Vị thế người thầy: Đừng kỳ vọng, bởi xã hội nào thì người thầy ấy

14/04/2021 11:07 GMT+7

Theo GS Trần Đức Viên sự nỗ lực của mỗi nhà giáo dù đáng quý nhưng không mấy ý nghĩa trong công cuộc xác lập lại vị thế người thầy, nếu như môi trường xã hội chưa trong lành, chưa dành cho người thầy sự tôn trọng .

Sau bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi nhà giáo trên toàn quốc, nhiều thầy cô giáo đã gửi tới báo Thanh Niên những chia sẻ bày tỏ sự đồng cảm của mình trước tâm tư của Bộ trưởng, đặc biệt là về trăn trở của Bộ trưởng trước “vị thế của nhà giáo” ngày nay.
GS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết ông không hoàn toàn đồng ý với tân Bộ trưởng GD-ĐT khi cho rằng việc xác lập vị thế nhà giáo “cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”.

Xã hội nào người thầy ấy

GS Viên phân tích: “Triết học Mác nói thế này: “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Cho nên xã hội nào có nền giáo dục ấy, xã hội nào có ông thầy của xã hội ấy, xã hội nào có người trò của xã hội ấy. Đó là quy luật biện chứng. Không thể nói là dù chúng ta có một xã hội tốt đẹp, còn thầy không ra thầy, trò không ra trò là lỗi của ngành GD-ĐT.
Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: “Trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thì thầy mới ra thầy, trò mới ra trò được”. Đấy là mối quan hệ biện chứng. Không thể mong muốn theo kiểu duy tâm. Đòi hỏi trước hết người thầy phải cố gắng mới lấy lại được vị thế người thầy trong một xã hội thiếu tôn trọng người thầy, đó là tư duy duy tâm”.
Theo GS Viên, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, trường học vẫn được xã hội tôn vinh như lâu đài của trí tuệ, lâu đài của đạo đức. Mà đạo đức chính là một nét tiêu biểu của văn hóa, bởi văn hóa là cung cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với đồng loại. Một khi lâu đài về trí tuệ, lâu đài về đạo đức bị xâm phạm, bị tổn thương thì lỗi không phải chỉ có ông thầy. Ông thầy là người góp phần tạo nên những sa sút đạo đức ấy, nhưng ông thầy cũng là nạn nhân của tất cả những sa sút ấy.
GS Viên chia sẻ: “Tại sao ở các nước phương Tây, nơi thường xảy ra những cuộc biểu tình, chửi bới thậm tệ, ném trứng thối vào nguyên thủ quốc gia, nhưng không bao giờ có chuyện người dân kéo nhau rùng rùng ném trứng thối vào trường học. Xã hội họ không có chuyện kéo người dân vào trường đánh chửi thầy cô. Vì họ xem ông thầy là nhân vật có tính biểu trưng cho văn hóa, cho đạo đức, cho trí tuệ của một cộng đồng. Khi trò đánh thầy, thầy đánh trò, thầy không ra thầy, trò không ra trò, thì nó có lỗi của rất nhiều phía. Nhưng trước hết là bởi xã hội đó hỗn loạn về giá trị”.

Khi người thầy phải chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo…

Về việc người thầy góp phần tạo nên sự sa sút về đạo đức xã hội, từ đó làm tha hóa đạo đức chính mình, GS Viên giải thích:
“Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người thầy của các nhà giáo ở ta là vẫn đề thu nhập. Điều này khiến cho nhà giáo không đủ sống. Theo triết học Mác, muốn làm cách mạng, muốn có đạo đức, muốn có văn hóa… thì trước hết con người phải lo được cho cái dạ dày của mình, tứ là lo cái ăn. Còn người Việt cũng nói dĩ thực vi tiên; ăn số 1 đã, rồi sau đó mới là đạo đức, văn hóa, trí tuệ…, và những điều cao xa khác. Người Việt lại nói, đói ăn vụng, túng làm liều. Nhu cầu thiết yếu của con người là có nhà ở, đi lại, ăn mặc, lo được việc học hành của con cái… Nhưng lương không đủ để lo những việc đó thì ông thầy phải nghĩ cách xoay”.
GS Viên cho rằng, hầu hết không người thầy nào muốn sống kiểu đó. Bởi “nhân chi sơ tính bản thiện”, là con người ai cũng muốn sống tử tế. Vấn đề ở chỗ, như Nam Cao nói, tôi muốn sống lương thiện nhưng ai cho tôi lương thiện? Người thầy cũng thế, vì không đủ sống thì phải nghĩ chuyện dạy thêm một chút kiếm thêm mấy đồng. Ban đầu cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Về sau thì sa lầy dần vào những cám dỗ vật chất.
“Những cái đó khiến đạo đức nhà giáo bị tha hóa dần. Thu nhập không đủ sống là kẽ hở cho những toan tính ít lương thiện len vào. Ông giáo có cố đến mấy cũng chỉ giữ được ở mức nào đó. Tất nhiên không phải ông giáo nào cũng bị cám dỗ vật chất làm cho tha hóa. Nhưng số “người đầu hàng hoàn cảnh” cũng đủ lớn, đủ làm cho xã hội thấy mối quan hệ giữa xã hội và người thầy là mối quan hệ sòng phẳng. Họ có lý để xem người thầy là nhà cung cấp dịch vụ, người học là người trả tiền. Chẳng ơn huệ, chẳng nợ nần gì nhau cả”, GS Viên nói.
Điều mà GS Viên cho rằng tâm lý trên (xem quan hệ thầy - trò là mua bán sòng phẳng) rất đáng lo ngại ở xã hội ta bởi chính những nước đẻ ra nền kinh tế thị trường không có cách nhìn nhận đó đối với giáo dục. Ở các nước Thụy Điển, Phần Lan và các nước châu Âu khác, người thầy rất được tôn trọng. Ngay cả Mỹ, một nước có hệ số lương trả cho nhà khá thấp so với các ngành nghề khác trong xã hội, thì vị thế xã hội của nhà giáo cũng rất đàng hoàng. Điều đó chứng tỏ rằng, thang giá trị của xã hội ở các nước đó không căn cứ vào thu nhập của cá nhân.
GS Viên nêu ý kiến: “Tôi cũng đồng ý, nhà giáo phải có ý thức tự tôn. Chẳng ở đâu người thầy đáng thương như ở ta, gặp học trò cũ giờ thành quan to thì thầy khúm na khúm núm. Đã đành xã hội mình có thế nào thì mới “đẻ ra” những người thầy đó, nhưng các thầy cũng cần phải tự trang bị cho mình bản lĩnh, văn hóa để có thể ngẩng cao đầu. Người thầy phải có nền tảng tri thức tốt, phải có phông văn hóa dày. Cái này do xã hội, nhưng quan trọng cũng do giáo dục của từng gia đình. Nếp nhà không tử tế, xã hội không tử tế, thì đẻ ra con người dễ bị lụy quyền thế, lụy vật chất”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.