Ở Tây nguyên có rất nhiều gương sáng luôn hết mình vì đồng bào mà chỉ vài trang báo khó có thể kể hết. Dù ở cương vị, hoàn cảnh và việc làm khác nhau, nhưng họ luôn có chung đích đến, đó là làm cho đời sống người dân ngày sung túc, tránh xa các hủ tục, cám dỗ để sống chan hòa, có ích. Họ chính là mắt xích không thể thiếu trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc giữa đại ngàn.
Có không ít người dân Đắk Lắk từng lầm lỗi theo lời dụ dỗ của thế lực thù địch, vượt biên sang tận nước bạn, nhưng dưới lời khuyên nhủ của già làng, họ đã quay về quê hương, sống có ích và hòa nhập với cộng đồng bản địa. Đó là câu chuyện về già làng Y Krú Ayun mà chúng tôi muốn kể đến.
Ở xã Cư Né (H.Krông Buk, Đắk Lắk), chuyện già Y Krú Ayun ngụ buôn Đrao kêu gọi người vượt biên trái phép từ nước ngoài trở về được truyền tụng suốt mấy năm nay. "Không ai làm được như Y Krú, chỉ có ông già với cái bụng tốt, có nhiều uy tín của buôn mới vận động được người ta trở về thôi", người dân trong xã nói như vậy khi chúng tôi hỏi chuyện về già làng Y Krú Ayun.
Nhà già Y Krú nằm giữa buôn Đrao, là căn nhà dài truyền thống hiếm hoi trong vùng, chỗ ở của gần 20 người trong gia đình 3 thế hệ. Tiếp chuyện chúng tôi bên ấm chè xanh, già Y Krú rổn rảng: "Chuyện xảy ra mấy năm trước, những người vượt biên về giờ ổn định cuộc sống hết rồi, có hộ giàu lắm".
Nói rồi già Y Krú kể lại chuyện: Ngày đó khoảng năm 2018 - 2019, họ (chỉ những hộ gia đình vượt biên - PV) nghe theo kẻ xấu dụ dỗ, ban ngày ở cùng bà con bình thường, đêm đến mới bí mật rời bỏ buôn làng. Vài ngày sau dân trong buôn mới biết. Sau một thời gian, mình nghĩ cách vận động họ trở về, trước hết phải đi đường vòng, từ những người bà con của họ.
Mình tìm tới nhà chú bác dòng họ của họ để chuyện trò, hỏi thăm tin tức. Nhờ bà con gọi điện thoại, mình biết họ đang ở Campuchia. Bà con cho mình nối điện thoại nói chuyện trực tiếp. Ban đầu họ giấu giếm, không cho biết hoàn cảnh, họ nói dối ở bên đó sướng lắm. Nhưng tháng sau, khi mình liên lạc điện thoại lại thì họ vừa nói chuyện, vừa khóc…
Mình hỏi lại, vậy có muốn về không, họ bảo có. Lúc đó, mình gặp cán bộ công an tỉnh, thuật lại nguyện vọng muốn về nước của các gia đình đó, cả chuyện họ lo sợ trở về thì bị bắt nhốt, xử tội. Cán bộ công an trả lời Nhà nước có chính sách khoan hồng, sẽ tạo điều kiện giúp đỡ họ làm ăn nếu trở về.
"Mình điện thoại lại sang bên kia, báo cho họ biết như thế, chính quyền địa phương cũng cam kết không xử lý theo pháp luật, các gia đình hãy về nước đi. Họ tin mình nói thật", già Y Krú nhớ lại.
Thế rồi, giữa năm 2020, có 3 hộ ở buôn Đrao và 1 hộ ở buôn Dhía bên cạnh đã yên tâm hồi hương. Già Y Krú cùng chính quyền địa phương đi tiếp nhận họ, đưa về buôn, cho gạo, thức ăn đầy đủ.
Già Y Krú hào hứng kể lại chuyện vận động người vượt biên trái phép về lại buôn làng
Ngày họ trở về buôn, gặp lại bà con, họ khóc như mưa, nói đã thoát khỏi cảnh khổ cực rồi. May là trước khi đi họ không bán nhà cửa, nương rẫy nên khi trở về vẫn có chỗ ở, có đất để sản xuất, cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường. Sau này, có mấy tổ chức quốc tế về tận buôn tìm hiểu, được dẫn đến nhà những hộ từng vượt biên trở về, nghe trực tiếp họ trả lời rõ ràng không có ai bị bắt bớ, đánh đập gì hết, còn được hỗ trợ làm ăn nữa…
Già Y Krú kể, trong số các hộ trở về có gia đình chị H'Pr.M, từng bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên sang Campuchia và bị lừa lấy sạch tiền bạc, lâm cảnh khốn đốn. Biết gia đình chị hồi hương sẽ chịu nhiều áp lực, khó khăn, già Y Krú vận động bà con trong buôn đừng xa lánh, miệt thị, mà cùng chung tay, góp sức để giúp gia đình chị có cơ hội làm lại cuộc đời. Buôn làng đã mở lòng giúp đỡ gia đình chị H'Pr. Từ đó, trong các buổi phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc của xã Cư Né, chị H'Pr đã nhiều lần kể lại chuyện vượt biên trái phép, khuyên bà con không nghe lời kẻ xấu để rơi vào hoàn cảnh bi đát như chị trước đây.
Theo lời già Y Krú, những năm 1980, khi bước vào tuổi thanh niên, ông tham gia đội công tác dân vận của Huyện đội Ea H'leo, thường vào buôn làng phát động quần chúng, vận động người dân không theo lực lượng phản động Fulro. Sau đó, ông về làm trưởng buôn Đrao và hiện là phó bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban công tác mặt trận của buôn.
"Làm dân vận tức là phải biến mình thành người hay nói và phải nói nhiều, kiểu "mưa dầm thấm lâu", thuyết phục bà con thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài việc "nói nhiều", mình cũng cần phải làm, bằng những việc thực tế để bà con tin theo", già Y Krú chiêm nghiệm.
Già Y Krú cho rằng các đối tượng thù địch luôn có những hoạt động nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của ta. Hơn thế, nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn không tốt, lời hứa "bánh vẽ" về cuộc sống sung sướng nơi đất khách quê người để dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên…
"Tôi căn dặn bà con, trên đời chẳng có ai không làm mà có ăn. Cũng không ai tự dưng cho không mình tất cả tiền bạc. Nhà nước có hỗ trợ nhưng mình cũng phải dùng sức lao động, tự mình xây dựng cuộc sống. Do đó bà con nên tỉnh táo, không nên nghe theo lời kẻ xấu, không bỏ buôn làng", già Y Krú chia sẻ.
Nói về vụ việc hôm 11.6 vừa qua (vụ nhóm khủng bố tấn công trụ sở 2 xã, sát hại nhiều dân thường và cán bộ tại H.Cư Kuin, Đắk Lắk), già Y Krú cho biết, người dân buôn Đrao rất căm phẫn trước hành động của nhóm khủng bố. "Bà con phê phán những kẻ khủng bố đó là thú dữ, là thứ tầm bậy", già Y Krú kể lại.
Theo già Y Krú, Đảng, Nhà nước luôn có chủ trương chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, điện, đường, trường, trạm ở các buôn làng đều được quan tâm đầu tư. Ngoài ra, còn có các chính sách về đất sản xuất, nhà ở, hộ khó khăn… giúp bà con đồng bào phát triển. Nhưng chúng ta cũng cần sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giúp bà con nâng cao nhận thức, phân biệt được tốt xấu, không tin, không nghe theo những kẻ chống phá khối đại đoàn kết dân tộc…
Với những hoạt động không biết mệt mỏi trong công tác dân vận, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, già Y Krú nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng. Trong căn nhà dài của già Y Krú treo hàng chục bằng khen, giấy khen, ảnh lưu niệm các cuộc vinh danh, gặp mặt già làng trưởng bản, người có uy tín của vùng Tây nguyên và cả nước mà ông tham dự. "Tôi cất bớt giấy khen rồi đó, gian phòng khách của nhà hơi chật, không đủ treo đâu", già Y Krú cười khoe.
Ông Y Hiệp Êban, Bí thư Đảng ủy xã Cư Né, nhận xét: "Già Y Krú là một người luôn năng nổ trong các hoạt động dân vận. Những lời già nói, những việc già làm đã góp phần giúp buôn Đrao bình yên, giúp bà con chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ông cũng là người khởi xướng, duy trì lễ cúng bến nước, cúng vụ mùa hằng năm, được bà con ủng hộ nhiều lắm. Mới đây, già Y Krú được Ủy ban Trung ương MTTQ VN tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc".
Cũng như già Y Krú, già làng Y Bhem Êban (70 tuổi, buôn Jắt B, xã Ea Hiu, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) là người có uy tín, được bà con trong buôn làng tin yêu. Sau thời gian giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu, rồi Bí thư Đảng ủy xã Krông Búk (cùng H.Krông Pắk) và hơn 20 năm công tác tại Ban Dân vận huyện, già Y Bhem trở về sống cùng buôn làng.
Già Y Bhem luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, khuyên bà con trong buôn làng cố gắng làm việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, già Y Bhem cũng rất chú trọng đến công tác giáo dục, thường xuyên khuyên bảo bà con cố gắng cho con em học hành để nâng cao trình độ tri thức.
Già Y Bhem cho hay, thời làm cán bộ xã và huyện, ông biết nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn coi nhẹ việc học, vì thế nhiều con em đồng bào chịu thiệt thòi. Nhất là khi có cơ hội tuyển dụng vào làm tại các công ty, xí nghiệp có mức lương cao, đòi hỏi trình độ. Vì thế, ông luôn đau đáu rằng người dân nơi buôn ông sinh sống phải học lấy con chữ, có chữ thì có tất cả…
Vì lẽ đó, mỗi lần nghe có con em trong buôn làng bỏ học, già Y Bhem liền tới khuyên nhủ, vận động bằng mọi cách để gia đình cho con em được đến trường.
"Việc học quan trọng lắm. Tôi cho rằng để giữ khối đại đoàn kết dân tộc, ngoài việc tuyên truyền các đường lối chính sách, việc nâng cao trình độ nhận thức của bà con cũng hết sức cần thiết. Việc này vừa giúp bà con không bị lừa phỉnh bởi những luận điệu xấu, vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo ra một thế hệ tương lai con em dân tộc có trình độ, hiểu biết để giữ bình yên trong buôn làng", già Y Bhem nhận định.
Ngoài ra, già Y Bhem cũng thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các thông tin về mô hình nông nghiệp hiệu quả, năng suất nhằm phổ biến, định hướng cho bà con trong buôn. Ông Y Mi Niê, Phó bí thư chi bộ buôn Jắt B, cho biết, già Y Bhem là người có uy tín, được bà con trong buôn tin tưởng, nghe lời già nhiều gia đình trong buôn đã tự lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện 105 hộ trong buôn, chỉ có 10 hộ nghèo.
Ông Y Mi lấy gia đình anh Ma Vui làm ví dụ. Trước đó, Ma Vui bỏ bê nương rẫy, quanh năm suốt tháng làm thuê làm mướn nên cuộc sống cơ cực. Đến khi được già Y Bhem khuyên nhủ, được UBND xã Ea Hiu hỗ trợ dê giống, Ma Vui đã cải tạo vườn tược, tập trung chăm sóc dê, hiện nhân giống bầy dê lên gần 10 con. Từ việc nhân đàn dê, Ma Vui đã có thu nhập ổn định hơn từ việc bán dê giống, sắm được máy cắt cỏ, máy công nông để tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Già Y Bhem nhiều lần được ra thủ đô Hà Nội, tham dự các hội nghị vinh danh người uy tín, già làng tiêu biểu; nhận nhiều giấy khen của Công an tỉnh Đắk Lắk, của UBND H.Krông Pắk về những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Ông Cao Ngọc Cường, Phó bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu, nhận xét già Y Bhem luôn là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ gìn bình yên của buôn làng, xây dựng nông thôn mới.
"Già Y Bhem được bà con bầu là người có uy tín. Những năm qua, già đã vận động bà con xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước", ông Cường nói.
Ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (70 tuổi, dân tộc M'Nông, ngụ TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 - 2011. Sau khi nghỉ hưu, cảm thấy mình vẫn còn sức, "máu" chiến đấu, cống hiến cho người dân vẫn còn nên ông Y Thịnh quyết tâm khăn áo "vi hành" đến các bon làng của người M'Nông để tìm hiểu về đời sống, văn hóa của họ.
Với mục đích mổ xẻ những cái được và cái chưa được của bà con, ghi vào những trang sách với mong muốn thế hệ con cháu sẽ tiếp thu cái hay, bài trừ cái xấu. Nghĩ là làm, ông Y Thịnh đến các bon làng để gặp gỡ, trò chuyện với các già làng trên khắp địa bàn Đắk Nông. Từ những kiến thức thu thập được, ông tiếp tục lặn lội đến các bảo tàng ở Đắk Lắk, Lâm Đồng nhằm tìm các hiện vật, sách nói về văn hóa, đời sống của người M'Nông. Chưa hết, ông còn xuống miệt miền Tây sông nước - tỉnh An Giang để tìm về cội nguồn, gốc tích của một vương quốc người M'Nông xưa.
Góp nhặt những câu chuyện từ khắp nơi, ông Y Thịnh tiếp tục sưu tầm, tìm đọc thêm hàng chục cuốn sách khác nhau về văn hóa, đặc điểm của các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan. Tất cả những kiến thức, tư liệu thu thập được ông chia sẻ đầy đủ trong cuốn sách "Năo Rih Sjêng Bunoong" (Lịch sử Văn hóa M'Nông). Sách vừa được ra mắt vào cuối tháng 7.2023.
"Tôi muốn lưu lại trong từng trang sách để con cháu sau này có thể biết về cha ông mình. Từ đó có thể loại bỏ những thói hư tật xấu, lưu giữ nét văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng, phát triển đất nước ngày một văn minh, tốt đẹp hơn", ông Y Thịnh nhắn nhủ.
Bình luận (0)