Vị tướng chiến lược xuất sắc

16/03/2014 03:00 GMT+7

Đại tướng Văn Tiến Dũng là vị Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam lâu năm nhất (1953-1978). Ông cũng là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vị tướng chiến lược xuất sắc

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ảnh: tư liệu

Những năm đầu cuộc đời cách mạng của đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền với những cuộc đấu tranh của công nhân ngành dệt, những lần bị bắt rồi lại trốn thoát. Cũng từ những ngày hoạt động trong tổ chức Ái hữu thợ dệt may do Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo, ông đã trở thành Bí thư Chi  bộ ngành thợ dệt Hà Nội.

Trong hai năm, từ tháng 7.1939 đến tháng 9.1941, ông đã hai lần bị bắt, bị giam nhưng rồi trốn thoát trên đường bị dẫn giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội. Văn Tiến Dũng cải trang thành sư rồi ở lại chùa Bột Xuyên (Mỹ Đức) tới 8 tháng để hoạt động cách mạng. Đầu cạo trọc, đứng trước cửa chùa, ông tức cảnh thành thơ: “Đầu trọc, răng đen, thụ sắc không/Cuộc đời chiến đấu mượn nâu sồng/Hồi chuông cứu nước vang sông núi/Tiếng mõ lay hồn họa diệt vong”.

Ông có cuộc vượt ngục thứ ba vào năm 1944 khi mới 27 tuổi. Khi đó, ông là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau cuộc vượt ngục này, tháng 1.1945, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Dựng chiến khu trong lòng địch, chỉ huy mặt trận quan trọng

 

Vị tướng chiến lược xuất sắc

Cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải)

Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong khi thực dân Pháp truy đuổi ông thì ông đã vào xây dựng chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (bao trùm ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa). Chiến khu này ra đời đầu năm 1945, nằm ở vị trí chiến lược giữa một vùng đông dân cư, phía tây có địa thế hiểm trở. Đây cũng là nơi có căn cứ khởi nghĩa của vua Lê Lợi, có dãy Tam Điệp là nơi Ngô Thì Nhậm lui về trấn thủ chờ quân Quang Trung tiến ra giải phóng Thăng Long, đuổi quân Thanh về nước... Vì thế chiến khu này lấy tên Quang Trung. Trong cao trào tổng khởi nghĩa, Văn Tiến Dũng chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2 gồm 8 tỉnh tây bắc và tây nam Bắc bộ, làm Chính ủy chiến khu và tham gia Quân ủy Trung ương. Tháng 1.1948, ông là một trong 7 thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội.

Năm 1951, tướng Văn Tiến Dũng được phân công làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng. Đại đoàn 320 hoạt động chủ yếu trên chiến trường đồng bằng Bắc bộ, chiến đấu trong vùng địch hậu.

Chiến trường đồng bằng và Đại đoàn 320 là nơi tướng Văn Tiến Dũng phát triển tài năng quân sự xuất sắc của mình, chỉ huy bộ đội đánh bại nhiều cuộc càn lớn của các binh đoàn cơ động quân Pháp. Ông đã sống và chiến đấu cùng Đại đoàn 34 tháng, trải qua 8 chiến dịch, đã “góp phần trọng yếu thay đổi cục diện ở đồng bằng Bắc bộ”. Đó cũng là cách ông hiện thực hóa lời dặn của Bác Hồ: “Về đồng bằng, trong mọi hành động cần nhớ rằng chính trị ngang quân sự. Đánh được giặc lại phải được lòng dân, giành được dân. Đánh thắng, kỷ luật càng phải nghiêm, nhất là nghiêm đối với dân, việc gì làm được cho dân thì đừng chần chừ, có dân là có tất cả”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhớ lại những năm tháng đó: “Trên chiến trường Nam bộ xa cách trung ương, qua làn sóng điện, chúng tôi theo dõi và rất tự hào về những chiến công nổi bật của Đại đoàn 320 và những chiến tích về luồn sâu vào vùng địch hậu để mở rộng địa bàn chiến tranh du kích ở đồng bằng sông Hồng... gắn liền với tên tuổi của anh Văn Tiến Dũng”.

Tháng 11.1953, sau Hội nghị tổng kết chiến dịch tây nam Ninh Bình, ông được điện triệu tập về Việt Bắc nhận chức Tổng tham mưu trưởng và là Tổng tham mưu trưởng lâu năm nhất - từ năm 1953 đến năm 1978, trừ một thời gian ngắn năm 1954 là Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến, thi hành Hiệp định Geneve về Việt Nam.  

 

Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh năm 1917 tại Hà Nội. Nhà nghèo, ông phải bỏ học đi làm. Sau đó, ông hoạt động trong Tổ chức Ái hữu thợ dệt - may do Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo. Năm 1936, ông tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân dệt Hà Nội. Năm 1937, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ 1939-1941, ông hai lần bị bắt giam nhưng trốn thoát. Năm 1944, ông làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1945, ông vào xây dựng chiến khu Hòa - Ninh - Thanh. Tháng 12.1946, ông là Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam). Từ 1953 - 1978, ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng. Từ 1980 - 1986, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông được phong quân hàm thiếu tướng (1948), thượng tướng (1959), đại tướng (1974). Được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Ông từ trần ngày 17.3.2002.

Nhiều lần ông được phái đến các chiến trường, trận đánh lớn: Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị-Thiên (1972), Tây nguyên (3.1975) và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh (4.1975). Trong trận quyết chiến chiến lược không đơn thuần chỉ là chiến dịch quân sự quy mô lớn mà còn liên quan mật thiết đến chính trị, xã hội, ngoại giao, ông cùng tập thể Bộ Tư lệnh chiến dịch đã phân tích vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện, cụ thể, tìm ra phương án tối ưu, kiên quyết và kịp thời giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa và không để cho các thế lực khác kịp can thiệp.

Cố thượng tướng Hoàng Minh Thảo kể: “Tôi có dịp làm việc với anh Văn Tiến Dũng ở Liên khu 3 khi Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304 hiệp đồng đánh vào vùng Kim Sơn, Ninh Bình. Anh chỉ huy rất kiên quyết và có nhiều ý kiến sáng tạo rất hay... Đến chống Mỹ, anh được cử vào chỉ đạo mặt trận Tây nguyên đánh Buôn Ma Thuột. Quyết tâm của anh rất cao và cũng vẫn như nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, anh đã nêu ý kiến dùng một binh đoàn cơ giới thọc sâu vào sở chỉ huy của địch đóng ở hậu cứ Sư 23... Mũi thọc sâu đó đã cùng các mũi tiến công khác hoàn thành nhiệm vụ tiến công và giành được thắng lợi vẻ vang...”.

“Tướng mũ mềm” dốc hết tiền mua sách

Xuất thân từ người thợ, nhưng tướng Văn Tiến Dũng ham đọc, ham học. Ông thích đọc triết học và văn học, yêu thích các tác phẩm nổi tiếng như Gót sắt của Jack London, Người mẹ của Maxim Gorky. Ông đọc sách để dần tích lũy kiến thức quân sự từ trong kháng chiến chống Pháp, để “làm vốn” tri thức cho mình trong việc chỉ đạo trên các chiến trường cả hai miền sau này. Giá sách của ông khá đồ sộ. Ông đọc nhiều sách, cả sách văn học như Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ..., cả sách lý luận chính trị, triết học, lịch sử... Bà Nguyễn Thị Kỳ, phu nhân của đại tướng Văn Tiến Dũng, kể rằng: “Hai đợt ông đi học chính trị cao cấp ở Liên Xô (hai năm 1961 và 1962), tiền công tác phí còn được chút nào, ông dành hết để mua sách mang về”.

Ông yêu quý những giá trị lịch sử - văn hóa khi nhìn những dấu tích cách mạng. Không lâu trước khi qua đời, trong một cuộc họp bàn về việc giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng trong khu thành cổ Thăng Long, ông đề nghị: “Phải giữ lại chỗ làm việc của anh Văn, phòng làm việc của Cục Tác chiến, phòng họp của Bộ Chính trị, Quân ủy... vì Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng làm việc ở đây”.

Tướng Văn Tiến Dũng là người giản dị, chu đáo, lo toan từng chi tiết cho chiến sĩ. Năm 1965, thấy các chiến sĩ đội mũ sắt giữa mùa hè rất nóng, ông gọi Cục Quân trang lên, gợi ý một số kiểu mũ có lưỡi trai và đề nghị may một kiểu mũ mềm cho bộ đội với yêu cầu: Khi bình thường cái lưỡi trai có thể che nắng phía trước mắt, còn khi quay lưỡi trai ra phía sau thì lại che nắng được sau gáy. Từ khi có kiểu mũ đó, ông thường xuyên đội và nổi tiếng với biệt danh “tướng mũ mềm”. Từ năm 1967, chiếc mũ mềm được sản xuất hàng loạt cho bộ đội, đến năm 1992 mới được thay bằng mũ kê pi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Ngô Vương Anh

>> Đại tướng viết báo
>> Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Khánh thành đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đồng Nai
>> Đại tướng sống mãi trong lòng dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.