Vì sao vào đại học, sinh viên dễ bị điểm thấp?

02/08/2019 08:13 GMT+7

Ngày nay, với sự đa dạng về phương thức tuyển sinh, người học không khó để trúng tuyển vào một trường ĐH. Tuy nhiên, thực tế quá trình đào tạo lại cho thấy những con số đáng buồn khi có những môn học tỷ lệ rớt lên tới 70 - 80%.

Đây là điều cần cảnh báo với những thí sinh đang chuẩn bị trở thành tân sinh viên trong năm học sắp đến hay những thí sinh còn băn khoăn trong việc xác định chọn ngành học phù hợp.

Gần 90% sinh viên điểm dưới 5

Khi các trường ĐH công bố kết quả học kỳ 2 năm học 2018 - 2019 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có dòng đăng tải trên Facebook cá nhân chia sẻ tâm trạng thất vọng về điểm số môn robot. Theo đó, môn học này của ông có tổng số 157 sinh viên (SV) năm thứ 3 ngành cơ điện tử theo học ở nhiều lớp khác nhau. Thống kê cuối học kỳ có tới 24 SV bỏ thi, 68 SV có điểm dưới 3 và 45 người điểm dưới 5. Tính chung lại, chỉ 12,7% SV đạt điểm môn học này và trên 87% SV bị rớt môn.
“Thật thất vọng về kết quả này vì đề thi rất dễ và đơn giản, được ra theo dạng đề mở cho phép SV sử dụng máy tính và mạng trong quá trình làm bài. Đây là hậu quả việc không tập trung cho việc học, nước tới chân mới nhảy, hẹn các bạn năm sau”, tiến sĩ Trường Thịnh viết trên trang cá nhân.
Cũng tại trường này, một lớp chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh ngành cơ khí cũng trong tình trạng tương tự ở môn công nghệ khí nén thủy lực. Điểm thi cuối kỳ ở môn này cao nhất là 5,3 điểm. Trong 15 SV của lớp này chỉ có 2 SV đạt từ 5 trở lên (chỉ chiếm trên 13% tổng số lớp học).
Thống kê kết quả học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 ở một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho thấy nhiều môn học tỷ lệ SV không qua khá cao. Chẳng hạn, môn đồ án thiết kế chi tiết máy có trên 71% SV bị rớt, dung sai và kỹ thuật đo có gần 63%, cơ học lý thuyết gần 60%, cơ học kết cấu 2 có gần 59%, truyền động thủy lực và khí nén trên 58%...
Thống kê kết quả học kỳ 2 một trường khác cũng cho thấy nhiều môn học tỷ lệ người bị “rụng” sau môn học chiếm trên 50% như: cơ học kết cấu 1, cơ học lý thuyết, giải tích 2, vật lý 1, vẽ kỹ thuật xây dựng…
Không chỉ các môn chuyên ngành, kiến thức toán trong chương trình đại cương cũng là môn học “tử thần” với không ít SV một số trường. Tiến sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết ông dạy môn toán cho kinh tế và quản trị (trước đây gọi là toán cao cấp), trung bình mức độ rớt môn của SV khoảng 25%, nhưng cá biệt có những lớp tỷ lệ rớt lên tới 50 - 70%.

Không theo kịp phương pháp học đại học ?

Có nhiều “mổ xẻ” khác nhau về nguyên nhân tình trạng trên, trong đó nhiều ý kiến phân tích các vấn đề ở người học ngày nay.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, tình trạng trên không chỉ ở riêng môn robot mà còn gặp ở những môn khác và ngay với ngành cơ điện tử - một trong những ngành học có điểm đầu vào cao nhất trường. Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân lớn nằm ở cách học của SV.
“Cũng những SV này nếu yêu cầu làm dự án cụ thể hoặc làm bài tập lý thuyết thì làm rất tốt, nhưng với đòi hỏi phải kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn trong một phương pháp dạy học mới thì lại không làm được”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh: “Có thể các em đã quen với cách học rập khuôn, bị động, chỉ bám vào sách vở của thời phổ thông nên khi chuyển lên ĐH chỉ thay đổi phương pháp một chút thì không theo kịp”.
Thống kê mới nhất về tình hình SV bị buộc thôi học liên quan đến điểm số tại một trường ĐH cho thấy, chỉ riêng học kỳ 1 năm học 2018 - 2019, trong gần 400 SV bị buộc thôi học có khoảng gần 300 trường hợp tự ý bỏ học và bị điểm kém.
Còn từ tình hình môn toán, tiến sĩ Phạm Hồng Danh nhìn nhận, việc chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia đã tác động lớn đến chất lượng học toán bậc ĐH. Theo ông Danh, khả năng tư duy toán của SV những khóa gần đây bị giảm sút so với trước đây. “Đáng nói là việc lười tư duy, phụ thuộc vào máy móc của người học toán. Thậm chí, để tính 7 x 0 nhưng SV vẫn dùng máy chứ không tự nghĩ”, ông Danh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.