Từ quá khứ
Kể từ khi sang cầm quân ở dải đất hình chữ S, giải đấu chứng kiến phong độ tốt nhất của Công Phượng là vòng chung kết Asian Cup 2019. Ở giải đấu châu lục khi đó, đội tuyển Việt Nam ‘khát’ tiền đạo giỏi khi Anh Đức từ giã đội tuyển sau AFF Cup 2018, còn Tiến Linh, Đức Chinh đều chưa trưởng thành.
‘Cái khó ló cái khôn’, để giải quyết vấn đề, nhà cầm quân người Hàn Quốc bố trí Công Phượng đá như một "số chín rưỡi" - vị trí kết hợp giữa kiến thiết (của tiền vệ số 10) và ghi bàn (của trung phong số 9). Cầu thủ xứ Nghệ được đẩy lên chơi cao nhất trên hàng công, nhưng di chuyển linh hoạt, sẵn sàng lùi xuống khi cần để đồng đội băng lên, hay bất ngờ xâm nhập từ ngoài vòng cấm địa. Với kỹ thuật cá nhân điêu luyện và khả năng di chuyển rộng, Công Phượng đã tỏ ra cực kỳ thích hợp với vai trò này. Anh ghi dấu ấn trong cả 2 bàn thắng vào lưới Iraq (trực tiếp ghi 1 bàn, khiến hậu vệ đối phương đá phản lưới nhà 1 bàn), ghi bàn gỡ hòa trong trận đấu với Jordan, trước khi có màn trình diễn để đời trước Nhật Bản.
|
Đến hiện tại
Mùa giải năm nay, Công Phượng đang được HLV Kiatisak sử dụng trong vai trò mới: tiền vệ kiến thiết ở đội bóng phố Núi.
Không còn phải chịu áp lực của một trung phong cắm, Công Phượng tỏ ra hiệu quả hơn hẳn. Kết quả là dù chỉ chơi ở vị trí tiền vệ, cầu thủ quê Đô Lương vẫn ghi được 6 bàn, tốt thứ hai ở V-League 2021, trong đó có 2 bàn được ghi sau khi vào sân từ băng ghế dự bị.
Trong hệ thống chiến thuật của Zico Thái hiện nay, Công Phượng được di chuyển tự do giữa hàng tiền vệ và tiền đạo. Có nhiều ‘đất’ để ‘diễn’, Công Phượng có thể lùi về tham gia phòng ngự khi cần mà cũng có thể dâng lên sẵn sàng xâm nhập vòng cấm địa của đối phương để dứt điểm hoặc phối hợp một chạm với Văn Toàn hoặc Brandao.
|
Được chơi tự do và sáng tạo hơn trước, Công Phượng đã và đang phát huy hết khả năng của mình. Nhờ vậy mà cầu thủ số 10 phát triển thêm được 2 kỹ năng mới là chuyền dài và sút xa. Để rồi chính Hoàng Anh Gia Lai đang hưởng lợi từ việc khai phá những kỹ năng mới này của Công Phượng.
Vị trí nào cho Công Phượng ở đội tuyển Việt Nam?
Khách quan mà nói, thể hình của Công Phượng không phù hợp với vai trò của một tiền đạo mũi nhọn. Đã chinh chiến qua nhiều giải đấu, anh cũng không còn là ẩn số như ở Asian Cup 2019. Hơn nữa, trong tay HLV Park Hang-seo hiện cũng không thiếu cầu thủ có thể đảm đương vị trí trung phong cắm. Tiến Linh đã trưởng thành, trong khi Anh Đức cũng đã quay trở lại. Đó đều là những trung phong cắm điển hình, có thể lực, thể hình, biết 'đánh hơi' khoảng trống, chơi ở thế quay lưng với cầu môn và dứt điểm gọn gàng - những phẩm chất khó tìm thấy ở Công Phượng. Vì thế có lẽ sẽ không còn thích hợp nếu sử dụng Công Phượng ở vị trí trung phong cắm giống như ở giải đấu châu lục cách đây 2 năm.
|
Sẽ hợp lý hơn nếu HLV Park Hang-seo áp dụng cách dùng Công Phượng của HLV Kiatisak ở Hoàng Anh Gia Lai. Kéo lùi cầu thủ xứ Nghệ xuống sẽ giúp anh thoải mái hơn và phát huy được tối đa những phẩm chất của mình. Bên cạnh đó, đây cũng có thể coi là một giải pháp để làm mới hàng công, nhằm tránh bị đối thủ bắt bài. Trong bối cảnh Hùng Dũng chấn thương dài hạn, Tuấn Anh đang chật vật tìm lại cảm giác bóng, ‘Những chiến binh Rồng Vàng’ cần một cầu thủ có khả năng kiến thiết với những phẩm chất tương đương, có thể tạo ra mối nguy cho đối thủ từ khu trung tuyến với những đường chuyền dài hoặc sút xa chất lượng, điều mà Công Phượng đang làm rất tốt ở Hoàng Anh Gia Lai, sau 4 tháng được Kiatisak trực tiếp chỉ đạo, uốn nắn.
Bình luận (0)