Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ lại tiếp tục làm phim Mắt biếc dựa trên tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Phải chăng anh có ấn tượng đặc biệt đối với các tác phẩm của nhà văn này?
Đạo diễn Victor Vũ: Thật ra, tôi thích chuyển thể tác phẩm văn học. Tôi là người thích đọc sách. Trước đây, tôi cũng làm phim Thiên mệnh anh hùng, được chuyển thể từ Bức huyết thư. Nói chung, cái duyên dẫn tôi đến Mắt biếc xuất phát từ lúc tôi thực hiện dự án Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Lúc đó, trong khi tiếp cận tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi cũng đồng thời đọc Mắt biếc. Mặc dù tôi rất thích tác phẩm này nhưng nó rất khó để chuyển thể. Lúc đó, tôi chưa tự tin có thể chuyển thể được mặc dù tôi thấy được chất điện ảnh trong câu chuyện đó, nhưng đa phần câu chuyện nghiêng về nội tâm nhiều hơn.
Sau nhiều năm, tôi không hề quên Mắt biếc, đây là tác phẩm tôi yêu thích nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Chính sự yêu thích đông đảo của mọi người về Mắt biếc đã tạo nên áp lực với tôi. Cuối cùng, tôi nghĩ ra hướng đi cho câu chuyện của mình. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi đưa nó lên phim. Tôi không bao giờ quên Mắt biếc, tôi chỉ để đó khi sẵn sàng.
Có ý kiến cho rằng các đạo diễn hiện nay tập trung đầu tư vào các phim chuyển thể vì đang “khát” ý tưởng và sợ lỗ vốn. Phải chăng anh cũng gặp tình trạng này?
Tôi không nghĩ vậy. Tôi tin rằng dù tác phẩm văn học thành công cỡ nào cũng làm phim được. Không phải tác phẩm văn học nào cũng có chất điện ảnh mà quan trọng là nhà làm phim tìm thấy điều đó. Tôi chọn tác phẩm văn học vì đầu tiên là câu chuyện hay cùng với những nhân vật có đời sống riêng của nó. Thứ hai, tôi nhìn thấy những tư liệu rất tốt trong đó.
Độc giả chưa chắc sẽ đi xem phim và ngược lại, chưa chắc những khán giả xem phim đã đọc sách rồi. Cho nên, khi phân tích lượng khán giả đi xem phim của một tác phẩm văn học thì không nhất thiết phải là những người đã đọc rồi.
Không như những đạo diễn hiện nay chọn cách “gắn nhãn” tên tuổi với dòng phim sở trường, khán giả luôn thấy Victor Vũ xuất hiện trong nhiều thể loại từ kịch tính (Scandal), hài hước (Cô dâu đại chiến), tâm lý xã hội (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Liệu anh đang muốn tiếp tục thử sức bản thân hay vẫn chưa tìm được dòng phim sở trường?
Thực chất, sở trường của tôi chính là câu chuyện mà tôi kể. Thể loại thì chỉ là một cách để kể thôi. Ví dụ như Cô dâu đại chiến, lúc đầu kịch bản đó là drama giữa một anh chàng và các cô gái, đúng chất nặng nề kiểu chính kịch. Nhưng tôi đã chuyển hướng sang việc đưa bộ phim thành kiểu romantic comedy (tình cảm hài hước) để có sức hút tốt hơn. Nên hỏi tôi thích thể loại nào nhất, thì có lẽ là thể loại li kì, kinh dị, nhưng nó cũng không có nghĩa là tôi không thử sức với các thể loại khác. Cái gì mang lại cảm hứng và khiến mình thực sự đam mê thì mình dồn hết sức vào đó. Thậm chí, cái gì càng lạ, càng mới lại có sức hút mạnh hơn đối với tôi.
Từng chia sẻ với báo giới rằng Mắt biếc là dự án khó nhất mà bản thân thực hiện. Cụ thể, anh đã gặp phải những trở ngại gì?
Trước hết, có thể nói đây là lần đầu tôi tiên tôi thử sức với thể loại tình cảm, lãng mạn và nhẹ nhàng. Thứ hai, đây là câu chuyện giản dị và gần gũi, cho nên, nó không có nhiều cao trào, yếu tố giật gân. Vì thế, làm thế nào đưa một câu chuyện lên phim đủ hấp dẫn khiến tôi suy nghĩ. Thật ra, tôi thấy sự giản dị của câu chuyện chính là sức hút. Nhìn vào, ai cũng thấy bản thân trong câu chuyện. Ai cũng có tuổi thơ, cũng được đi học, có những mối tình đầu đời. Mọi thứ rất chân thật và mãnh liệt. Tôi dường như bước ra khỏi vùng an toàn, đi theo một hướng ngược lại với phong cách trước đây.
Mắt biếc có phải là câu chuyện thuần túy như bản gốc hay có sửa đổi và thêm thắt?
Thật ra, về nội dung thì không quá khác biệt và bất ngờ đâu. Sự thật là tác phẩm gốc quá hay và đầy đủ các yếu tố để làm một bộ phim hay. Tuy nhiên, vấn đề là không biết nên giữ cái gì và bỏ cái gì. Tôi nghĩ tác phẩm thừa chất liệu để tạo ra một bộ phim hay. Nhưng một bộ phim điện ảnh thì phải có cấu trúc rõ ràng và khán giả phải đồng cảm với nhân vật. Cho nên, chắc chắn có sự sáng tạo trong đường dây và trong các nhân vật để khán giả dễ tiếp cận nhân vật hơn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có yêu cầu đặc biệt gì khi chuyển thể tác phẩm của ông ấy?
Thật ra, anh Ánh là kiểu người tôn trọng sự sáng tạo và anh ấy là người đầu tiên nói với tôi rằng: “Điện ảnh là điện ảnh, văn học là văn học”. Cho nên, hai thứ rất khác nhau. Có những thứ văn học khai thác rất tốt nhưng đưa lên phim thì nó không ổn và không cần thiết. Rất may, anh ấy cho tôi sự tự do, nhưng điều đó càng khiến tôi áp lực hơn. Vì sao? Vì anh ấy không căn dặn gì hết, chỉ yêu cầu giữ đúng tinh thần và cảm xúc. Căng đấy! Nếu anh ấy đưa ra yêu cầu cụ thể hơn thì sẽ dễ hơn. Vì tôi cũng là người yêu thích Mắt biếc nên tôi tôn trọng nội dung. Tôi sáng tạo hạn chế và không muốn phá hỏng tác phẩm.
Xây dựng một “tình yêu thuần khiết” như anh đề cập trước đó có khác biệt gì so với các thể loại phim trước đây?
Thật ra, cách tôi tiếp cận dự án này hoàn toàn khác. Khi làm dự án nghiêng về nội tâm và cảm xúc nhiều thì đương nhiên, quan điểm, cách làm việc với diễn viên, tổ chức sản xuất phải khác. Ví dụ, trong lúc sản xuất, tôi hạn chế giờ làm việc cho diễn viên. Sự thật là phim ở Việt Nam quay rất nhiều giờ, thậm chí không kiểm soát được. Nó khiến cả đoàn đuối sức. Trong phim này, tôi hạn chế giờ làm việc vì sức của một con người có giới hạn. Tôi muốn mọi người tập trung đầu tư “chất xám” trong thời gian ngắn nhưng hết sức. Khi tạo ra một không gian, môi trường thoải mái thì diễn viên dễ nhập vai và giữ tâm lý tốt hơn. Nếu mà cả đoàn mệt mỏi thì khó mà tập trung, chính bản thân tôi cũng vậy. Ngoài ra, nhịp phim cũng rất khác so với các tác phẩm trước, từ âm nhạc, cách dàn dựng phim, cách đánh ánh sáng… sẽ theo một kiểu khác để tạo nên sự giản dị trong cách kể chuyện. Tôi lần nữa bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Trước đó, anh "gây bão" khi công bố chỉ bấm máy khi tìm được vai diễn phù hợp cho “nàng Mắt biếc và chàng si tình”. Mất bao lâu thì anh tìm được diễn viên như ý?
Khoảng 3 - 4 tháng. Thật ra, phần diễn viên là thứ đau đầu nhất sau kịch bản. Cái khổ ở đây là tác phẩm gốc quá nổi tiếng, nó nằm trong ký ức của rất nhiều người. Cho nên, khi hình dung về Ngạn và Hà Lan thì mỗi người một kiểu. Chưa chắc kiểu của mình lại hợp với suy nghĩ của mọi người.
Khi casting, tôi và nhà sản xuất cùng ê-kíp nghĩ rằng sẽ tìm những gương mặt mới, không bị áp lực bởi diễn viên tên tuổi. Chúng tôi ưu tiên cho những diễn viên hợp vai nhất. Tôi muốn mọi người tập trung vào diễn xuất hơn là diễn viên. Khi mở casting, rất nhiều người ứng tuyển. Thời gian chọn lọc rất khủng khiếp với bộ phận này. Điều thú vị là Trần Nghĩa chính là nam diễn viên cuối cùng tham gia casting.
Điều gì đặc biệt ở Trần Nghĩa và Trúc Anh khiến hai diễn viên trẻ lọt vào “mắt xanh” của Victor Vũ?
Đầu tiên, nói về Trần Nghĩa. Phía casting có gửi hình Nghĩa qua nhưng tôi loại sớm vì hình ảnh không phù hợp với nhân vật. Chính bức hình không phù hợp đã hại cậu ấy. Nhưng sau nhiều vòng, khi nhìn lại những người bị loại, tôi mới nhờ mọi người chụp lại hình của Nghĩa. Nghĩa vào casting thì hoàn toàn khác, tôi cảm thấy Nghĩa chính là Ngạn. Trần Nghĩa có vẻ ngoài thư sinh, hơi ốm, mặt xương, có chất nghệ sĩ, mắt rất buồn nhưng tình cảm. Phải nói 90% tôi hình dung về nhân vật Ngạn là Nghĩa ngoài đời. Mặc dù là diễn viên có nhiều kinh nghiệm, nhưng diễn xuất anh ta vẫn giữ được sự mộc mạc và cảm xúc nhẹ nhàng.
Còn Trúc Anh thì thật ra tôi hướng cô ấy vào vai Trà Long, chứ không phải Hà Lan. Nhìn hình Trúc Anh tôi thấy kiểu trong sáng, hồn nhiên nhưng khi thử vai đó lại không hợp. Trúc Anh hợp với Hà Lan hơn, xinh đẹp, mong manh, nhạy cảm và có phần bướng bỉnh. Khi thử vai, Trần Nghĩa và Trúc Anh có cảm xúc rất tốt, sự hòa hợp lẫn nhau. Điều đó khiến cả hai tỏa sáng khi diễn chung với nhau. Khi nghĩ đến Hà Lan, người ta thường nghĩ đến đôi mắt. Nhưng chúng ta không thể “cast” một đôi mắt để chọn diễn viên, mà điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Làm phim chiếu rạp, người ta thường cân nhắc đến diễn viên, đặc biệt là các ngôi sao có sức bảo chứng phòng vé. Phải chăng anh quá tự tin vào khả năng của mình?
Nếu nhìn lại những phim thành công nhất về mặt doanh thu,nó không nhất thiết phải có ngôi sao. Tôi luôn tin một diễn viên hợp vai sẽ tỏa sáng và khán giả sẽ ghi nhận điều đó. May mắn, cả tôi và nhà sản xuất đều đồng ý rằng sức hút của bộ phim không nằm ở ngôi sao, nằm ở tinh thần và thông điệp tình yêu mà bộ phim lý giải.
Tuyển chọn diễn viên mới, ít kinh nghiệm… đây có phải là chiến lược thu hút công chúng hay giải pháp cho bài toán cát-sê giữa thời buổi các ngôi sao đang hét giá, đặc biệt sau thất bại phòng vé của Lôi báo và Người bất tử?
Diễn viên nổi tiếng hay không nổi tiếng không phải là vấn đề tôi quan tâm khi đứng trước một dự án, mà tôi chỉ ưu tiên chọn người hợp vai. Thị trường mình có quá nhiều diễn viên tài năng nhưng có thể chưa gặp cơ hội thôi. Mỗi phim có đòi hỏi khác nhau, với Mắt biếc tôi nghĩ những nhân tố mới sẽ mang đến cho bộ phim nhiều điểm cộng cho phần cảm xúc. Tôi luôn nghĩ rằng diễn viên sẽ tỏa sáng khi thực sự hợp vai. Như phim Em chưa 18 thành công thực sự vì vai diễn của Kaity Nguyễn rất thuyết phục. Đây chỉ là một ví dụ khi một bộ phim không có nhiều ngôi sao nhưng mà nó lại tạo ra được một sức hút lớn. Tôi không đại diện cho các nhà làm phim nhưng theo quan điểm của tôi nếu đạo diễn cảm thấy cần một ngôi sao để tạo sức hút thì điều đó có nghĩa là họ chưa tự tin với nội dung bộ phim. Đó cũng là điều mà tôi cân nhắc rất nhiều.
Ngoài diễn viên, Mắt biếc của Victor Vũ còn khiến khán giả tò mò và ngạc nhiên trước bối cảnh đặc trưng của thập niên 60-70. Có vẻ như anh dành rất nhiều tâm huyết để đầu tư cho phim?
Thật ra khi tôi chọn bối cảnh cho bộ phim này, tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ diễn ra ở thời hiện đại bởi vì một câu chuyện như Mắt biếc thì tôi tin rằng nó là một miền ký ức. Nó có sự hoài niệm nên là nó buộc câu chuyện phải xảy ra trong quá khứ. Tôi chọn thập niên 60-70 bởi vì tôi tin rằng nếu như đây là câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh thì chắc chắn phải diễn ra những năm đó. Đồng thời, tác phẩm Mắt biếc ra đời năm 90 cũng là năm câu chuyện kết thúc trong kịch bản nên nó mang rất nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách rất lớn cho ê-kíp. Nói chung, khi làm phim liên quan đến cổ trang hay hay bối cảnh thời xưa là một thử thách rất lớn. Nhưng nếu chúng ta làm được thì nó sẽ trở nên đặc biệt hơn và sẽ có sức hút riêng với nhiều thế hệ. May mắn trong phim, ê-kíp có anh Ghia làm giám đốc mỹ thuật, tính anh ấy thì rất tỉ mỉ nên cả hai phối hợp khá ăn ý. Tôi phải cân nhắc rất nhiều giữa thực tế và cái đẹp trong điện ảnh. Khi tiếp cận với dự án này, tôi cũng trao đổi rất nhiều với giám đốc mỹ thuật và đạo diễn hình ảnh về cách mình tạo ra sự gần gũi, chân thật nhưng phải dưới góc nhìn của sự lãng mạn. Đây là những thứ mình phải tính thật kỹ.
Anh đã đầu tư bao nhiêu tiền vào tác phẩm lần này?
Nếu tính riêng kinh phí cho khâu sản xuất thì khoảng 25 tỉ đồng.
Anh có lo lắng khi phim sắp ra rạp không khi thị trường điện ảnh gần đây trải qua nhiều ồn ào, từ việc giải cứu phim Việt vì thua lỗ, cụm rạp bị tố chèn ép xuất chiếu đến việc cạnh tranh phòng vé với loạt đối thủ đáng gờm?
Nói chung, làm phim có rất nhiều lo lắng ngay cả khi làm phim xong mình vẫn phải lo đến vấn đề phát hành, kiểm duyệt. Tôi nghĩ những lo lắng đó là xứng đáng. Về kiểm duyệt và phát hành thật sự có nhiều thứ nó nằm ngoài sự kiểm soát của mình và nó là một vấn đề đau đầu. Trong phim này, tôi không gặp nhiều vấn đề về kiểm duyệt vì nó được chuyển thể dựa trên một bộ tiểu thuyết nổi tiếng và chắc chắn nó không khó bằng những phim trước.
Nhìn lại điện ảnh Việt Nam trong năm qua với hàng loạt biến động, đặc biệt từ sau sự kiện Vợ ba và Thất Sơn tâm linh. Theo anh, dòng phim nghệ thuật liệu có đủ sức tồn tại trên chính quê nhà trong tương lai?
Tôi cũng nghĩ đến điều đó rất nhiều, tôi thấy điều đó là một điều đáng tiếc bởi vì tôi nghĩ rằng để có một bộ phim hay và nâng tầm chất lượng phim Việt thì đầu tiên mình phải nâng cao chất lượng nội dung. Mình có thể đánh đèn tốt, nhạc hay, dựng hay nhưng nếu nội dung không được phong phú, tự do trong việc sáng tạo thì thật ra những thứ khác không có ý nghĩa. Để nâng tầm phim Việt thì phải có sự nâng cao về nội dung và sự tự do trong việc kiểm duyệt. Điều đó sẽ giúp phim Việt có một ví trí nhất định trên thị trường quốc tế.
Sau Mắt biếc, Victor Vũ sẽ thử thách mình với thể loại điện ảnh nào?
Thật ra tôi cũng đang phát triển một số dự án điện ảnh nhưng tôi chưa thể công bố được. Một phim về đề tài lịch sử và một phim sở trường của tôi là thể loại li kì.
Cảm ơn đạo diễn Victor Vũ đã dành thời gian chia sẻ!