Khách hàng lớn Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 68 triệu USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách hàng nhập khẩu chính là Trung Quốc, chiếm 52% (trong đó Hồng Kông chiếm 41%), kế đến là Nhật Bản 14%, Campuchia 12% và Mỹ 7%...
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết: Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là heo sữa quay đi Hồng Kông và thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Riêng thịt gà xuất khẩu chủ yếu từ Công ty Hùng Nhơn (với sự hỗ trợ từ Tập đoàn He Heus của Hà Lan) và mới đây là Công ty CP Việt Nam.
Nếu như Công ty Hùng Nhơn xuất khẩu gà sang Nhật từ cuối năm 2017 thì đến cuối năm ngoái, Công ty CP Việt Nam mới xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường này. Theo đánh giá của Công ty CP Việt Nam, Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và là "đích đến" của nhiều doanh nghiệp trong việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao. Để xuất khẩu được sản phẩm thịt sang Nhật Bản, các doanh nghiệp phải cam kết truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất theo đẳng cấp thế giới như môi trường và phúc lợi động vật...
Dù tăng trưởng ấn tượng nhưng giá trị thu về từ xuất khẩu thịt còn khá khiêm tốn. Nếu so với kim ngạch nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt thì chỉ bằng khoảng 10% (nhập 626 triệu USD). Câu hỏi đặt ra là vì sao VN lại là nước nhập siêu sản phẩm thịt trong khi chúng ta có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời?
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN (VIPA), phân tích: Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là giá thành chăn nuôi của chúng ta khá cao nên không thể cạnh tranh. Vì thế, VN chủ yếu vẫn nhập siêu các sản phẩm thịt rẻ hơn từ các nước. Thứ hai, các nước bảo hộ ngành chăn nuôi rất mạnh. Như Nhật Bản, để xuất hàng vào thị trường này các doanh nghiệp phải mất 4 - 5 năm đàm phán.
Trong danh mục cả chục sản phẩm, họ chỉ cấp phép cho một vài sản phẩm có hạn sử dụng ngắn để tăng cường bảo hộ trong nước. Chính vì vậy việc xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt ra nước ngoài là bài toán hết sức khó khăn.
Giá thành cao nhất khu vực
Vậy giá thịt heo của VN so với các nước chênh nhau như thế nào? Theo báo cáo mới đây về ngành chăn nuôi, Công ty AgroMonitor cho biết: Tính đến tháng 6.2023, giá heo hơi ở VN đang ở mức cao nhất khu vực. Cụ thể, giá heo hơi xuất chuồng của VN dao động từ 57.000 - 62.000 đồng/kg, tương đương với Lào. Trong khi các nước khác đều thấp hơn, như Trung Quốc từ 47.000 - 51.000 đồng/kg; Thái Lan từ 48.000 - 55.000 đồng/kg; Campuchia 55.000 - 56.000 đồng/kg.
VN nhập siêu sản phẩm chăn nuôi
Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6.2023 ước đạt 303 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,67 tỉ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 618 triệu USD, giảm 12,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD, giảm 3,8%.
Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 6.2023 ước đạt 44 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 65 triệu USD, tăng 9,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 68 triệu USD, tăng 38,7%. Như vậy, VN vẫn đang nhập siêu sản phẩm chăn nuôi.
Còn so với các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, các nước châu Âu hay Úc thì chi phí giá thành chăn nuôi của VN còn có một khoảng cách lớn hơn do chất lượng giống của chúng ta chưa tốt, việc hao hụt từ dịch bệnh trong chăn nuôi còn cao. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi trong nước còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn và thuốc thú y nhập khẩu. Trong khi đó, các nền chăn nuôi lớn đều đã vận hành theo mô hình tiêu chuẩn 3F (Feed - Farm - Food) có nghĩa từ khâu con giống và thức ăn đến quy trình chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Đi kèm với đó là công nghệ giết mổ theo hướng nhân đạo và bảo quản hiện đại. Tại VN mới duy nhất có TP.HCM bắt đầu triển khai giết mổ heo công nghiệp từ đầu tháng 4.2023, còn lại hầu hết vẫn giết mổ thủ công. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho thấy vì sao VN rất khó xuất khẩu thịt heo ra nước ngoài.
Heo, gà, trứng cũng tăng giá vì… El Nino ?
Trong tháng 6, giá các sản phẩm chăn nuôi được cải thiện đáng kể so với tháng trước và người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, giá heo hơi bình quân cả nước đã vượt mốc 60.000 đồng/kg. Giá heo ở các tỉnh miền Bắc tăng cao nhất với khoảng 4.000 đồng/kg, giá bình quân lên tới 63.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đang ở mức thấp nhất cả nước - gần 59.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi đang tăng thì ngược lại giá thức ăn chăn nuôi lại giảm giúp người chăn nuôi có thêm lợi nhuận nhờ chi phí sản xuất giảm.
Bên cạnh giá heo tăng, giá thu mua gà cũng được cải thiện đáng kể. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc tăng 3.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Trung tăng 1.000 đồng/kg lên mức 47.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Nam tăng 1.000 đồng/kg lên mức 38.000 - 39.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Nam và miền Trung tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg lên mức 34.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, hiện tượng thời tiết El Nino cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Cụ thể, nắng nóng kéo dài, thiếu điện, khô hạn cũng khiến gia súc, gia cầm chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh, nguồn cung giảm đẩy giá tăng.
Ngoài các yếu tố thị trường, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì cần thiết phải có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, ở VN hiện thiếu quy hoạch đất cho ngành chăn nuôi dù lĩnh vực này đóng góp tới 24% giá trị trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Mới đây, Hội Chăn nuôi VN, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN và Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn VN phải đồng đứng đơn kiến nghị Bộ TN-MT xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào luật Đất đai sửa đổi.
Theo các hiệp hội này, nếu không có quy định rõ trong luật thì hôm nay chính quyền cấp cho trang trại, ít lâu sau lại cấp cho dân đến ở xung quanh hoặc xây dựng công trình công cộng khác và cơ sở chăn nuôi bỗng dưng trở thành vi phạm các điều kiện, phải di dời. Cứ thế thì không bao giờ chúng ta có được ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người chăn nuôi thì lúc nào cũng nơm nớp, không dám đầu tư.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi phát triển và hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi động vật cần đầu tư rất nhiều từ con giống đến quy hoạch đất đai. Chăn nuôi là lĩnh vực cần rất nhiều vốn, và nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nội địa vì nếu không cũng chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi FDI mới đủ sức vươn ra thị trường thế giới.
Bình luận (0)