Vì sao Trung Quốc tăng tốc xây dựng dọc biên giới tranh chấp với Bhutan?

14/01/2022 19:00 GMT+7

Một số chuyên gia vừa đưa ra nhận định về việc Trung Quốc đã tăng tốc hoạt động xây dựng dọc đường biên giới có tranh chấp với Bhutan.

Reuters ngày 12.1 đưa tin những hình ảnh vệ tinh và phân tích từ công ty phân tích dữ liệu Mỹ HawkEye 360 và một số chuyên gia đã cung cấp cái nhìn chi tiết về công trình xây dựng gần đây của Trung Quốc ở dọc đường biên giới có tranh chấp với Bhutan. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng các khu định cư với hơn 200 cấu trúc, trong đó có nhiều tòa nhà 2 tầng, đang được xây ở 6 địa điểm dọc biên giới còn tranh cãi với Bhutan.

Lược đồ 6 vị trí Trung Quốc có công trình xây dựng dọc biên giới còn tranh cãi với Bhutan

Reuters

Những hoạt động xây dựng của Trung Quốc trong một số địa điểm dọc biên giới phía tây của Bhutan diễn ra từ đầu năm 2020, theo ông Chris Biggers, một giám đốc tại HawkEye 360. Ông Biggers nhận định hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc được tăng tốc trong năm 2021, với nhiều cấu trúc nhỏ được xây lên rồi đến các nền móng và công trình xây dựng tòa nhà.

Khi được Reuters đề nghị cho biết phản ứng về thông tin trên, Bộ Ngoại giao Bhutan cho hay chính sách của nước này là không nói công khai về vấn đề biên giới. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định công trình xây dựng mới là “hoàn toàn vì mục đích cải thiện các điều kiện làm việc và sinh sống của người dân địa phương”, nhấn mạnh nước này “thực hiện các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình”.

Bhutan, với dân số chưa tới 800.000 người, đã đàm phán với Trung Quốc trong gần 4 thập niên qua để xác định đường biên giới dài 477 km. Bộ Ngoại giao Bhutan cho hay nước này và Trung Quốc đã nhất trí trong vòng đàm phán biên giới gần nhất vào tháng 4.2021 là tăng tốc quá trình giải quyết bất đồng giữa hai bên.

Ý đồ của Trung Quốc

Một số chuyên gia nghiên cứu các địa điểm của công trình xây dựng mới và những hình ảnh vệ tinh gần đây cho rằng các khu định cư Trung Quốc đã và đang xây dường như nằm trong lãnh thổ có tranh chấp giữa nước này và Bhutan, trong đó có một dải đất 110 km2. Ông Robert Barnett, chuyên gia nghiên cứu về Tây Tạng và biên giới Trung Quốc- Bhutan thuộc Đại học SOAS London (Anh), cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các khu định cư mới dường như nhằm buộc Bhutan nhượng bộ yêu sách của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán biên giới song phương.

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 2.12.2020 (ảnh trái) và ngày 31.12.2020 tại vị trí 2 mà Trung Quốc có công trình xây dựng dọc biên giới còn tranh cãi với Bhutan

REuters

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 19.11.2021 cho thấy các cấu trúc tại vị trí 2 do Trung Quốc xây dọc biên giới còn tranh cãi với Bhutan

Reuters

Những khu định cư mới dường như nằm trong kế hoạch Bắc Kinh công bố vào năm 2017 là xây dựng hơn 600 ngôi làng ở những khu vực biên giới thuộc Khu tự trị Tây Tạng, theo ông Barnett và ông M.Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Cũng theo ông Barnett, một số ngôi làng gần biên giới đang được xây và chính phủ Trung Quốc hỗ trợ người dân định cư ở đó. Ông Fravel thì nhận định công trình xây dựng mới cho thấy Trung Quốc có thể muốn củng cố kiểm soát và cải thiện cơ sở hạ tầng ở những khu vực biên giới.

Một số chuyên gia và nguồn tin từ Ấn Độ còn cho rằng những khu định cư mới sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát và theo dõi tốt hơn những khu vực rộng lớn ở xa và có khả năng dùng những khu đó để thiết lập các cơ sở tập trung vào an ninh, theo Reuters.

Thách thức đối với Bhutan, Ấn Độ

Công trình xây dựng khu định cư mới cách cao nguyên Doklam từ 9-27 km. Doklam thuộc quyền quản lý của Bhutan, đồng minh của Ấn Độ, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Động Lãng, nơi binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc đối đầu hơn 2 tháng trong năm 2017. Căng thẳng đó nổ ra từ tháng 6.2017, khi Trung Quốc triển khai công binh và máy móc đến xây một con đường ở Doklam. Bhutan và Ấn Độ kịch liệt phản đối hành động đó vì cho rằng vi phạm các thỏa thuận trước đây.

Việc kiểm soát cao nguyên Doklam sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng tiếp cận tốt hơn đối với một dải đất liền kề có vị trí chiến lược và kết nối khu vực đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này. Ấn Độ chia sẻ một đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc. Binh sĩ hai nước vẫn được triển khai gần nhau trong một khu vực tranh chấp khác ở khu Ladakh, cách Doklam khoảng 1.100 km.

Hình ảnh được cho là các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả

Cũng theo ông Biggers, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bhutan và Ấn Độ đều không có phản ứng đối với hoạt động xây dựng mới của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nathan Ruser tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, cho rằng phản đối công trình xây dựng mới của Trung Quốc sẽ là thách thức đối với Bhutan lẫn Ấn Độ. “Bất kỳ hành động chống lại những cơ sở này của Trung Quốc sẽ đẩy người dân vào tình trạng gặp rủi ro. Điều này hạn chế những cách Bhutan và Ấn Độ có thể chống lại việc Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ có tranh chấp”, ông Ruser nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.