Vì sao vua Tự Đức thương Ưng Đăng nhưng lại truyền ngôi cho Ưng Chân ?

07/03/2021 10:00 GMT+7

Chuyện vua Tự Đức bị bệnh đậu mùa không con nhưng lại có tới ba con nuôi: Ưng Chân, Ưng Đường và Ưng Đăng/Hổ sử sách đều có chép lại. Vì vậy, việc chọn ai truyền ngôi cũng là “bài toán” đau đầu sau này của ông.

Trong chuyện của vua Tự Đức gây tò mò này, sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của GS Nguyễn Quốc Trị (Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM) cho biết: "Xuân năm 1883, vua phong Hoàng trưởng tử Dục Đức làm Thụy (Thoại) Quốc công để “mở cho ngươi còn đường tu tiến”, và cũng cho phong Hoàng tử thứ hai là Ưng Đường làm Kiên Giang Quận cộng. Nhưng trước đó 5, 6 tháng, vào thu năm 1882 vua có cho dưỡng tử thứ ba là Ưng Đăng, nuôi ở trong cung từ lúc 2 tuổi, lúc đó đã 14 tuổi, ra ở Dưỡng Thiện đường và bổ thầy dạy học riêng cho mau tấn tới hơn. Khác với hai ông Ưng Chân và Ưng Đường hay bị chê trách la rầy, Ưng Đăng, về sau là Hoàng tử Dưỡng Thiện và vua Kiến Phúc, được vua thương quý và khen ngợi, tin tưởng nhiều hơn".

Vua Tự Đức không con nhưng lại có tới ba người con nuôi để chọn truyền ngôi

Ảnh: T.L

Vua cho rằng, “Ưng Đăng... đã gần trưởng thành, dạy cho đọc sách, tập làm thơ văn, hơi khá biết một hai tý, tính cũng hơi sáng biết sợ, tưởng cũng dễ dạy, nhưng còn học một buổi, nghỉ 10 buổi, nên chưa chóng thông. Nay cho ra ở nhà Dưỡng thiện, để cho gần thầy học sớm tối học dùi mài hầu được tiến đức.”
Bằng những tài liệu có được, GS Nguyễn Quốc Trị tiết lộ thêm: "Trong di chiếu làm vào cuối hè năm 1883, trước khi băng hà, vua Tự Đức, sau khi nêu rõ các thói hư tật xấu của hai hoàng tử kia nhưng vẫn để ngôi cho Hoàng trưởng tử Dục Đức (Ưng Chân), có xác nhận, rằng: Duy con út là Ưng Đăng hầu hạ cẩn thận, biết sợ, dạy được chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đường học chưa thông, đương lúc khó khăn này. Cho nên trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn là vì xã tắc (cho Dục Đức nối ngôi). Nghĩ ơn nuôi nấng đã hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm hoàng tử...”.
Trong Sử quan bộ Thực lục chính biên đệ ngũ kỷ cũng có nói rõ thêm rằng Ưng Đăng được vua Tự Đức khen là “thông minh chăm học, giống tính vua cha, tỏ ý yêu dấu khác thường”, và sau khi cho học tập ở Dưỡng thiện đường, “sau lúc rảnh rang sử sách. Vua lại sai đem các chương tấu ở các nha thuộc các Bộ mà cắt nghĩa giảng giải để tập xem cho quen…Việc vua cha thân hành chỉ bảo về công vụ, chương sớ này, theo truyền thống nhà Nguyễn, thường chỉ dành cho người con nào mà vua muốn truyền ngôi cho, không thấy áp dụng cho hai hoàng tử kia"..
Theo Wikipedia, vua Dục Đức chỉ ở ngôi được ba ngày thì bị các quan Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất. Hoàng tử Ưng Đăng được chuyển ra ở quán quan xá ngoài Cửu vụ khiêm. Em trai vua Tự Đức là Hồng Dật được lập lên ngôi, tức là vua Hiệp Hòa. Ngày 29.11 năm đó, vua Hiệp Hòa mưu giết các quan Phụ chánh Đại thần thất bại và sau đó bị họ xử tử. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết họp các quan đại thần, tôn lập Ưng Đăng/Hổ lên ngôi khi tuổi còn rất nhỏ.
Sau khi vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) băng hà trưa ngày 31.7.1884, hai Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lặng lẽ cho làm mọi thủ tục đưa vua Hàm Nghi lên kế vị, rồi sáng sớm ngày 1.8 mới thông báo chính thức cho Sứ quán Pháp biết.

Mộ vua Dục Đức (Ưng Chân) ở Huế

Ảnh: T.L

Sách đã dẫn viết về sự kiện này như sau: "Phía Pháp liền phản đối dữ dội và đòi triều đình phải truất phế vua Hàm Nghi và đưa em vua Tự Đức là hoàng thân Hồng Hưu lên ngôi thay thế. Ông này đã được vua Kiến Phúc tấn phong lên tước hiệu là Gia Hưng vương và bổ làm Phụ chánh thân thần, và với các tư cách này có dự vào việc đưa vua Hàm Nghi lên kế vị. Ngày 1.8.1884, quyền Tổng Trú sứ Rheinart đã buộc Triều đình đưa Gia Hưng Vương lên, và đánh điện liền về Pháp giải thích rằng mình không đưa ông Dục Đức lên, như đã dự định trước, vì thấy ông này lúc đó đã bị mất uy tín sau khi bị truất phế. Nhưng sau khi thấy triều đình không chịu Gia Hưng vương và đã làm lễ tấn phong vua Hàm Nghi ngày 2.8, thì ngày 3.8 ông Rheinart lại cho viên chức Văn thân của Sứ quán đến gặp Phụ chánh Tôn Thất Thuyết yêu cầu ông này lên ngôi, hay xếp đặt đưa ông Dục Đức lên rồi giành địa vị cao hơn của Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, và Pháp sẽ đưa ông Nguyễn Văn Tường đi đày".
Sau khi vua Tự Đức băng hà, triều chính lúc này trở nên... rối sau khi hai quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại làm thủ tục đưa vua Hàm Nghi lên kế vị vua Kiến Phúc, đã làm "mất lòng" đại diện của nước Pháp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.