Thất nghiệp giữa dịch Covid-19, người phụ nữ một mình lo cho chồng chạy thận, mẹ già tàn tật

22/07/2021 14:17 GMT+7

Thất nghiệp, bà Đinh Thị Phước Mỹ (45 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) vẫn phải lo cho chồng chạy thận, mẹ già tiểu đường phải cưa chân. Nhờ vào sự giúp đỡ của bà con họ hàng và những suất cơm miễn phí của người Sài Gòn, cả gia đình mới cầm cự được hơn nửa năm qua.

Không có thu nhập, vẫn cầm cự được

Chục năm trước, chồng bà Mỹ phát hiện bệnh suy thận, uống thuốc cầm chừng. Năm 2019, mỗi tuần 3 lần ông vào bệnh viện chạy thận. Thấy sức khỏe chồng giảm sút, bà Mỹ khuyên chồng bớt làm lại để có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng là người trụ cột trong nhà, tham công tiếc việc, ông Vũ lao đầu vào làm.

Bà Dết bị biến chứng của bệnh tiểu đường, phải cắt một bên chân. Bà phải lên Sài Gòn ở cùng con để tiện thăm khám

Ảnh: Vũ Phượng

Năm 2020, bà Lê Thị Dết (78 tuổi, mẹ ruột bà Mỹ) phải cưa chân vì biến chứng của bệnh tiểu đường nên chuyển hẳn lên Sài Gòn ở với con để nhập viện và thăm khám. Thời gian nằm viện của mẹ kéo dài, bà Mỹ phải nghỉ việc vào viện chăm sóc.
Cùng lúc đó, bất ngờ bệnh thận của chồng có biến chứng nặng, thêm bệnh huyết áp cao, suy tim dồn dập cùng lúc. Chồng bà mất hẳn sức lao động, đi lại cũng khó khăn. Từ lao động chính của gia đình, giờ ông phải ngồi một chỗ, sinh hoạt cá nhân phải nhờ vợ.
Ông Vũ nói: “Nhiều khi đau quá muốn chết luôn. Mình đang đi đứng bình thường, giờ giống như bị bán thân, bị liệt, đi cũng không nổi, cầu thang nhà trọ có chút xíu cũng phải lết xuống từ từ, không còn sức nữa. Nhiều lúc lên cơn có cảm giác mình chắc chắn đi rồi, ngộp thở lắm, nhưng rồi cũng qua. Xong hôm sau lại thắt đau tiếp, mình không nhận ra được là mình nữa rồi”.

Không thể tìm được việc làm vì vừa chăm chồng đi lại khó khăn, vừa chăm mẹ già cưa bàn chân do tiểu đường, bà Mỹ nhiều lần bế tắc khi nghĩ đến chuyện tiền nong

Ảnh: Vũ Phượng

Đang thất nghiệp, một lúc phải chăm 2 người bệnh với tiền thuốc men, viện phí triền miên, bà Mỹ nhiều đêm trằn trọc chẳng thể chợp mắt. Bà con dòng họ biết chuyện, mỗi người một ít giúp bà trả tiền nhà trọ, lo tiền điều trị.
Bà Mỹ tâm sự: “Tiền họ hàng giúp tôi để đóng nhà trọ 3 triệu và lo chạy thận cho chồng 3,5 triệu/tháng. Mẹ tôi được xuất viện về nhà, thuốc có bảo hiểm y tế lo nên cũng đỡ. Con gái thấy ba đổ bệnh nặng cũng bỏ học giữa chừng. Nhà mấy miệng ăn mà không làm ra được ngàn nào, mấy tháng trời cả nhà sống nhờ cơm từ thiện”.
Theo lời bà Mỹ, bà may mắn được ông Vũ Quang Thức (Q.10) giúp đỡ cho phiếu cơm 1.000 đồng trong nhiều tháng liền, dù không phải trả ngàn nào. Ông Thức cũng thường giúp bà lo viện phí trong lúc ngặt nghèo nhất, ngay cả lúc kinh tế đang khó khăn vì dịch Covid-19. Nhờ vậy, bà vơi được gánh nặng trên vai, tập trung chăm sóc mẹ và chồng.

Đàn bà, nhưng không được yếu đuối

Căn nhà trọ của gia đình bà Mỹ chừng 8m2, vừa đủ kê chiếc giường xếp cho mẹ già, cách nửa bước chân là đụng bếp, một bước chân đụng nhà vệ sinh, tới chiếc cầu thang dựng đứng. Bên trên là chỗ ngủ của vợ chồng bà và cô con gái 17 tuổi. Căn trọ chật chội đến mức, chồng bà thường nói nửa đùa nửa thật: “Không biết khi tôi nằm trên đó chết có khênh xuống được không”.

Mọi chuyện trong nhà đều một tay bà Mỹ lo liệu

Ảnh: Vũ Phượng

Khi còn khỏe, chồng bà làm thợ điện lạnh, tháng kiếm gần chục triệu, trừ chi phí chạy thận, cả nhà vẫn đủ để đóng trọ, sinh hoạt qua ngày. Giờ đây, người trụ cột trong nhà gục xuống, bà muốn đi xin việc cũng không được vì bệnh chồng đang diễn tiến nặng, có thể lên cơn đau bất kỳ lúc nào.
Bà bộc bạch: “Nhiều khi tôi thấy cuộc sống bế tắc lắm, nhưng mà cũng phải ráng chứ đâu buông xuôi được. Cả nhà còn có mình tôi là khỏe mạnh, nên phải là chỗ dựa cho mẹ và chồng”.
Cả ngày, bà Mỹ chỉ quanh quẩn việc lo cơm nước, vệ sinh cho mẹ, rồi cho chồng, không có chút thời gian nghỉ ngơi. Những lúc chồng chạy thận, bà ngồi đợi bên ngoài bệnh viện vì không muốn để chồng cảm thấy cô đơn. Dù kiệt sức, nhưng bà không cho phép mình được yếu đuối, cỡ nào bà cũng chịu được, chỉ sợ chồng bỏ cuộc.

Ông Vũ bất lực khi sức khỏe bỗng chốc suy sụp

Ảnh: Vũ Phượng

“Lúc ở trong bệnh viện ảnh lên cơn mệt, thở dốc nên kêu tôi đưa con dao để ảnh tự đâm chết luôn chứ không sống nổi. Ảnh nói mệt quá, thấy ai kêu mình đi, cảm giác như có người đè nặng lên người mình, chỉ có chết thôi chứ không sống nổi. Tôi lại an ủi. Chồng tôi hay nói tôi vô tư vì thấy gì cũng nói được, nhưng ảnh đâu biết trong lòng tôi buồn lắm, lo lắm, bệnh này không nói trước được gì…”, nghĩ đến tương lai, mắt bà lại đỏ hoe.
Nhìn con tất tả chuẩn bị đồ đưa chồng đi chạy thận, bà Dết chia sẻ: “Nó chăm tôi dữ lắm, suốt ngày lo chăm sóc, ăn uống. Có chuyện gì nó cũng tự xoay, tiền bạc cũng tự đi xin chứ không than khổ với tôi hay chồng, con với cái!”.
Ông Vũ cũng tâm sự, những ngày bệnh suýt chết, thấy vợ luôn kề cận ở bên, một tay lo toan tất cả, ông càng yêu gia đình hơn. Nhưng bây giờ, ngay cả chuyện đi lại còn không được, ông không biết đến bao giờ mới chăm sóc lại được người phụ nữ kề cận gần 20 năm.

Vì nhiều nỗi lo, bà Mũ buộc phải mạnh mẽ để chăm lo cho mẹ và chồng

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Huỳnh Thị Kiều Oanh (40 tuổi, em dâu ông Vũ) cho biết, ông Vũ khổ nhất trong 10 anh em của gia đình. Từ lúc ông bệnh, mỗi người một ít dồn lại để ông lo viện phí, trang trải nhà trọ, lúc thì mang đồ ăn sang để cả nhà có những bữa cơm no bụng. “Nể nhất là vợ ảnh, một tay chăm cả mẹ và chồng đều đang bệnh như vậy”, bà Oanh bày tỏ.
Đồng hồ điểm 14 giờ, bà Mỹ gom vội mấy chiếc bánh ngọt được cho hôm trước vào chiếc giỏ sờn vải, treo lủng lẳng bên hông xe, đội mũ bảo hiểm, mặc áo khoác cho chồng rồi dìu lên xe. Những cơn đau lại ập đến, mặt ông nhăn nhó, bấu chặt lấy vai vợ, bà Mỹ tiếp tục bon bon trên chiếc Dream tàn chở chồng đi chạy thận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.