Cháu tôi, một cô bé lớp 1 ngoan ngoãn nhưng sợ cô giáo chủ nhiệm đến tột cùng. Ngay từ nhỏ, cháu đã được tham gia các hoạt động múa hát, lớp học kỹ năng và có thể dõng dạc kể chuyện, tự tin hát múa trước tập thể, chỗ đông người...
Vậy nhưng, từ khi bước chân vào lớp 1 đến nay đã hơn một tuần, cháu gần như biến thành một cô bé rụt rè đến tận cùng.
Dạy học sinh cần nghiêm khắc nhưng đừng gieo vào lòng trẻ sự sợ hãi |
nhật thịnh |
Ngồi ngay ngắn, không nói chuyện, không quay lên quay xuống
Cô giáo chủ nhiệm của cháu được tiếng là giáo viên giỏi trong chuyên môn giảng dạy và giáo dục học sinh nhưng lại có phương pháp giáo dục nghiêm khắc quá mức.
Cứ hễ học sinh nào không nghiêm túc về trang phục, sách vở, nền nếp, cô giáo đều khẽ roi vào lòng bàn tay và bắp chân. Cô muốn lớp đạt thành tích cao trong thi đua nên khe khắt từng biểu hiện nhỏ của trò. Cứ hễ có trống là vào lớp, ngồi ngay ngắn, không nói chuyện, không quay lên quay xuống, bài vở phải đảm bảo…
Những đứa trẻ mới tập tành làm quen việc học, không thể đòi hỏi các con phải bắt đầu những ngày đến trường với kỷ luật thép tuyệt đối. Vậy nên, khá nhiều đứa trẻ đã ăn roi. Mặc dù đa số phụ huynh đều đồng cảm phần nào với nỗ lực và nhiệt tâm uốn nắn trẻ của cô giáo nhưng rõ ràng cô đang gieo vào lòng bọn trẻ một nỗi sợ hãi lớn lao về việc học.
“Con sợ cô giáo lắm!”
Cháu tôi nằm trong số những đứa trẻ ngoan ngoãn và sợ cô giáo đến mức thu mình lại. Những lời dặn dò của cô, cháu răm rắp nghe theo. Cô bảo ngồi im lặng, khoanh tay lên bàn, cháu không dám hó hé nói chuyện.
Và qua theo dõi việc học của cháu, cô thường nhận xét cháu phát biểu bài hơi nhỏ, nói chậm và rất rụt rè. Tôi ngạc nhiên vô cùng bởi sự mạnh dạn và tự tin trước đây đang dần bị bào mòn.
Mỗi khi tôi động viên, cổ vũ cháu hãy dạn dĩ giơ tay phát biểu, trình bày một cách rành rọt và rõ ràng, cháu đều lắc đầu bảo con sợ cô giáo lắm. Cháu sợ cô giáo mắng, sợ cô khẽ roi, và cứ nhìn thấy cô giáo là đã... sợ.
Trong khi tôi đang băn khoăn vô cùng về phương pháp giáo dục trẻ của cô giáo cũng như nỗi lo lắng làm sao lấy lại sự tự tin cho cháu thì mới hôm trước thôi, khi đến đón cháu, tôi bắt gặp khuôn mặt buồn xo, xụi lơ của cháu. Cháu e dè kể hôm nay cô giáo phạt roi cháu vì không có vở bài tập đạo đức.
Tôi vào lớp trao đổi với cô, thú thật với cô giáo là mọi người trong gia đình đã chạy khắp các nhà sách trong tỉnh vẫn không thể tìm mua được quyển bài tập đạo đức đó.
Tôi dò hỏi cô giáo có thể mượn vở bài tập của bạn để photo lại không thì cô bảo “từ từ”, “lo gì?”. Tôi thành thực kể rằng cháu rất sợ cô giáo quở trách vì không có sách. Cô thẳng thắn: “Không sợ mới lạ, chị mới đánh cho nó một roi!”.
Câu trả lời của cô giáo làm tôi nghẹn ngào. Cháu không có lỗi trong việc thiếu sách nhưng vẫn bị mắng, bị đánh. Cháu sợ cô đến mức dù gia đình đã dặn dò kỹ lý do không tìm được sách khi cô giáo hỏi đến nhưng cháu đã không đủ can đảm nói lời nào trước mặt cô.
Giáo dục tích cực, nhân văn, nhân ái, không bạo lực… là cái đích mà cả xã hội ta đang hướng đến |
đ.n.t |
Và trong khi tôi trò chuyện với cô bên bàn giáo viên sau giờ tan học, cháu tôi đang lấp ló bên ngoài cửa lớp, nhìn vào bên trong với khuôn mặt tái xanh và ánh mắt sợ sệt, lo âu.
Một đứa trẻ đã trở nên rụt rè, sợ hãi, tự ti, nhút nhát… bắt đầu từ chính sự nghiêm khắc vượt quá giới hạn của người thầy!
Nền tảng giáo dục tích cực, nhân văn, nhân ái, không bạo lực… là cái đích mà cả xã hội ta đang hướng đến. Để làm được điều đó, người thầy cần hơn bao giờ hết cái tâm mẫu mực và một tình yêu thương vô bờ bến dành cho thế hệ trẻ.
Nhiều thầy cô giáo đang sử dụng phương pháp giáo dục sai lầm khi khoác lên mình cái vỏ bọc “quyền uy” gần như tuyệt đối khi đánh, mắng, phạt trò. Đôi khi chính người thầy đang dần gieo vào lòng các em nỗi sợ hãi và biến việc học trở thành nỗi ám ảnh.
Bình luận (0)