Khám phá Sài Gòn - Khu phố Hải Thượng Lãn Ông
23/10/2019 06:00 GMT+7
Đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc loại đường lớn và xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp gồm 2 đường, đoạn đầu là Đại lộ Gaudot, đoạn cuối là Đại lộ Bonhoure. năm 1955 nhập 2 đường làm một đổi tên là Đại lộ Khổng Tử. Sau năm 1975 đổi thành Hải Thượng Lãn Ông đến nay.
Tự động phát
Đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc loại đường lớn và xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp gồm 2 đường, đoạn đầu là Đại lộ Gaudot, đoạn cuối là Đại lộ Bonhoure. năm 1955 nhập 2 đường làm một đổi tên là Đại lộ Khổng Tử. Sau năm 1975 đổi thành Hải Thượng Lãn Ông đến nay.
Từ cuối thế kỷ 19, người Hoa đã lập ra các kho chứa hàng hóa đươc vận chuyển từ kênh Tẻ lên bờ. Tại đây, họ xây dựng thành một khu phố ở ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục - Phùng Hưng. Ban đầu đây là nơi kinh doanh rất nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, người dân ở đây có thói quen dự trữ thuốc Đông y trong nhà phòng khi đau ốm. Sau đó, nhu cầu của người Việt về thuốc Đông y dần "biến" khu phố này trở thành phố thuốc Bắc to nhất Sài Gòn, đó cũng là một nét đặc biệt tại phố cổ.
Đường Hải Thượng Lãn Ông không chỉ có những cửa hàng thuốc Đông y tấp nập người mua mà ở đây còn có nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hoá lịch sử của người Hoa trên đất Sài Gòn. Đó là Nhị Phủ miếu, trường THCS Trần Bội Cơ, bưu điện quận 5, chợ Kim Biên…
Những ngày cuối tháng Chạp, người Hoa ở Chợ Lớn đã bắt đầu trang trí nhà cửa để đón Tết. Vào những ngày này, các “ông đồ” viết liễn đối ở các đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Phùng Hưng… làm việc không ngớt, nhất là càng vào những ngày cận Tết. Tấp nập, sôi nổi nhất vẫn là khu vực ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), bắt đầu từ chợ Kim Biên kéo dài cho đến Bưu điện Quận 5, làm nên một sắc màu rất riêng của Chợ Lớn.
Đường Hải Thượng Lãn Ông còn gắn liền với tên tuổi thương nhân gốc Hoa Quách Đàm – người có công xây dựng nên chợ Bình Tây ngày nay. Trước năm 1923, hoạt động thương mại của khu vực Chợ Lớn tập trung chủ yếu ở chợ Lớn cũ (nay là bưu điện quận 5). Chi phí xây chợ hết 443.200 đồng vào thời điểm năm 1923, Quách Đàm góp 60%. Chính quyền thành phố Chợ Lớn đổi cho ông 1 ha đất ở hộ Tháp Mười và 0,4ha ở Chánh Hưng, vừa đúng 1,4ha đất để xây chợ.
Chợ được khởi công xây dựng từ tháng 2/1926 và hoàn thành vào tháng 9/1928, được đặt tên là chợ Chợ Lớn mới, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chợ Quách Đàm. Sau khi chợ mới được hoàn thành, chợ Lớn cũ giải thể, các sạp hàng dời về đây.
Nhằm tri ân công lao của Quách Đàm, năm 1930, chính quyền Pháp đã cho đúc một tượng đồng đen đặt ở vườn hoa giữa chợ. Bức tượng khánh thành vào ngày 14/3/1930, bên bệ đá trắng có 4 con sư tử và 2 con rồng bằng đồng đang phun nước. Sau ngày 30/4/1975, tượng được giữ ở Phòng Văn hóa Thông tin Quận 6, đến năm 1992 chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 7/2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. HCM đã công nhận khu Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5, TP. HCM) là khu phố cổ nhất của thành phố, do nơi đây vẫn còn bảo tồn được nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ cũng như nét sinh hoạt từ thời xưa cũ của cộng đồng người Hoa. Khu phố Hải Thượng Lãn Ông nằm ở ngã tư đường Hải Thượng Lãn Ông và Triệu Quang Phục, trong hệ thống phố cổ Chợ Lớn được hình thành từ sau năm 1864 khi Pháp kiểm soát Nam kỳ.
Bình luận (0)