Vicem muốn thoái vốn khỏi trụ sở đất vàng

18/06/2019 07:46 GMT+7

Tổng công ty công nghiệp xi măng VN (Vicem) vừa xin bán trụ sở 31 tầng trên khu đất vàng ở đường Phạm Hùng (Hà Nội) để thu hồi vốn.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Vicem đề nghị được chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem theo phương thức chuyển nhượng toàn bộ dự án. Dự án này có diện tích đất xấp xỉ 8.500 m2, nằm ở đoạn giao đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ (Q.Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo quyết định phê duyệt năm 2010, dự án có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000 m2, ban đầu được dự kiến là Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem kết hợp cho thuê văn phòng. Tổng mức đầu tư dự kiến khi đó là 1.951 tỉ đồng, và đến quyết định năm 2011, con số này được điều chỉnh lên 2.743 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 5.2011, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau khi hoàn thành thi công thô thì bị “đắp chiếu”. Tổng chi phí đã đầu tư khoảng 1.430 tỉ đồng, bằng vốn tự có của Vicem.
Ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Vicem, cho biết việc đề nghị chuyển nhượng này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang biến động.
Vicem là một tổng công ty 100% vốn nhà nước, đang triển khai thực hiện tái cấu trúc toàn diện gắn với đề án Cổ phần hóa doanh nghiệp theo Nghị quyết T.Ư 5 của Đảng. Dù những năm vừa qua (2017 và 2018) Vicem lãi lớn nhưng vẫn còn lỗ lũy kế ở Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao là các công ty mà Vicem phải nhận từ các tổng công ty và địa phương về.

Cần đấu thầu để bảo toàn vốn nhà nước

Ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế T.Ư, dẫn thực tế cho thấy giá trị sổ sách tài sản trên đất của nhiều công ty nhà nước khi tái cấu trúc, cổ phần hóa có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất sẽ cực kỳ hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy, với dự án cụ thể của Vicem, ông Giang cho rằng cần phải tổ chức đấu giá nghiêm túc công khai, minh bạch.
Bộ Xây dựng đã có văn bản ủng hộ đề xuất của Vicem, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Vicem lập phương án, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án Vicem Tower và thực hiện mua hoặc thuê lại một phần diện tích làm trụ sở làm việc mới. Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, UBND TP.Hà Nội cũng đều có văn bản cho rằng, việc chuyển nhượng này là phù hợp với tình hình thực tế của Vicem và đúng chủ trương của Chính phủ.
Trả lời Thanh Niên, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết việc chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem là tuân thủ quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Ông Tiến cho rằng, theo Thông tư 37/2018/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Vicem được phép thoái vốn, thông qua hình thức chuyển nhượng dự án.
“Tuy nhiên, quá trình này phải thuê tư vấn định giá, xác định giá trần để đấu thầu trên nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.