Vương quốc cổ có nhiều tên gọi
Champa xưa bị ảnh hưởng mạnh bởi hệ văn hóa, tín ngưỡng Ấn giáo, từ thế kỷ 15 lại ngả về tín ngưỡng bản địa có dung hòa một số yếu tố Ấn giáo, Hồi giáo. Người Champa xưa không ghi chép sử như các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, các mảnh ghép lịch sử của họ chủ yếu từ các văn bia khắc trên đá (bia ký) còn lại đến nay và dựa trên sử liệu của một số nước lân cận.
Trong lịch sử của mình, vương quốc Champa được sử Trung Quốc và sử Việt Nam gọi bằng những cái tên Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành - tùy theo từng giai đoạn. Trong đó tên Hoàn Vương được sử dụng ngắn nhất, trong khoảng 1 thế kỷ từ giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9, thời vương triều Panduranga.
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) |
NAM HOA |
Trước tiên phải xác định những cái tên như Lâm Ấp, Hoàn Vương hay Chiêm Thành đều là cách sử Trung Quốc và sử Việt dùng để gọi vương quốc Champa theo cách phiên âm Hán ngữ. Còn người Champa (nếu có) chỉ xưng quốc hiệu của mình là Champa.
Sử Trung Quốc bắt đầu nhắc đến nước Lâm Ấp vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên và danh xưng này được sử dụng trong khoảng 5 thế kỷ, rồi đến năm 758, lần đầu tiên người Trung Quốc sử dụng cái tên Hoàn Vương để gọi vương quốc Champa - theo tài liệu Dân tộc Chàm sử lược (tác giả: Dohamide và Dorohiem, xuất bản năm 1965, chương III – Triều đại Panduranga). Đây là những năm đầu tiên dưới triều đại vị vua mang tên Prithivindravarman, một vị vua mới chuyển dịch kinh đô Champa từ phía bắc vào phía nam, trên địa phận xứ Panduranga.
Một cách lý giải về tên Hoàn Vương
Hai ông Dohamide và Dorohiem không lý giải được vì sao xuất hiện cái tên Hoàn Vương, họ viết rằng: “Người ta không tìm được một danh từ Chàm tương ứng với Hoàn Vương, vì bia khắc của vị vua đương thời (Prithivindravarman) vẫn dùng quốc hiệu Champa”. Dohamide và Dorohiem có thể có chút nhầm lẫn khi cho rằng bia ký của Prithivindravarman vẫn dùng quốc hiệu Champa, bởi Prithivindravarman không để lại bia ký.
Tháp Bà Po Nagar (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) |
NAM HOA |
Tác giả Georges Maspero trong tác phẩmVương quốc Champa (NXB Khoa học xã hội, 2020) - dựa chủ yếu vào hai nguồn sử liệu quan trọng nhất thời bấy giờ là văn khắc cổ bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ được chuyển ngữ bởi các chuyên gia lớn về cổ ngữ thời đó; các thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam đề cập tới vùng đất, cư dân thuộc miền Trung Việt Nam ngày nay, đã viết: “Ông không để lại bia ký, nhưng cháu (gọi ông là chú/bác) là Indravarman I đã để lại tên ông, chỉ biết tán tụng thời kỳ ông làm vua: Prithivindravarman nổi tiếng khắp nơi về dòng dõi và vương quyền, trong khi sinh thời, đã hưởng đất đai, và dùng sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù - ở trong vương quốc của vị vua chủ tể - người đã hưởng thụ toàn bộ đất đai của Champa, rất nhiều thực phẩm và mọi thứ…”.
Indravarman I là vị vua thứ ba của vương triều Panduranga, kế vị vua Satyavarman - cũng là một người cháu khác của Prithivindravarman, tức là Indravarman I kế vị anh họ của mình. Vương triều Panduranga kéo dài gần 100 năm, khởi nguồn từ Prithivindravarman năm 757, kết thúc bởi vua Vikrantavarman III vào năm 854, sau đó kinh đô Champa lại chuyển ra phía bắc, tại Đồng Dương. Và từ giai đoạn đó, Champa được gọi là Chiêm Thành.
Tháp Po Klaung Garai (TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) |
NAM HOA |
Về cái tên Hoàn Vương, TS. Nguyễn Văn Huy trong tài liệu Tìm hiểu cộng đồng Chăm tại Việt Nam, cho rằng năm 757 một vị tiểu vương phía nam nổi lên, hạ bệ vị vua trẻ mới lên ngôi, rồi xưng là Prithi Indravarman (các tài liệu khác thường ghi là Printhivindravarman), dời kinh đô về vùng phía nam Champa. Ông viết trong tài liệu đã dẫn: “Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương Quốc, vương quyền trở về quê cũ” - một cách lý giải khá thú vị.
Không biết TS. Nguyễn Văn Huy lý giải có chính xác hay không, nhưng đúng là việc đầu tiên Prithivindravarman làm khi giành được ngôi vua là dời kinh đô vương quốc Champa từ phía bắc (lúc đó đang ở Trà Kiệu) về phương nam. (còn tiếp)
Bình luận (0)