Khéo léo khai thác cơ hội
Năm 2020, đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại Mỹ - Trung đã tác động lớn đến tình hình thế giới. Ông/bà đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh như vậy?
GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản):
Việt Nam đã khéo léo khai thác các cơ hội trong bối cảnh thế giới năm 2020. Ví dụ như Việt Nam đã thu hút các nguồn vốn đầu tư và sự chuyển dịch sản xuất khi Covid-19, cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, Nhật rút dần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Việt Nam cũng thành công thu hút sự can dự của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông.
Năm 2020, Việt Nam kiểm soát tốt sức khỏe cộng đồng khi kiềm chế hiệu quả đại dịch Covid-19 giúp tạo hiệu ứng tốt về đối ngoại. Cũng liên quan đối ngoại, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với Nhật Bản cả về kinh tế lẫn quốc phòng.
TS Ekaterina Koldunova (Hiệu phó Trường Quan hệ quốc tế - Học viện Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, Nga):
Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung, Việt Nam đã ứng phó rất tốt khi không chỉ nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, mà còn điều chỉnh vai trò Chủ tịch ASEAN phù hợp hoàn cảnh mới. Và kết quả đáng ghi nhận là nền kinh tế Việt Nam không bị thiệt hại nặng nề như các nước lân cận.
Nhiều nước cần sự hợp tác của Việt Nam
Qua đó, vai trò của Việt Nam đối với thế giới và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) như thế nào?
GS Yoichiro Sato: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc phòng với các thành viên của “tứ giác kim cương” (gồm Mỹ - Úc - Nhật Bản - Ấn Độ). Dù không phải là thành viên và tuân thủ nguyên tắc “không liên minh”, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa cho các quan hệ hợp tác song phương với các thành viên của “tứ giác kim cương”. Hơn nữa, ngoài “tứ giác kim cương”, thì nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những nước châu Âu, cũng đưa ra các tầm nhìn về Indo-Pacific nên cũng cần mở rộng sự hiện diện trong khu vực. Qua đó, những nước ngoài nhóm “tứ giác kim cương” rất cần sự hợp tác với Việt Nam được thực hiện qua các chuyến thăm viếng quân sự lẫn nhau, cũng như thực hiện các thỏa thuận về tương hỗ hậu cần.
TS Ekaterina Koldunova: Trong một năm đầy khó khăn, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và qua đó đã hoàn thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam cũng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vai trò mà Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm trong năm 2021. Qua đó, Việt Nam cũng đã có thuận lợi để thực hiện các sáng kiến rộng lớn cho quốc tế và khu vực, như tại Liên Hiệp Quốc hay ASEAN.
Giới kinh doanh của Mỹ thấy nhiều cơ hội tại Việt NamMỹ đang nhìn về Việt Nam theo hướng tích cực, kỳ vọng một mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn. Giới kinh doanh và đầu tư Mỹ đang nhìn thấy cơ hội tuyệt vời ở Việt Nam và khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ thì điều đó càng trở nên thuận lợi.
Với nước Mỹ, trong khối ASEAN thì Việt Nam là một đối tác mang đến nhiều niềm tin mà không phải nước nào trong khu vực cũng thể hiện được niềm tin tương tự. Tôi tin chắc Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng mở cửa nền kinh tế. Tôi kỳ vọng Việt Nam tiếp tục mối quan hệ tích cực với Mỹ. Chúng tôi mong muốn Việt Nam thành công. Qua đó, Việt Nam sẽ tăng cường hiệu quả phát triển kinh tế và đẩy mạnh hợp tác với Mỹ.
TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ)
|
Cần tập trung vào các thỏa thuận thương mại
Những yếu tố chính trị quốc tế nào sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2021? Và Việt Nam nên có những chính sách đối ngoại như thế nào?
GS Yoichiro Sato: Khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ thì một số chi tiết trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có thể thay đổi. Điển hình là một số vấn đề về hợp tác quốc phòng cũng như quan hệ thương mại.
Về tổng thể, Việt Nam đang đi đúng hướng và sắp tới nên tập trung phát triển các thị trường mới cho xuất khẩu bằng cách tận dụng các thỏa thuận thương mại đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…
TS Ekaterina Koldunova: Covid-19 có thể sẽ vẫn là một trong các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới, nên sẽ càng tốt hơn khi có thêm các hợp tác quốc tế tích cực để ứng phó đại dịch. Ví dụ, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cùng hợp tác với Nga về sản xuất vắc xin phòng dịch Covid-19. Một cuộc đối thoại mang tính xây dựng bao trùm lên cả khu vực sẽ là cần thiết để tránh cho khu vực bị chia rẽ sâu sắc do các căng thẳng Mỹ - Trung.
Xin cảm ơn ông, bà!
Các cam kết của Việt Nam với khu vực Indo-Pacific đã mang lại kết quả tích cực, góp phần tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam - Ấn Độ vừa kết thúc cũng mang dấu ấn quan trọng, vì cả hai đều cùng chia sẻ những lo ngại, thách thức chung trong khu vực. Cả hai đã cùng nhau xây dựng các cơ chế phối hợp ngoại giao rộng lớn để đảm bảo lập trường về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam cũng đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với New Zealand và cùng chia sẻ quan điểm tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan vấn đề Biển Đông. Tương tự, Úc cũng thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam xung quanh vấn đề này. Một dấu ấn khác phải kể đến là Việt Nam cùng với Hàn Quốc và New Zealand đã tham gia vào nhóm đối tác mở rộng của “tứ giác kim cương”.
Sắp tới, Việt Nam còn có thể phát huy vai trò quan trọng trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến thế giới.
TS Rajeswari Pillai Rajagopalan
(chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ) |
Bình luận (0)