Vì sao tuyệt đối không xách giùm hành lý của người không quen biết ở sân bay?

18/03/2023 09:52 GMT+7

Sau vụ bắt 4 tiếp viên Vietnam Airlines vì mang ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất, dân mạng đã cảnh tỉnh nhau tuyệt đối không xách hành lý giùm người không quen biết ở sân bay.

Vì sao tuyệt đối không xách đồ giùm người khác ở sân bay? - Ảnh 1.

Thuốc lắc và ma túy được đóng trong những tuýp kem đánh răng

HẢI QUAN TP.HCM

Trước đó, vào ngày 16.3, các lực lượng chức năng tạm giữ 4 tiếp viên Vietnam Airlines thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay từ Paris về TP.HCM ngày 15.3 do nghi ngờ trong hành lý của các tiếp viên này có mang theo chất cấm. 

Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện hành lý của 4 tiếp viên chứa hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamin được cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.

Theo lời khai của 4 tiếp viên, có một người nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường. Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường, nhưng khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất thì bị lực lượng chức năng sân bay phát hiện.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines 'xách tay' 11,5 kg ma túy có bị xử lý hình sự?

Coi chừng "giúp người nhưng hại mình" 

Nhiều người đã chia sẻ vụ việc này, qua đó nhắn gởi nhau thông điệp: "tuyệt đối không xách đồ giùm ở sân bay", bởi có thể rơi vào tình cảnh "giúp người nhưng hại mình".

Anh Trần Thành (32 tuổi), ở 505/3 đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết đã từng được người lạ nhờ xách giùm đồ trong chuyến bay về quê đón tết vừa rồi.

"Họ cho rằng vì hành lý xách tay có trọng lượng quá số ký quy định của hãng bay, nên nhờ tôi xách giùm một giỏ quà mà họ nói trong đó là bánh kẹo, mứt tết. Chứ lỡ mang theo lượng hành lý xách tay vượt quá quy định về kích thước và trọng lượng theo quy định thì phải mất công đăng ký vận chuyển như đối với hành lý ký gửi và phải nộp thêm phí mua hành lý quá cước. Họ phân trần, giải thích đủ điều. Nhưng tôi từ chối. Vì tôi đâu thể nào biết đích xác trong giỏ quà ấy thực hư là gì. Và cho dù có là bánh kẹo, mứt tết thật thì tôi cũng không nhận lời giúp đỡ. Tôi muốn bản thân mình an toàn", anh Thành nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà Nhi (24 tuổi), làm việc ở 125 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng kể đã có lần khi đang xếp hàng chờ làm thủ tục bay, đã được người đi cùng chuyến bay nhờ xách hộ hành lý.

"Tôi từ chối thẳng, vì tôi e ngại "nếm trái đắng". Tôi luôn từ chối cầm giùm đồ của người khác dù là ở sân bay, nhà ga hay bến xe. Tôi sợ trong những thứ họ gởi cầm giùm lỡ có hàng quốc cấm thì có nguy cơ trở thành tội phạm", chị Nhi chia sẻ.

Trong ngày 17.3, trên mạng xã hội Facebook, dân mạng cũng chia sẻ liên tục về vụ việc 4 tiếp viên Vietnam Airlines vì mang ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, họ cho rằng xách giùm đồ cho người khác ở sân bay là điều tối kỵ. 

"Đừng sử dụng lòng tốt của bản thân trong hoàn cảnh ở sân bay khi được người khác ngỏ lời cầm giùm đồ, xách giùm hành lý... Cho dù người lạ có năn nỉ cỡ nào cũng phải từ chối. Vì có thể nếu nhận lời, bản thân sẽ gặp hệ lụy khó lường", anh Nguyễn Minh Tuấn (35 tuổi), nhà ở 27 đường số 5, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết.

Vì sao tuyệt đối không xách đồ giùm ở sân bay? - Ảnh 2.

Tuyệt đối không xách đồ giùm ở sân bay

PHONG LINH

"Chỉ nên tin chính mình là cách để tự bảo vệ bản thân"

Nguyễn Hoàng Mai Anh (26 tuổi), tiếp viên một hãng hàng không nội địa, cho biết bản thân cô cũng đã từng được người khác nhờ xách giùm hành lý từ sân bay này đến sân bay khác. Tuy nhiên nữ tiếp viên hàng không này đều từ chối, kể cả là lời đề nghị của người quen. 

"Tôi không muốn gặp phiền phức, rắc rối nếu lỡ như xảy ra chuyện. Tôi chỉ tin chính mình. Và tôi mong mọi người cũng chỉ nên tin chính mình khi đi máy bay. Đó là cách để tự bảo vệ bản thân. Đừng để lòng tốt bị kẻ xấu lợi dụng để vận chuyển ma túy, văn hóa phẩm độc hại...", Mai Anh nói.

Cô gái này cũng khuyên, những người lần đầu đi máy bay, những người lớn tuổi, trẻ em cần cảnh giác trước những đề nghị nhờ vả xách giùm hành lý của người lạ. 

"Phải tuyệt đối cảnh giác, không được chủ quan. Không nên gật đầu xách giùm vì có thể gặp những tình huống không thể nào lường trước được. Vì không loại trừ khả năng trong "túi đồ" đang xách giùm có thể chứa vật cấm, hàng cấm, vật phẩm gây nguy hiểm cho chuyến bay. Nếu bị nhờ, hãy từ chối thẳng. Dù có được năn nỉ cỡ nào cũng phải từ chối", Mai Anh chia sẻ.

Vì sao tuyệt đối không xách đồ giùm ở sân bay? - Ảnh 3.

Khi ra sân bay, tại nơi ngồi chờ có thể bị người lạ nhờ trông hộ hành lý, cầm hộ hành lý...

PHONG LINH

Đặng Mỹ Thanh (28 tuổi), từng làm việc tại một hãng hàng không nội địa, sau vụ 4 tiếp viên hàng không nghi xách ma túy, thuốc lắc từ Pháp, có thể thấy thủ đoạn của tội phạm quá tinh vi khi đã ngụy trang thuốc lắc và ma túy được đóng trong những tuýp kem đánh răng. 

"Chính vì thế, mọi người khi đi máy bay cần phải giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo mỗi khi có người khác nhờ cầm giùm đồ, giữ hộ đồ, xách giúp hành lý. Từ chối họ là cách để giúp chuyến đi an toàn, suôn sẻ, tránh được những tai họa, tránh được cảnh làm ơn mắc oán, tự rước họa vào thân", Thanh nhắn nhủ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy tắc của ngành hàng không là hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ. Khi đi qua khu vực làm thủ tục an ninh, soi chiếu hành lý, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ của người khác, thậm chí hành lý soi chiếu của mỗi cá nhân cần tách rời, không được cho người lạ để vào khay đồ của mình.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines xách tay thuốc lắc: Có người mới bay hơn 1 năm

Phải thẳng thừng từ chối

Đại diện của một hãng hàng không khuyến cáo, khi ra sân bay, tại nơi ngồi chờ có thể bắt gặp những người đi cùng chuyến bay nhờ trông hộ hành lý hoặc cầm hộ hành lý với các lý do như là: quên kí gửi hành lý, hành lý quá cân hay đi đăng kí để kí gửi hành lý, vệ sinh…

Trong trường hợp này nên thẳng thừng từ chối dù cho người khác có nghĩ bạn là người như thế nào cũng được nếu bạn không muốn biến mình trở thành tội phạm. Bởi không biết trong hành lý đó liệu là đồ đạc bình thường hay những vật, chất cấm như chất cháy, nổ, bom, súng hoặc ma túy, hàng trốn thuế… Đặc biệt là đã từng có rất nhiều trường hợp người trông giữ hộ hành lý cho người khác phải bị phạt tù hoặc bị phạt tiền.

"Một số thủ đoạn được ngụy trang khá tinh vi mà mọi người không thể ngờ đến như kẻ xấu có thể giấu hàng cấm vào trong thân một chai nước suối và nhờ bạn cầm hộ khi lên máy bay sẽ lấy lại, ngụy trang hàng cấm vào túi trái cây, hoặc gói đồ ăn nhanh... Vì vậy tuyệt đối không mang hộ ai bất cứ vật gì khi đi máy bay", đại diện của một hãng hàng không, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.