Vì sao tranh Việt gần 100 năm trước có giá triệu USD?

23/06/2023 06:35 GMT+7

Kỷ lục mới cho các bức tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ... được xác lập tại nhiều phiên đấu giá gần đây đánh dấu sự đi lên của nghệ thuật VN trên sân khấu nghệ thuật toàn cầu. Các tác phẩm sáng tác vào thập niên 20-30 của thế kỷ 20 nhận được sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới.

Lý giải từ các chuyên gia Sotheby's

Các chuyên gia tại nhà đấu giá Sotheby's đã lý giải nguyên nhân các nhà sưu tập và người hâm mộ nghệ thuật đang hướng sự chú ý đến nghệ thuật hiện đại VN.

Vì sao tranh Việt gần 100 năm trước có giá triệu USD ? - Ảnh 1.

Bộ tranh ba tấm Dáng hình trong vườn của họa sĩ Lê Phổ giá 2,3 triệu USD

SOTHEBYS.COM

Ông Felix Kwok, Trưởng phòng Nghệ thuật hiện đại châu Á, cho rằng nghệ thuật hiện đại VN là sự kết hợp sáng tạo và rực rỡ của nhiều nền văn hóa, được hỗ trợ bởi sự nổi lên của một nhóm đáng kể các bậc thầy hội họa đầu thế kỷ 20. "Nền văn minh vài ngàn năm của VN phản ánh văn hóa bản địa, tiếp thu văn hóa Trung Quốc và ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Pháp. Nghệ thuật hiện đại VN tập hợp những gì tốt nhất của ba nguồn này. Mỗi lần đọc về lịch sử nghệ thuật hiện đại của VN, lần theo hành trình của những người tiên phong như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm…, tôi lại nghĩ đến École des Beaux-Arts de l'Indochine (Trường Mỹ thuật Đông Dương) được họa sĩ Pháp Victor Tardieu thành lập năm 1925 tại Hà Nội. Đây có thể coi là cái nôi của nghệ thuật hiện đại VN", Felix Kwok nhớ lại, theo Sothebys.com.

Michelle Yaw, chuyên gia về Nghệ thuật hiện đại, cũng nhận định: "Một điều rõ ràng là những nghệ sĩ thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã thu hút nhiều đối tượng khác nhau. Có gì đó mang đậm chất cổ điển nhưng đầy sáng tạo ở các nghệ sĩ hiện đại VN mà các nhà sưu tập bị hấp dẫn ngay lập tức và dễ dàng yêu thích".

Theo bà Michelle Yaw: "Sự hiếm có của tác phẩm, kết hợp với chiến lược tiếp thị của Sotheby's đã khuyến khích các nhà sưu tập trên toàn thế giới nhận ra cơ hội chỉ có một lần trong đời khi sở hữu các tác phẩm này. Nhìn lại cả hai phiên đấu giá tại Hồng Kông vào mùa xuân 2021 và 2022, bức Dáng hình trong vườn của Lê Phổ và Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ từng được khách hàng của chúng tôi và thị trường đón nhận với sự phấn khích khiến tôi không bao giờ quên". Cũng trên Sothebys.com, chuyên gia này phân tích: "Ít có quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh với VN về tốc độ và chiều sâu tăng trưởng kinh tế. Sức mạnh chi tiêu được tăng cường gần đây của VN cho phép ngày càng nhiều người mua tranh bước vào thị trường. Một thế hệ nhà sưu tập mới của VN đang chọn đầu tư vào tranh để bảo tồn bản sắc văn hóa của họ".

Còn theo Simon Stock, chuyên gia cao cấp thuộc Trường phái ấn tượng và Nghệ thuật hiện đại, thì tranh của các bậc thầy như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí "là một trong những tác phẩm quý giá nhất và được các nhà sưu tập quốc tế thèm muốn". Simon Stock cho biết tác phẩm nghệ thuật VN trước đây chào bán dưới dạng bán riêng lẻ, giờ đây được giới thiệu trên thị trường quốc tế trong phiên bán hàng Nghệ thuật hiện đại. Tranh Việt đã tìm thấy những chủ nhân mới trong số những người yêu nghệ thuật Đông Á và phương Tây bên ngoài khu vực Đông Nam Á.

Vì sao tranh Việt gần 100 năm trước có giá triệu USD ? - Ảnh 2.

Bức Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá 3,1 triệu USD

Tranh của các bậc thầy mang đậm hồn Việt

Giám tuyển Lý Đợi có góc nhìn riêng về tác phẩm của các bậc thầy hội họa từng học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Theo anh, có 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên các họa sĩ này đã trở thành danh nhân văn hóa - họa sĩ, là chứng nhân lịch sử cho sự phát triển nghệ thuật hiện đại VN nên tranh của họ có giá rất cao. Các họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… đều được đặt tên đường là lý giải rõ nhất. Vì thế nhiều người giàu có, các nhà sưu tập, giới buôn bán tranh rất muốn sở hữu tác phẩm của họ.

Top 5 bức tranh Việt đắt giá nhất

Bức Chân dung cô Phương (sơn dầu) của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1930 được nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông bán ra ngày 17.4.2021, đạt mức giá 3,1 triệu USD.

Bộ tranh ba tấm Dáng hình trong vườn của họa sĩ Lê Phổ được Sotheby's bán ngày 7.4.2022 với giá 2,3 triệu USD.

Bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ được bán ngày 26.5.2019 tại sàn đấu giá Christie's Hồng Kông với giá 1,4 triệu USD. Trước khi được đưa ra đấu giá, bức tranh thuộc bộ sưu tập của một nhà sưu tập gốc Việt sống tại Mỹ.

Tác phẩm Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ được đấu giá tại Sotheby's Hồng Kông ngày 2.4.2017 với giá gõ búa 1,17 triệu USD.

Tại phiên đấu giá của nhà Christie's Hồng Kông ngày 26.5.2019, bức Vỡ mộng của họa sĩ Tô Ngọc Vân được bán với giá 1,16 triệu USD.

Thứ đến, tác phẩm của những bậc thầy hội họa kể trên đã được mua bán qua tay nhiều người vì xuất hiện gần 100 năm nên chuyện tăng giá là dễ hiểu. Mặt khác, rất nhiều tác phẩm do những người nổi tiếng trong và ngoài nước sở hữu cũng khiến tranh càng có giá trị.

Cuối cùng, hiện nay nhiều người sưu tập tranh ngoài đam mê nghệ thuật còn là đầu tư, mà tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương luôn có tính thanh khoản rất cao.

Trong khi đó, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí nhận định: "Tranh của các danh họa từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương là "đứa con lai" vì họ lĩnh hội sự duy lý của hội họa hiện đại phương Tây để đưa vào nghệ thuật phương Đông. Các tác phẩm mang đậm hồn Việt, không sao chép phong cách hội họa của người Pháp mà tạo ra lối đi riêng đầy biểu cảm, đậm phong cách Việt. Theo tôi tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Mai Trung Thứ… luôn có chỗ đứng riêng trên thị trường thế giới do tài năng thiên bẩm cộng thêm sự tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi để đưa triết học phương Đông vào các tác phẩm với kỹ thuật phương Tây". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.