Trong bài phát biểu tối 24.2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho hay ông muốn nghe quan điểm của người dân Philippines về Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ vì ông không thể quyết định liệu “hủy bỏ hay thay đổi” thỏa thuận song phương này, theo tờ Philippine Daily Inquirer.
Trong khi đó, vào ngày 12.2, theo sau các cuộc đối thoại gần đây nhằm hướng tới một VFA mới giữa hai nước, ông Duterte báo với phía Mỹ rằng nếu muốn có một thỏa thuận, nước này “phải trả tiền”. “Đó là trách nhiệm chung nhưng việc chia sẻ trách nhiệm của quý vị không phải là miễn phí”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh. Tuyên bố này được cho nhắm vào Washington, nhưng được đưa ra trong một bài phát biểu trước binh sĩ Philippines, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
|
Tổng thống Duterte biện hộ cho yêu cầu trên bằng cách nói rằng Philippines là quốc gia khu vực gần “nơi chiến tranh nhất” và “tiền đồn thuận lợi nhất [cho các lực lượng Mỹ] sẽ là Philippines”. Đánh giá của ông Duterte dường như ám chỉ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông.
Ba ngày sau đó, phát ngôn viên Harry Roque của Tổng thống Duterte cung cấp chi tiết về yêu cầu trên, nói rằng viện trợ của Mỹ dành cho Philippines nên gần đạt con số 16,4 tỉ USD mà Mỹ đã cấp cho Pakistan từ năm 2002-2017, hơn là con số 3,9 tỉ USD Manila thực tế nhận được trong cùng thời gian. Ông Roque cho biết thêm ông đưa ra các con số như trên từ một nghiên cứu năm 2018 của tổ chức Stimson Center ở thủ đô Washington D.C về việc Mỹ tài trợ chống chủ nghĩa khủng bố. “Tại sao chúng ta không tính tiền họ để chúng ta có tiền chi cho việc ứng phó Covid-19, cho việc chăm sóc sức khỏe và cho việc lập hệ thống tưới tiêu miễn phí”, ông Roque nhấn mạnh.
“Như chúng ta đang tống tiền họ”
Ông Roque khẳng định yêu cầu Mỹ tăng viện trợ để có được VFA mới “không phải là tống tiền”. Trong khi đó, Phó tổng thống Philippines Leni Robredo nhận định những ngôn từ của Tổng thống Duterte về VFA đang “gây rối, như chúng ta đang tống tiền họ”. Bà Robredo cho biết thêm: “Đối với tôi, khi chúng ta nói chúng ta không muốn khôi phục VFA, thì chúng ta nên đưa ra các lý do. Chúng ta hãy cho [Mỹ] thấy tại sao thỏa thuận không có lợi cho chúng ta. Tiền không phải là yếu tố để xem xét”.
Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines Panfilo Lacson cho rằng Tổng thống Duterte “có thể tạo ra cảm giác rằng Philippines là quốc gia của những người tống tiền khi ngày càng có thái độ yêu cầu bồi thường từ một đồng minh lâu năm”. Đáp lại, Tổng thống Duterte chỉ trích Phó tổng thống Robredo và ông Lacson “không biết gì”. Việc Tổng thống Duterte không ủng hộ VFA được nhiều người xem là một phần trong động thái lớn hơn của nhà lãnh đạo Philippines là hướng về phía Trung Quốc và tránh xa đồng minh Mỹ, theo SCMP.
|
Philippines và Mỹ ký VFA vào năm 1998. Thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Mỹ xem VFA là cần thiết cho việc điều các lực lượng đến Philippines nhằm củng cố Hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký vào năm 1951. Mỹ hiện có chưa tới 200 quân nhân đóng trú ở Philippines, chủ yếu tham gia các chiến dịch chống khủng bố.
Tuy nhiên, vào ngày 23.1.2020, ông Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ VFA. Đến tháng 2.2020, ông Duterte đã chỉ đạo thư ký Văn phòng tổng thống Salvador Medialdea yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này gửi thông báo chính thức hủy VFA với Mỹ, dù sau đó tạm dừng quyết định hủy VFA 2 lần.
“Chiến thuật thương lượng”
Nhà phân tích về an ninh quốc gia và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Derek Grossman thuộc tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cho hay: “Tôi nghĩ ông Duterte nghiêm túc khi ông ấy nhất quán tuyên bố Washington cần chuẩn bị nhượng bộ để đổi lấy sự tiếp cận quân sự ở Philippines. Liệu 16 tỉ USD có phải con số không thương lượng được hay không vẫn còn là tranh cãi, nhưng ít nhất đó là điểm khởi đầu”.
Ông Grossman không tin chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ “chú ý một chiến thuật đàm phán kiểu tống tiền". Dù vậy, ông nghĩ rằng “cơ hội cho Manila có được một số nhượng bộ từ Washington trong bối cảnh hiện nay, khi sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, dường như tương đối cao”. “Mỹ nên luôn xem xét nghiêm túc những gì Duterte nói vì ông ấy không chỉ là một tổng thống mà còn được nhiều người ủng hộ ở Philippines”, ông Grossman kêu gọi.
Nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena tại tổ chức nghiên cứu Con đường châu Á-Thái Bình Dương tới tiến bộ ở Manila, thì cho rằng ông Duterte đang sử dụng VFA như một lợi điểm thương lượng” và được thúc đẩy từ sự thành công của những yêu cầu trước đó. “Khi Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ vì luôn cho Philippines những khí tài quân sự dư thừa, Washington bắt đầu cho khí tài mới hoàn toàn…Khi Tổng thống Duterte đe dọa hủy VFA, Mỹ cấp lại thị thực cho thượng nghị sĩ Bato”, ông Rabena chỉ ra.
Tương tự, tiến sĩ Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng đó có thể là “chiến thuật thương lượng” của Tổng thống Duterte. Ông Koh cho rằng Tổng thống Duterte nghiêm túc với yêu cầu của mình và đang cần tiền để mua thiết bị mới cho quân đội, đặc biệt là sau khi một chiếc trực thăng Huey thời Chiến tranh Việt Nam rơi vào ngày 13.2, khiến 7 binh sĩ thiệt mạng, theo SCMP.
Ông Koh cũng nghĩ rằng số tiền Manila đề nghị Mỹ viện trợ để có được VFA không phải là vô lý. “Xét tầm quan trọng về chiến lược địa lý của Philippines - quốc gia này hướng ra những tuyến đường biển quan trọng như eo biển Ba Sĩ, một tuyến quá cảnh được ưa chuộng cho các khí tài của hải và không quân Mỹ cũng như Trung Quốc - vai trò của quân đội Philippines trở nên quan trọng hơn”, ông Koh phân tích.
Cũng theo ông Koh, khi lực lượng Mỹ hoạt động khắp Thái Bình Dương, các đồng minh của nước này cần đóng vai trò lớn hơn “trong trường hợp xảy ra đụng độ vũ trang ở Biển Đông”. “Về mặt này, khi Philippines là một bên [tranh chấp ở Biển Đông], quân đội Philippines có thể đóng vai trò quan trọng hơn”, ông Koh nhận định. Ông còn cho rằng cho đến nay vẫn chưa có ai trong chính quyền Mỹ phản ứng về yêu cầu của Tổng thống Duterte có thể “cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang đánh giá tình hình trước khi có động thái”.
Bình luận (0)