Vỉa hè 5 sao

09/02/2013 05:33 GMT+7

“Ổ bánh mì kẹp thịt ngon nhất hành tinh không nằm ở Rome, Copenhagen hay ngay cả New York mà đầy rẫy trên các hè phố ở Việt Nam”.

“Ổ bánh mì kẹp thịt ngon nhất hành tinh không nằm ở Rome, Copenhagen hay ngay cả New York mà đầy rẫy trên các hè phố ở Việt Nam”.

 Vỉa hè 5 sao 1
Chuyên trang ẩm thực của gã khổng lồ truyền thông CNN cũng nhiều lần ca ngợi
ẩm thực đường phố Việt Nam trong nhiều bài viết khác nhau

Ế khách, bác xích lô chỉ dám ăn một ổ bánh mì kẹp thịt nho nhỏ cho buổi trưa. Đồng lương còm cõi, sáng nào cô công nhân cũng chỉ dám chi vài ngàn mua ổ bánh mì đầu hẻm. Quá nhiều việc, anh nhân viên văn phòng vừa “thổi kèn” vừa đánh máy. Đó đều là những ổ bánh mì ngon nhất thế giới. Bạn không tin ư? Hãy nghe chính Richard Johnson - nhà phê bình ẩm thực số một xứ sở sương mù và cũng rất nổi tiếng thế giới - tiết lộ: “Một bí mật ít được biết đến trong thế giới ẩm thực là ổ bánh mì kẹp thịt ngon nhất hành tinh không nằm ở Rome, Copenhagen hay ngay cả New York mà đầy rẫy trên các hè phố Việt Nam”.

Ở Mỹ, trang web của tạp chí ẩm thực Food & Wine đưa TP.HCM vào danh sách những thành phố có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh. Trang wed du lịch nhiều ảnh hưởng VirtualTourist.com thì nhận định thức ăn đường phố Việt Nam đang ngày càng uy tín. Bên cạnh “các ông lớn” như phở hay bánh mì kẹp thịt còn có rất nhiều món tuyệt hảo khác như cơm tấm, bò nướng lá lốt, gỏi cuốn… Đến vị đầu bếp khó tính, nhà phê bình ẩm thực sành sỏi Anthony Bourdain cũng phải thừa nhận rằng, một trong những lý do khiến ông trót yêu Việt Nam là vì những món ăn trên hè phố. “Không phải lăn tăn, đắn đo gì, món ăn sáng tuyệt vời nhất là một tô phở” – ông hào hứng. Chuyên trang ẩm thực của gã khổng lồ truyền thông CNN cũng nhiều lần ca ngợi ẩm thực đường phố Việt Nam trong nhiều bài viết khác nhau…

Đem "sao" ra vỉa hè

Thức ăn đường phố ít nhiều vẫn đem lại vài mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng không ít người lập tức thấy bụng sôi ùng ục với hình ảnh miếng phá lấu giòn sần sật tắm mình trong chén nước dùng vàng nâu ngát hương nước dừa, vì mùi cút chiên bơ ở góc đường nào đó … Quả thực thức ăn đường phố Việt Nam quá đa dạng, đa hương vị, đa sắc màu…, mỗi món ăn là một chuyến khám phá độc đáo của vị giác. Và cái thế giới đó cũng có rất nhiều cung bậc khác nhau, không thiếu những gánh hàng rong tự “gắn sao” theo cách riêng của mình.

Hãy thử một lần chầu chực để mua bịch bánh tráng trộn của anh chàng tên Thành bên một vỉa hè của chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM). Cái vị mặn, ngọt, chua, cay làm mấy cô học trò mê mẩn ấy giờ đây khiến khối quý bà, quý ông ngồi xe hơi cũng phải phát nghiện. Mười mấy loại nguyên liệu quấn quýt lấy nhau, tạo thành một bản hòa ca du dương. Ông nhạc trưởng của bản hòa ca đường phố đó biết rất rõ tông tích từng món nhạc cụ: “Tôi chọn bánh tráng loại 1 được cắt đều tăm tắp, không lẫn một miếng vụn nào, nếu không sẽ đâm vào miệng người ăn. Hành phi do tôi tự làm, cho một ít muối, một ít đường để vừa giòn, vừa có vị ngọt hậu hấp dẫn. Muốn giữ chân khách thì phải sáng tạo. Tôi thấy nước dừa xiêm ngọt thanh, rất hạp với bánh tráng nên cho vào nồi nước thịt…”. Thế là ông chủ gánh hàng rong vui vẻ thu 20.000 đồng/bịch bánh tráng trộn (đắt gấp 2, gấp 3 bình thường), tỏ túi khoảng 4 triệu đồng vỏn vẹn trong 4 giờ đồng hồ “ra hè phố” mỗi tối.

 Vỉa hè 5 sao 2
Mẹt ốc dừa quyến rũ bên hông chợ Bến Thành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hay mẹt ốc dừa trông không có gì đặc biệt của một người đàn bà dáng người quê kệch ở bên hông chợ Bến Thành, nép mình trước một tiệm vàng hoành tráng cũng là một địa chỉ ruột khác của dân ăn hàng sành điệu. Cái con ốc dừa thịt bé bằng đầu tăm nay muốn ăn phải bỏ bộn tiền để đong từng lon (60.000 đồng/lon) chỉ vì một chút mặn mà duyên dáng lạ lùng, một tí béo thơm của bơ khiến người ta phải xiết chặt lưỡi với vòm họng để ôm trọn, một tí cay cay cứ kích thích nơi đầu lưỡi… Thế là các bà, các chị cứ thi nhau lể ốc cho đến khi nào mỏi tay và… cạn túi tiền chứ không biết ngán là gì. Bà bán ốc hỏi gì cũng cười cười, bảo ngày bán chừng 70 lon chứ bao lăm (thử lấy 70 nhân với 60.000 đồng, bạn sẽ biết số đó là “bao lăm”), nêm nếm thì có chi mà đặc biệt, chỉ như nấu canh vậy thôi!  Một chị trung niên tên Thủy, vừa vội vã tấp xe hơi vô vỉa hè mua 5 lon ốc, vừa cho biết chị ở tận quận 8 chạy xe ra đây chỉ để mua ốc dừa. Chị đã ăn quen ở đây suốt 3 năm mà chưa bao giờ ăn phải một con ốc chết, chưa khi nào thấy món này kém ngon.

Vỉa hè vô khách sạn 5 sao

Trong một lần đi dự hội nghị và sau đó là ăn trưa ở khách sạn 5 sao InterContinential (TP.HCM), Bảo Ngân nhảy cẫng lên như một đứa trẻ khi nhìn thấy những cuốn bánh tráng nhân củ sắn cặp với lát lạp xưởng mỏng tang, vài con khuyết bé tẹo. Đúng là nó rồi: bò bía! Rồi thì bánh tráng trộn gói trọn hương vị của cuộc đời, cơm cháy chà bông với khúc hoan ca rộn rã giữa 2 hàm răng, bánh đúc dung dị của những buổi chiều mưa lâm thâm của chốn quê nghèo xa xưa… Thế là từ đó, thỉnh thoảng chị Ngân lại ghé đến đây vào các buổi trưa chủ nhật, ngày có nhiều món ăn vặt nhất, trả cái giá tròm trèm 1,4 triệu đồng để thỏa sức “ngụp lặn” với món ăn hè phố! “Buffet ở đây có cả trăm món ăn các nước, đủ loại cao cấp nhưng tôi thấy thức ăn đường phố ngon nhất. Tôi trả tiền để được ăn ngon cơ mà!”, chị Ngân nói. Ở góc bên kia, một ông Mỹ đang nhờ người phục vụ cắt lấy một miếng bao tử bò, một miếng sách bò, thêm miếng tai heo rồi tự tay múc muỗng nước dùng sền sệt trong cái chảo phá lấu to đùng, hít lấy hít để cái mùi thơm mê hoặc như sợ nó tan biến đi đâu. Sau 3 lần mỏi chân quay đi quay lại nồi phá lấu, ông lẩm bẩm: “Thức ăn đường phố mà ngon đến thế này ư? Sao ở xứ tôi người ta lại sợ ăn nội tạng động vật nhỉ?”.

Vỉa hè 5 sao 3
Làm bánh khọt tại khách sạn InterContinential - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chị Nguyễn Thị Bích Vy, Bếp phó điều hành của khách sạn InterContinential cho biết, cứ mỗi lần ra đường, thấy một gánh hàng rong nào có đông người vây quanh là chị cũng sà xuống để… bê nó vô Market 39, nhà hàng chủ lực tại InterContinential. Đến nay, thực đơn tại quầy ăn vặt trong các buffet quốc tế ở đây đã có đến mấy chục món để chị thay đổi liên tục, từ gỏi cuốn, gỏi khô bò, bột chiên, bánh khọt, bánh xèo, chè chuối đến chân gà nướng muối ớt, bạch tuột nướng, cốm dẹp, xôi gấc, bánh da lợn… Vẫn chưa hài lòng, chị Vy cho biết đang lên kế hoặc lắp một bếp nướng không khói dành riêng cho các món như khoai lang nướng, bánh tránh mỡ hành trứng cút… “Thật ra ban đầu, chúng tôi chỉ định đưa vài món đường phố vô thực đơn nhưng không ngờ  thực khách quá thích, nhất là những nước ngoài cứ nán lại hỏi chúng tôi thật kỹ về công thức, nguyên liệu, nguồn gốc của từng món ăn đường phố nên chúng tôi quyết định mở rộng nó thật phong phú, đảm bảo ngoài hè phố có gì thì trong nhà hàng chúng tôi cũng có thứ đó”, đầu bếp Vy chia sẻ. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa ăn vặt trong khách sạn 5 sao với ngoài hè phố, chị Vy bảo có chăng chỉ là sự nghiêm ngặt trong tuyển chọn nguyên liệu và an toàn vệ sinh thực phẩm chứ công thức hoàn toàn là của hè phố “bà ngoại tôi hồi xưa nấu sao thì bây giờ tôi nấu vậy”. Thức ăn đường phố Việt Nam đã tuyệt hảo rồi, tại sao phải thay đổi?

 

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.