Với video dự thi dài khoảng 5 phút, Hoài Dương đã dựng nên sản phẩm truyền thông về kiến trúc đô thị ấn tượng bằng những bản ký họa độc đáo của mình. Nếu các sản phẩm video dự thi khác được quay và dựng công phu, thì sản phẩm của Dương được thực hiện bằng phương tiện khá thô sơ, chỉ là một chiếc điện thoại smartphone kèm giá đỡ. Dương cho biết chọn cách ký họa để vừa thể hiện toàn bộ ý tưởng của cuộc thi, vừa phô diễn khả năng ký họa, thế mạnh của sinh viên Việt so với bạn bè quốc tế.
Trước khi ký họa, Dương ghi hình lại toàn bộ quá trình thực hiện và dùng nó làm chất liệu phim. Không chỉ giỏi ký họa, khả năng dựng phim của Dương cũng đáng nể với những thước phim được ban tổ chức đánh giá có mức độ chuyên nghiệp cao. Phim của Dương có đủ các cỡ cảnh, đặc biệt các chi tiết đặc tả cũng dần hiện lên từ ngòi bút ký họa tài tình.
Phác họa ký ức của Busan được Hoài Dương dẫn dắt từ câu chuyện về tốc độ đô thị hóa một cách chóng mặt diễn ra ở khắp nơi, làm mất đi không gian ký ức của nhiều người, hoặc của những cộng đồng người. “Ở cuộc thi này, điều mà bạn cần thể hiện là đẩy cảm xúc vào thời gian, không gian của ký ức bị lãng quên, mà con người hiện đại phải chấp nhận như là định mệnh của họ”, Hoài Dương chia sẻ.
Nhưng làm sao có thể gợi lại cho người xem những cảm xúc về không gian gắn liền với ký ức của họ ở một nơi mà bạn chưa từng đặt chân đến? Câu trả lời của Hoài Dương khá thú vị: “Sản phẩm ghi điểm với ban giám khảo có lẽ ở cách thể hiện ý tưởng, cách của một người dùng công cụ Google Street View để “dạo” quanh Busan và chọn góc thể hiện riêng của mình”.
Bằng sự nhạy bén của mình, Dương chọn những hình ảnh, góc phố đã ăn sâu trong tiềm thức của mọi người, và thể hiện sự thay đổi của kiến trúc qua thời gian, khiến người xem cảm nhận được quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng như thế nào đến kiến trúc và những không gian gắn liền với kỷ niệm của họ. Góc phố, ngôi nhà với những chi tiết xuống cấp, hư hỏng nhưng lại gắn với ký ức, với tính liên kết cộng đồng. Đến lúc tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt thì những không gian công cộng để liên kết nhau cũng dần mất và người dân phải chấp nhận. Bản ký họa cuối cùng là bức tranh hiện tại nhưng vẫn gợi cảm xúc yên bình giữa nhịp sống vội vã.
“Mong các nhà quy hoạch có thể cân bằng giữa việc xây dựng các công trình mới và giữ lại các công trình cũ, không gian cũ gắn liền với ký ức của người dân. Đó là thông điệp của phim. Không chỉ riêng cho một đô thị ở Hàn Quốc mà còn với VN và nhiều nơi trên thế giới”, Dương cho biết.
Bình luận (0)