Cơm di động phát tận tay người gặp khó khăn ngày giãn cách

10/07/2021 08:13 GMT+7

Trong ngày đầu TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, các xe cơm di động đã mang bữa ăn đến tận các xóm trọ gặp khó khăn để giúp bà con nghèo có bữa cơm no ngày chống dịch.

Chủ nhân của ý tưởng là anh Nguyễn Tuấn Khởi – người sáng lập ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam.

Các xe cơm di động miễn phí phục vụ người mưu sinh, người lao động khó khăn trong ngày dịch

Lê Nam

 
Nhiều năm nay, Foodbank Việt Nam là nơi thường xuyên cung cấp thực phẩm, bữa ăn miễn phí cho viện dưỡng lão, mái ấm, nhà mở cho trẻ mồ côi tại TP.HCM.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, anh Khởi cùng cộng sự lập nên 5 bếp yêu thương, mỗi ngày cung cấp 10.000 suất ăn miễn phí.

Cơm di động giúp hạn chế tập trung đông người mà vẫn kịp thời hỗ trợ bữa ăn cho cộng đồng

Lê Nam

Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh, tránh tình trạng tụ tập đông người, cũng không muốn ai bị bỏ đói, anh Khởi và các thành viên của bếp yêu thương đã nghĩ ra sáng kiến “cơm di động”.
Mỗi ngày, bếp yêu thương hoạt động từ sáng sớm, đến 9 giờ 30 phút để các tình nguyện viên kịp đi phát bữa trưa.
Cơm canh và thức ăn được chia thành các phần ăn gọn gàng. 10 giờ, cơm được xếp lên thùng hàng, theo chân các tình nguyện viên đi khắp thành phố, tìm đến tận nơi những người gặp khó để mời họ một bữa ăn ngon.

Các tình nguyện viên xếp cơm để chuẩn bị đi trao tận tay bà con mỗi buổi trưa

Lê Nam

Trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Food Bank Việt Nam và dự án “cơm di động” vẫn duy trì hoạt động bình thường, thậm chí tăng thêm công suất và chuyển số lượng lớn đến từng khu trọ để giảm thiểu thấp nhất việc tập trung người trên các tuyến phố.

Cơm di động ghé khu nhà trọ công nhân trong sáng đầu tiên thực hiện giãn cách

NVCC

Tất cả các điều phối viên ra đường đều có thẻ điều phối viên làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm thiết yếu, thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách và bảo hộ đầy đủ.
Người sáng lập dự án khẳng định, các xe “cơm di động” không chỉ phục vụ trong những ngày dịch mà sẽ còn được duy trì kể cả sau khi hết dịch để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.