Vị thế người thầy: Chúng tôi cần được chính Bộ GD-ĐT coi là người thầy thực sự…

12/04/2021 18:07 GMT+7

Theo một thầy giáo ở Hòa Bình, ông đồng cảm với lá thư của tân Bộ trưởng gửi các nhà giáo , nhưng cũng mong mỏi “không ai khác ngoài Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận lại vị trí của người thầy của chúng tôi trong xã hội”.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 10.4, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có bức thư gửi nhà giáo trên toàn quốc. Bức thư xuất hiện như một lời chào hỏi đầu tiên của lãnh đạo cao nhất trong ngành, nội dung chia sẻ sự đồng cảm của Bộ trưởng với các nhà giáo, về “ngành và nghề của chúng ta”.
Trong bức thư, tân Bộ trưởng đề cập “vị thế của nhà giáo”, với sự thấu hiểu “chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”.
Sau khi nội dung bức thư trên được Thanh Niên đăng tải, nhiều nhà giáo cho biết họ có sự đồng cảm sâu sắc với tân Bộ trưởng. Hơn ai hết, các thầy cô giáo mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức - tâm huyết của các thầy cô, với cả ý nghĩa mà nghề giáo mang đến cho xã hội.
Ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), bày tỏ: “Là nhà giáo và là cán bộ quản lý giáo dục, cá nhân tôi đồng cảm với tâm tư của tân Bộ trưởng. Trong văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, vị thế của nhà giáo được coi trọng. Theo quan điểm của tôi, để xã hội phát triển, nghề dạy học cần được coi trọng, trong đó vị thế người thầy phải được đặt lên cao, không chỉ bởi theo truyền thống “tôn sư trọng đạo”, mà còn bởi ý nghĩa xã hội mà nghề giáo mang lại”.
Ông Quân cho biết, ông đồng ý với tân Bộ trưởng, rằng để đạt được vị thế xứng đáng, bản thân người làm nghề dạy học phải làm sao cho xã hội nói chung, cha mẹ học sinh và học sinh nói riêng, nhận thấy người làm thầy thực sự đáng được tôn trọng.
Muốn như vậy thì như tân Bộ trưởng đã viết trong thư: ”Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”.
“Nhưng các thầy cô giáo hiện nay đã làm được điều đó chưa?”, ông Quân hỏi, rồi khẳng định: “Xin thưa rằng, hầu hết các thầy cô đã cố gắng hết mình cho nghề nghiệp”.
Ông Quân nói: “Chỉ có một số cá nhân đang làm cho nghề dạy học trở nên méo mó, làm cho vị thế của người thầy trở nên thấp kém trong con mắt của người dân, trong đó có không ít những người đang làm trong ngành giáo dục và bản thân truyền thông cũng không nằm trong diện ngoại lệ.
Họ nhìn giáo dục dưới ánh mắt hoài nghi và đầy rẫy tiêu cực, họ coi dạy thêm như một loại hình tội phạm, coi cán bộ quản lý các nhà trường như những con sâu mọt làm mục ruỗng ngành giáo dục. Họ đang đối xử rất không công bằng với ngành giáo dục nói chung và những người làm nghề dạy học nói riêng”.
Ông Quân chia sẻ: “Là những nhà giáo ngày đêm đang miệt mài vì sự nghiệp giáo dục, chúng tôi luôn coi học sinh “là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận”, và chính cũng vì học sinh thân yêu mà hiện nay chúng tôi vẫn phải vượt qua mọi khó khăn, mọi cám dỗ của đời thường để tiếp tục đi theo con đường chúng tôi đã lựa chọn. Nếu không có động lực, khát vọng học tập của học sinh thì có lẽ chúng tôi cũng đã bỏ nghề từ rất lâu rồi vì không chỉ có nghề dạy học mới giúp chúng tôi duy trì cuộc sống”.

“Chúng tôi cần gì để vị thế nhà giáo được nâng lên?”

Ông Quân tiếp tục tự đặt câu hỏi trên, rồi tự trả lời: “Chúng tôi cần Bộ GD-ĐT coi chúng tôi là những người thầy thực sự. Không ai khác ngoài Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận lại vị trí của người thầy của chúng tôi trong xã hội. Những năm qua, “người thầy” không được coi trọng thực sự. Hàng loạt văn bản của Bộ GD-ĐT ban hành đã tước bỏ “quyền hợp pháp” của người thầy trong khi hành nghề.
Hàng loạt văn bản của Bộ GD-ĐT đã làm cho người thầy hao tâm, tổn trí để làm những công việc sự vụ dẫn đến không có thời gian đào sâu suy nghĩ chuẩn bị cho giờ lên lớp (tôi không thể dẫn ra hết được các văn bản của Bộ vì quá nhiều)”.
Theo ông Quân, các nhà giáo cần có vị trí việc làm có thu nhập ổn định theo mặt bằng chung của xã hội để tiếp tục hành nghề. Giáo giới không đòi hỏi mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội, chỉ cần có thu nhập ở mức độ trung bình của mặt bằng chung để đảm bảo đời sống. Ít nhất từ đời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến vấn đề này, nhưng đến nay, mức thu nhập của giáo viên vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống.
Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông kỳ vọng và cần tân Bộ trưởng làm ngay là chỉ đạo bãi bỏ hoặc sửa đổi ngay một số văn bản đang gây khó khăn cho giáo dục phổ thông hiện nay. Chẳng hạn như điều lệ nhà trường, quy định về khen thưởng kỷ luật học sinh, quy định về đánh giá xếp loại học sinh, quy định về đánh giá xếp loại giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp, các quy định về xếp hạng nghề nghiệp giáo viên, quy định về thực hiện dân chủ trong nhà trường vì những bất cập hiển nhiên của các văn bản đó.
Ông Quân nói: “Về việc mỗi nhà giáo phải làm gì để nâng cao vị thế người thầy thì xin Bộ trưởng cứ yên tâm! Chúng tôi sẽ đồng hành cùng tân Bộ trưởng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, mãi mãi và vẫn thế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.