Vì sao ứng viên người Việt khó có mức lương 800 triệu đồng/tháng

03/05/2022 17:17 GMT+7

Mức lương mà các ứng viên người nước ngoài nhận được dao động từ khoảng 8.500 USD/tháng – 34.000 USD/tháng, tương đương từ gần 200 triệu đồng/tháng – gần 800 triệu đồng/tháng.

Đó là thông tin do tập đoàn Navigos Group vừa công bố về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua các doanh nghiệp đối tác.

Doanh nghiệp may mặc khó tuyển ứng viên chuyên môn sâu

Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự của Navigos Group, cho biết ngay sau ngày 15.3, khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế và miễn thị thực cho nhiều quốc gia, đã có rất nhiều chuyến bay từ các công ty nước ngoài sang Việt Nam để thực hiện khảo sát, tìm hiểu cho việc đầu tư tại Việt Nam.

Bà Linh lưu ý: “Theo chia sẻ từ các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng quan tâm trong khu vực ASEAN và châu Á, nơi họ có thể đa dạng hóa khu vực sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng cường chuỗi cung ứng. Chính vì nhu cầu này, các công việc đòi hỏi chuyên môn sâu đang rất thiếu ứng viên người Việt, nhất là trong ngành may mặc, khiến các doanh nghiệp phải tuyển các ứng viên từ châu Á”.

Doanh nghiệp dệt may cần tuyển nhiều vị trí chuyên sâu

m.q

Những vị trí chuyên sâu kỹ thuật khó tìm ứng viên nhất chính là phát triển mẫu, kỹ thuật may, cải tiến, kiểm tra chất lượng… Theo bà Thùy Linh, trường hợp không tìm được ứng viên người Việt, một số công ty mở rộng tìm kiếm ứng viên người nước ngoài cho những vị trí này. Trong đó, các ứng viên từ các quốc gia châu Á khác như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan… khá quan tâm tới các cơ hội việc làm tại Việt Nam do lương thưởng cạnh tranh.

Tương tự, các doanh nghiệp trong mảng du lịch - khách sạn, hàng tiêu dùng nhanh hiện cũng đang tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí lãnh đạo cấp cao người nước ngoài. Các vị trí quản lý cấp cao như tổng giám đốc, tổng quản lý, các trưởng bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng hầu hết đều là các ứng viên người nước ngoài. Đối với mảng hàng tiêu dùng, doanh nghiệp cần tuyển các ứng viên có kinh nghiệm về thương mại điện tử, kỹ thuật số.

“Trong quý 1, chúng tôi ghi nhận các mức lương mà doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam dành cho ứng viên người nước ngoài rất cao, dao động từ khoảng 8.500 USD/tháng - 34.000 USD/tháng, tương đương từ gần 200 triệu đồng/tháng – gần 800 triệu đồng/tháng”, bà Thùy Linh thông tin thêm.

Ứng viên người Việt giỏi, chỉ còn hạn chế về ngoại ngữ

Chia sẻ về vấn đề tại sao ứng viên người nước ngoài thường được tuyển dụng vào những vị trí tốt hơn và được trả mức lương cao hơn, thạc sĩ Nguyễn Mậu Tùng, Trưởng khoa Công nghệ may - Thời trang Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành may mặc ra rất giỏi chuyên môn, có khả năng quản lý, tư duy tốt, tuy nhiên trình độ tiếng Anh còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu cần tuyển dụng rất nhiều vị trí chuyên sâu như phát triển mẫu, kỹ thuật may… Họ vẫn thường đến trường để tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Nhu cầu lớn đến mức có thể họ cần phải tuyển thêm các ứng viên đến từ các quốc gia châu Á".

"Tuy nhiên, ứng viên Việt trong ngành may mặc có một điểm yếu là trình độ tiếng Anh chưa tốt dù chuyên môn giỏi. Chính vì vậy, tôi vẫn khuyên các em trong quá trình học cần hết sức chú trọng học ngoại ngữ nếu muốn có cơ hội việc làm với mức lương cao”, thạc sĩ Tùng cho biết.

Để trở thành quản lý lĩnh vực nhà hàng khách sạn, trước tiên ứng viên phải giỏi nghiệp vụ

mỹ quyên

Về nhân sự cấp trung và cao trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, nhìn nhận: “Có thể nói trước đây, khi các tập đoàn liên doanh quốc tế bắt đầu vào Việt Nam để kinh doanh mảng nhà hàng khách sạn, thì toàn bộ nhân sự cấp trung và cao của họ là người nước ngoài. Nhưng trong những năm gần đây, các vị trí như trưởng bộ phận, quản lý, giám đốc, tổng giám đốc… người Việt đã nắm giữ rất nhiều”.

Theo thạc sĩ Quỳnh Xuân, du lịch là một ngành đặc thù nên muốn trở thành quản lý cấp trung và cao thì trước hết ứng viên phải giỏi nghiệp vụ và không thể không giỏi ngoại ngữ. “Để cạnh tranh với ứng viên nước ngoài, các em phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, kiến thức quản lý và ngoại ngữ. Phải đi từ thấp lên cao, trải nghiệm nhiều vị trí trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt có tố chất quản lý thì mới có khả năng trở thành nhân sự trung và cao cấp”, bà Quỳnh Xuân cho hay.

Đại diện khoa du lịch của một trường ĐH tại TP.HCM thừa nhận người Việt rất giỏi, nhiều người giữ vị trí nhân sự cấp trung và cao nhưng mức lương có thể lại thấp hơn ứng viên người nước ngoài ở cùng vị trí đó. "Có lẽ do chính sách của từng doanh nghiệp về vấn đề trả lương. Tuy nhiên, nếu đã trở thành nhân sự trung và cao cấp, thu nhập của bạn luôn hấp dẫn và có cơ hội làm việc ở nhiều nước khác nhau", vị trưởng khoa này nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.