Vỉa hè ấm tình thân

Tôi về làm dâu nhà anh - một ngôi nhà mặt tiền ở phố, mới đó mà đã đủ chẵn 10 năm.

Khoảng thời gian ấy, nhiều lần tôi giật mình bởi nhận ra mình chỉ biết xã giao chừng vài ba người hàng xóm trong khu phố. Có lẽ nhịp sống bận rộn đã cuốn tôi vào công việc. Bước chân ra khỏi cổng nhà là phóng xe thẳng đến cơ quan, khi tan tầm lại lao nhanh hòa vào đám đông nơi phố chợ rồi về nhà sửa soạn bữa cơm. Tôi ít có cơ hội tiếp xúc với hàng xóm, kể cả nhà bên cạnh sát vách chung tường.
Ở đây, đa số các gia đình làm cơ quan nhà nước. Lịch làm việc dường như trùng nhau, thứ bảy, chủ nhật cả khu phố ở nhà hơn một nửa, ấy vậy mà hiếm khi có cơ hội gặp mặt nhau. Những lúc rảnh rỗi, từ trên lan can lơ đễnh phóng tầm mắt về bên nhà hàng xóm, nơi những ô cửa sổ luôn khép hờ đủ thấy được lũ trẻ đang tụm hai, ba cái đầu vào màn hình máy tính mà nhớ thời con nít ở quê đầu trần chân đất tụm năm tụm bảy í ới nhau tung tăng thả diều hoặc tắm mưa rồi bắt mấy con ốc, con cá ngoài mương chơi nấu ăn, đồ hàng…
Chợt nghĩ, cũng tại trẻ con ở phố không còn chỗ để chạy nhảy, chúng chỉ có thể chơi với bạn học ở trường mà không thể kết bạn cùng khu phố vì bước chân ra cổng là xe cộ tấp nập.

Có hôm, ba má mang cả giỏ quà quê lên thăm. Má bảo: bác Thìn gửi con trái mít. Trước khi về còn rỉ tai dặn dò khi xẻ nhớ chia phần hàng xóm gọi là ít quà quê của mình nghe con, tuy ít nhưng nhiều tình cảm đấy! Nghe mà thấy buồn buồn. Ba má đâu biết ở phố nhà nào cũng có cổng khóa suốt ngày, dường như thói quen qua lại, thăm hỏi đã mất hẳn từ bao giờ.
Và rồi, cả khu phố chuyển mình thay đổi nếp sống tưởng như luật bất thành văn ấy kể từ khi đường được nâng cấp làm lại cho rộng, có quy hoạch phần vỉa hè và trồng cây xanh che bóng chứ không phải con đường trơ trọi như trước. Giờ đây, mọi người ở khu phố đã có được một khoảng không gian an toàn để chiều chiều, sáng sáng đi tập thể dục, hóng mát.
Rồi vài quán cóc mọc lên bên trong vỉa hè. Không biết từ bao giờ, quán cóc nghiễm nhiên trở thành trung tâm của tổ dân phố. Đơn giản là những cái bàn, mấy cái ghế nhựa nhưng đủ các món cà phê, giải khát, kể cả báo chí, wifi. Quán cóc ngày càng đông do nhiều người, đặc biệt các bác hưu trí, rảnh rỗi đâm ghiền quán, ghiền trà và quan trọng hơn cả là được dịp thảnh thơi, ngồi bên nhau nhìn ngắm phố phường rồi trao đổi với nhau vài ba câu chuyện.
Chơi với nhau chút buổi sáng nơi quán cóc bên vỉa hè rồi lại thân thiết nhau. Nhóm các cụ ông, cụ bà còn rủ nhau đi lễ chùa, tập ngồi thiền ngày rảnh rỗi. Gia đình trẻ cũng gắn bó hơn, mặc dù câu chuyện vẫn chỉ là con cái, sắm thứ này rẻ thứ kia đắt, con đi học chỗ nào tốt... Đã có cảnh nhà này chạy sang nhà kia ới nhau gửi mua mớ rau, con cá hoặc giúp đỡ ngày giỗ chạp, hiếu hỉ... Mỗi khi có món ăn vặt gì, các bà các mẹ nấu xong thường để riêng một bát rồi sai đám trẻ bưng sang mời hàng xóm.
Chính nhờ cái vỉa hè mà giờ đây, mỗi khi đi công tác xa nhà, rời khỏi vỉa hè quen thuộc và những người hàng xóm hằng ngày bên ấm trà nóng lại thấy nhớ, thấy thương.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: [email protected]
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.