Cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn tài nguyên công nghệ xanh dùng cho xe điện đang tăng nhiệt trên thế giới, khi cả Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đã nhập cuộc.
Tuy nhiên, theo một phân tích từ Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (T&E) có trụ sở ở Bỉ, các nhà sản xuất ô tô châu Âu chỉ mới đảm bảo được 16% lượng lithium, coban và niken cần thiết để đạt được mục tiêu bán ô tô điện vào năm 2030.
Phân tích cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã tiết lộ các thỏa thuận sẽ chỉ bao gồm 14% lượng lithium, 17% lượng niken và 10% lượng coban cần thiết để đáp ứng mục tiêu của họ trong 7 năm tới, tờ The Guardian đưa tin.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy 2 nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới là Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc, đã vượt xa châu Âu trong lĩnh vực này.
Theo kế hoạch, Liên minh châu Âu và Anh sẽ cấm bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới ở 2035.
Chiến lược khoáng sản
Bà Julia Poliscanova, nhà phân tích cấp cao tại T&E, cho biết: "Có sự khác biệt rõ ràng giữa mục tiêu xe điện [EV] của các nhà sản xuất ô tô và chiến lược khoáng sản quan trọng của họ. Tesla và BYD đang đi trước hầu hết các công ty châu Âu, những người chỉ mới kịp 'thức tỉnh' trước thách thức về nguồn cung".
T&E cho biết Mercedes-Benz, BMW và Hyundai/Kia là những nhà sản xuất ô tô có hoạt động lớn ở châu Âu nhưng đang tụt hậu xa nhất so với các đối thủ.
Một số nhà sản xuất ô tô có thể có những thỏa thuận bí mật với các công ty khai thác hoặc tinh chế để cung cấp đủ khoáng chất, trong khi một số đang tìm cách giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng coban và niken đắt tiền. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt được nêu chi tiết trong các hợp đồng được tiết lộ công khai cho thấy các nhà sản xuất ô tô sẽ phải khá vất vả để đạt được mục tiêu xe điện của mình.
Phân tích này phù hợp với dự báo từ công ty dữ liệu khoáng sản Benchmark Mineral Intelligence (Anh) rằng nhu cầu đối với một số nguyên liệu chính sẽ vượt xa nguồn cung trong thập niên tới.
Benchmark dự đoán rằng nhu cầu lithium sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 khi Trung Quốc, châu Âu và sau đó là Mỹ nhanh chóng rời xa xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, nếu dự báo này là chính xác, lượng thiếu hụt lithium vào năm 2030 sẽ tăng lên 390.000 tấn.
Bên cạnh đó, Benchmark còn cho rằng nguồn cung coban và niken cùng sẽ bị thiếu hụt vào năm 2030.
Chuyên gia Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của Benchmark, cho biết: "Trong trung và thậm chí dài hạn, lithium có thể sẽ là yếu tố hạn chế tốc độ mà ngành công nghiệp pin có thể mở rộng".
Theo chuyên gia này, các dự án khai thác lớn thường mất ít nhất 5 năm để bắt đầu sản xuất nguyên liệu trên quy mô lớn và có thể mất tới 7 năm nếu cần gây quỹ. Điều đó có nghĩa là các quyết định đầu tư sẽ cần được đưa ra trong 1 hoặc 2 năm tới để tăng nguồn cung vào năm 2030.
Pháp và Ý tính hạn chế trợ cấp cho xe điện châu Á sản xuất
Hy vọng cho xe điện châu Âu?
Trong một báo khác được The Guardian công bố vào tháng 11, Northvolt, nhà sản xuất pin điện nội địa lớn duy nhất ở châu Âu, cho biết họ đã tạo ra loại pin natri-ion "đột phá".
Theo nhà phát triển Thụy Điển, pin loại này có chi phí thấp hơn, bền vững hơn, được thiết kế để lưu trữ điện mà không cần đến lithium, niken, than chì và coban. Qua đó, các ngành công nghiệp năng lượng và xe điện của châu Âu có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô khan hiếm từ Trung Quốc.
Northvolt cho biết loại pin mới của họ có mật độ năng lượng hơn 160 watt/giờ, được thiết kế cho các nhà máy lưu trữ điện nhưng trong tương lai có thể được sử dụng trong các phương tiện chạy điện, chẳng hạn như xe máy 2 bánh.
"Việc sử dụng công nghệ natri-ion không phải là mới nhưng chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm đầu tiên hoàn toàn không chứa các nguyên liệu thô quan trọng. Đó là một bước đột phá cơ bản", ông Patrik Andreasson, phó chủ tịch chiến lược và tính bền vững của Northvolt cho biết.
Khi được hỏi liệu Northvolt có mở hoạt động ở Anh hay không, ông Andreasson nói: "Chúng tôi đang bận rộn. Chúng tôi có một con đường rõ ràng về nơi chúng tôi sẽ đến".
Bình luận (0)