Ngàn lẻ một lý do ly hôn
Chị Phạm Ly (25 tuổi, ngụ P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) là một trong những người đã ly hôn chỉ vì những áp lực khó lòng vượt qua. Chị chia sẻ đã kết hôn khi còn rất trẻ, nhưng cuộc sống hôn nhân không như chị tưởng. "Chúng tôi không còn thời gian cho nhau do công việc bận rộn. Thay vì trò chuyện, cả hai chỉ biết cắm mặt vào điện thoại. Tình cảm phai nhạt, tôi không còn hiểu anh ấy nữa", chị tâm sự.

Có rất nhiều lý do khiến tỷ lệ ly hôn ở TP.HCM cao
N.P.M.K (29 tuổi, ngụ đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) cho rằng tài chính và áp lực cuộc sống cũng là nguyên nhân gây rạn nứt trong mối quan hệ. "Tôi muốn có con, nhưng anh ấy bảo đẻ thì tiền đâu mà nuôi. Điều này đã tạo ra vết nứt lớn khiến tình cảm phai nhạt. Bên cạnh đó, những vấn đề căng thẳng như chuyện mẹ chồng nàng dâu, hay thậm chí là sự xuất hiện của người thứ ba càng khiến mối quan hệ trở nên khó khăn. Quyết định ly hôn là cách để giải thoát bản thân khỏi những áp lực không thể tháo gỡ", K. chia sẻ.
K. cũng nhận định khi cuộc sống ngày càng bận rộn, áp lực tài chính và sự thiếu kiên nhẫn gia tăng, mối quan hệ vợ chồng trở nên dễ bị đổ vỡ.
Tiến sĩ xã hội học, chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho rằng áp lực công việc và kinh tế tại TP.HCM là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn cao. Chi phí sinh hoạt ngày càng cao khiến các cặp vợ chồng phải làm việc nhiều, dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc gia đình. "Mối quan hệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi vợ chồng không có thời gian cho nhau, chất lượng hôn nhân giảm sút", tiến sĩ Thúy nói.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong quan điểm về hôn nhân cũng là yếu tố tác động đến việc ly hôn. "Ngày trước, ly hôn bị kỳ thị, nhưng hiện nay nhiều người coi ly hôn là cách giải thoát", tiến sĩ Thúy nói và cho biết nhiều gia đình khi có nhiều người ly hôn sẽ khiến những người còn lại bị ảnh hưởng và dễ từ bỏ mối quan hệ khi gặp khó khăn.
Theo tiến sĩ Thúy, sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội cũng góp phần vào tỷ lệ ly hôn cao. "Nhiều người dành quá nhiều thời gian ôm điện thoại, tám trên mạng xã hội, thay vì trò chuyện và chăm sóc người thân trong gia đình", bà Thúy nhận định. Điều này khiến mối quan hệ gia đình dễ mất kết nối, tình yêu nhạt phai.
Tiến sĩ Thúy cho rằng cần duy trì sự cân bằng giữa công việc, sự phát triển cá nhân và hôn nhân gia đình, cần coi trọng giá trị của gia đình đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Cuộc sống mỗi người như chiếc xe 4 bánh, gồm 4 yếu tố căn bản: sức khỏe, gia đình, sự nghiệp, quan hệ xã hội. Chỉ cần mất cân bằng, một bánh hỏng là xe không thể chạy. Các cặp vợ chồng nên suy nghĩ kỹ và tìm giải pháp thay vì vội vã ly hôn, nếu cần hãy gặp các chuyên gia tâm lý tham vấn hôn nhân.

Cuộc sống mưu sinh không hề dễ dàng đôi khi làm lu mờ tình yêu
ẢNH: PHƯƠNG VY
Đồng quan điểm, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học VN, chia sẻ rằng trong nhịp sống nhanh và sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, con người dễ dàng gặp gỡ và xây dựng các mối quan hệ. Tốc độ kết hôn và tỷ lệ kết hôn tăng cao, nhưng trong quá trình tương tác, nhiều cặp đôi gặp phải sự va đập và khác biệt mà họ không lường trước được. Điều này dẫn đến thực tế là hôn nhân không bền vững, thiếu nền tảng vững chắc, khiến tình yêu phai nhạt và hôn nhân tan vỡ.
Theo ông Bình, chính yếu tố này giải thích tại sao tỷ lệ ly hôn ở TP.HCM cao hơn so với các khu vực khác. Dân số đông dẫn đến số lượng ly hôn nhiều, nhưng điều quan trọng là tỷ lệ ly hôn lớn hơn, phản ánh những áp lực từ cuộc sống thường nhật.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về ly hôn. Chia tay không phải lúc nào cũng là điều xấu. Khi tình yêu đã không còn, việc duy trì cuộc sống hôn nhân chỉ để hòa hợp thực sự có thể trở thành sự tra tấn lẫn nhau. Điều quan trọng là phải khuyến khích duy trì hôn nhân khi nó thực sự có giá trị, thay vì nhìn nhận ly hôn theo cách tiêu cực.
Áp lực cơm áo gạo tiền cũng làm tình yêu... chấm hết
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank (TP.HCM), nhận định áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng đè nặng lên các gia đình. Chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều gia đình phải vật lộn với các khoản chi phí phát sinh. Thu nhập tăng chậm, mất việc làm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn kéo theo những căng thẳng trong đời sống hôn nhân, khiến tình cảm đôi lứa dần phai nhạt.
Ông Khánh cho rằng tại TP.HCM, nơi có mật độ dân số đông đúc và cạnh tranh công việc gay gắt, áp lực cuộc sống càng trở nên khốc liệt. So với các vùng quê, nơi đời sống yên bình và chi phí thấp hơn, cuộc sống ở TP tạo ra nhiều căng thẳng hơn. Sự thiếu kiên nhẫn trong mối quan hệ vợ chồng cùng với những khác biệt quan điểm không thể giải quyết đã khiến nhiều người phải đối mặt với quyết định khó khăn.
Đối diện những vấn đề này, vợ chồng ngày càng thiếu sự đồng cảm. "Trong nhiều trường hợp, hôn nhân trở thành sự tính toán về tài chính hơn là tình yêu, khiến tình cảm giữa hai người ngày càng nhạt dần", ông Khánh chia sẻ.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (TP.HCM), việc ly hôn tại TP.HCM hiện nay trở nên dễ dàng hơn nhờ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thủ tục ly hôn đã được đơn giản hóa. Điều này khiến nhiều người đưa ra quyết định ly hôn nhanh chóng hơn.
"Tuy nhiên, ly hôn không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình, đặc biệt là tâm lý và sự phát triển của con cái. Vì vậy, bạn cần cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định vì hậu quả lâu dài mà nó mang lại", luật sư Hùng nói.
Bình luận (0)