Ủng hộ cách làm của bác sĩ Vân, tuy nhiên facebooker Khoi Dao Dinh góp ý là nên cắt thêm một lớp vải không dệt (non-woven) từ các túi vải không dệt gia dụng hoặc một lớp ni lông mỏng ghép thành lớp ngoài cùng. Lớp này không thấm nước, có công dụng chắn các hạt nước bọt (chứa virus) không cho chúng thấm tới các lớp giấy tới mũi miệng thì tốt hơn.
Cùng bình luận sau khi xem video này, anh Phạm Phú Tuyền cũng cho rằng trong khi thị trường khẩu trang đang khan hiếm thì cách này cực kỳ hay và hữu ích.
Trong khi đó facebooker Xuân Trường lại cho rằng, khẩu trang làm bằng giấy sẽ thấm nước, lớp ngoài cần phải là lớp không thấm nước để tránh nước bọt, không khí bẩn và dịch. Người này cũng cho rằng, thường khăn giấy có nhiều bụi giấy, những hạt bụi mịn có thể lọt vào đường hô hấp, nên không thể dùng làm khẩu trang được.
Chị Nguyễn Thư cũng cho rằng virus lây qua đường nước bọt bắn khi ho, nói chuyện... trong khẩu trang y tế có lớp chống thấm để cản dịch. Đây là giấy lau tay, vẫn thấm nước được nên không đảm bảo an toàn. Nó giống như khẩu trang giấy bình thường, hoàn toàn không có tác dụng phòng tránh virus.
Tiếp nhận các ý kiến phản biện, bác sĩ Phạm Hùng Vân cho rằng sự hữu dụng của khẩu trang y tế là đúng. Tuy nhiên, khẩu trang mà chúng ta thường mua và đeo không thể bị đẩy giá lên cao mà lý do của việc này là chúng ta ùn ùn mua nó mùa dịch bệnh. “Thật sự chúng ta có một khẩu trang đủ dày và đủ kín là đủ công dụng cho việc ngừa lây nhiễm cũng như làm lây nhiễm và cách làm khẩu trang như thế này là rất hiệu quả”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Bác sĩ Vân nói thêm: “Về ý kiến khăn giấy gây bụi hít vào thì chúng ta có thể mua các loại khăn giấy tốt, ít bụi. Tôi bị viêm mũi dị ứng do bụi và thời tiết. Tôi làm cái khẩu trang 3 lớp giấy đeo vào thấy dễ chịu không hề bị nhảy mũi nên chắc chắn rất ít bụi”.
Bình luận (0)