Vì sao Việt Nam gặp khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đang ở nước ngoài?

14/03/2024 19:15 GMT+7

Do pháp luật mỗi nước khác nhau, nên nhiều tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đang ở nước ngoài rất khó có thể thu hồi được để đảm bảo cho việc thi hành án.

Ngày 14.3, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức hội thảo "Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương quốc Anh".

Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho rằng, từ kết quả chuyến công tác của Bộ Tư pháp tại Vương quốc Anh năm 2023 cho thấy, công tác thi hành án dân sự (THADS) tại Anh đang được thực hiện có hiệu quả. Việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Anh ngoài các cơ chế hình sự, còn có các cơ chế thu hồi không qua thủ tục kết tội.

Vì sao Việt Nam gặp khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đang ở nước ngoài?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi

NGUYỄN ANH

Thứ trưởng tin tưởng rằng, những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác THADS, thu hồi tài sản của Vương quốc Anh, sẽ giúp Bộ Tư pháp tham khảo, ứng dụng những nội dung phù hợp vào điều kiện thực tế tại Việt Nam. Từ đó, mở ra những cơ hội hợp tác, trao đổi chuyên môn sâu rộng hơn trong lĩnh vực này giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Hiệp hội Thi hành án Tòa án cấp cao và các cơ quan có liên quan của Vương quốc Anh.

"Tôi mong rằng, Đại sứ quán Anh tiếp tục hợp tác, đồng hành cùng Bộ Tư pháp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chủ đề về thi hành án dân sự trong thời gian tới", thứ trưởng Khôi nhấn mạnh.

Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM cho rằng, hội thảo lần này là hoạt động tiếp nối từ chuyến công tác thành công của Thứ trưởng Mai Lương Khôi đến Vương quốc Anh trong năm 2023.

Vì sao Việt Nam gặp khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đang ở nước ngoài?- Ảnh 2.

Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM

NGUYỄN ANH

Cũng theo bà Emily Hamblin, việc trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm không chỉ bổ sung cho hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực thực thi pháp luật, mà còn là tiền đề của sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về những đặc thù, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, các đại biểu còn quan tâm đến tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản trong những vụ án có yếu tố nước ngoài.

Theo bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Vụ 13, Viện KSND tối cao, sự khác biệt trong quy định pháp luật của các nước là một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu tương trợ tư pháp.

Bà Quỳnh Anh cho rằng, sự khác nhau trong việc xác định tội danh dẫn đến khả năng yêu cầu bị từ chối vì không đáp ứng nguyên tắc phạm tội kép. Có sự khác biệt trong cách thực hiện tương trợ tùy theo quy định tố tụng hình sự của mỗi nước; quan điểm khác nhau về việc xác định cách xử lý các tội phạm liên quan đến an ninh...

Hiện có sự khác biệt trong việc áp dụng hình phạt tử hình trong các vụ án hình sự, một số nước đã từ chối hỗ trợ Việt Nam nếu chúng ta không cam kết sẽ không tuyên án tử hình, hoặc nếu có thì sẽ không thi hành bản án. Ngoài ra, còn có sự khác biệt như pháp luật Việt Nam cho phép cơ quan điều tra có quyền ra lệnh bắt, khám xét... nhưng nhiều nước chỉ trao quyền đó cho thẩm phán.

Vì sao Việt Nam gặp khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đang ở nước ngoài?- Ảnh 3.

Theo các chuyên gia cần hoàn thiện pháp luật Việt Nam

NGUYỄN ANH

Bà Quỳnh Anh dẫn chứng, trong vụ án Giang Kim Đạt, yêu cầu của Việt Nam về thu hồi tài sản tại Vương quốc Anh không thể thực hiện được. Vì nước Anh yêu cầu Việt Nam cam kết không thi hành án tử hình, trong khi pháp luật Việt Nam không quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền thực hiện cam kết này.

Chính sự khác biệt trong hệ thống pháp luật các nước, dẫn đến việc phía Việt Nam phải cung cấp thêm thông tin, tài liệu, trao đổi, giải thích để đáp ứng yêu cầu pháp luật của nước ngoài, khiến cho thời gian giải quyết tương trợ bị kéo dài.

Do đó, bà Quỳnh Anh cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Cụ thể, luật Tương trợ tư pháp hình sự, đang được nghiên cứu tách ra từ luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Đồng thời, bà đề xuất sửa đổi bổ sung bộ luật tố tụng Hình sự.

Cạnh đó, Cục THADS TP.HCM cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách riêng đặc thù bổ sung cho công tác thu hồi tài sản, và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong nước hoặc quốc tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.