viết trên tài khoản Twitter riêng: “Chúng ta có thâm hụt thương mại khổng lồ với Đức, thêm vào đó họ trả ít hơn nhiều so với khoản tiền họ nên trả cho NATO và quân đội. Rất xấu đối với Mỹ. Điều này sẽ thay đổi”.
Dòng tweet trên được đăng tải sau nhiều lời nhận xét mà Thủ tướng Merkel đưa ra cuối tuần trước. Bà Merkel đã thể hiện nhu cầu chuyển trục khỏi Mỹ, Anh: “Thời điểm mà chúng ta có thể hoàn toàn phụ thuộc vào nhau phần nào đã kết thúc. Tôi cảm thấy điều này trong vài ngày qua. Chúng ta, những người châu Âu, thực sự cần nắm số phận mình trong tay”.
Bà Merkel một lần nữa nhắc lại quan điểm trên hôm 30.5, cho hay quan hệ với Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt, song Đức cũng phải quan tâm đến nơi khác.
Phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ là một trong nhiều lời chỉ trích thường xuyên của ông về thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới. Ông Trump lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Mexico, Canada và Đức làm ví dụ cho “các thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất” với Mỹ.
Theo CNN, thâm hụt thương mại Mỹ - Đức là 67,8 tỉ USD, chỉ đứng sau thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc vốn là 310 tỉ USD hồi năm ngoái. Song Đức cũng mua 80,4 tỉ USD giá trị hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ trong năm 2016, nhiều hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác, ngoài Anh.
Thâm hụt thương mại giữa hai nước không xuất hiện vì thỏa thuận thương mại tự do hay lương bổng thấp. Lương trung bình của người Đức là gần 50.000 USD/năm (năm 2015), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD). Trong trường hợp của Đức, phần lớn thâm hụt thương mại là vì đồng euro yếu.
Đồng tiền yếu làm hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, giúp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Một loại tiền tệ mạnh, chẳng hạn như USD, thì có tác động ngược lại. Ngay cả cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là ông Gary Cohn cũng rút ý kiến cho rằng chính sách thương mại Đức có vấn đề cụ thể, bất chấp những lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Khoảng 1/3 thâm hụt thương mại Mỹ - Đức là vì doanh số ô tô Đức. Người Mỹ mua khoảng 1,3 triệu chiếc xe từ các nhà sản xuất Đức như Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW trong năm 2016. Dù vậy, các nhà sản xuất trên lắp ráp xe tại nhà máy ở Mỹ, vì thế khoảng 250.000 chiếc trong số 1,3 triệu chiếc được mua ở Mỹ cũng được sản xuất ở nước này.
tin liên quan
Đức, Nhật bắt tay đối phó chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald TrumpThủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kêu gọi nỗ lực bảo vệ tự do thương mại, mở rộng danh sách các nền kinh tế lớn hiện cùng chống chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao ở Mỹ.
Bình luận (0)