Xử phạt việc hát karaoke bằng loa kéo gây ô nhiễm tiếng ồn thế nào?

13/07/2020 19:23 GMT+7

Để chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo ảnh hưởng tới người xung quanh, luật sư đề nghị cần phải tiến hành sửa đổi một số quy định pháp luật.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM) cho biết theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 600.000 đồng).
Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1 - 20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2 - 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40 - 200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng. Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100 - 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200 - 320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6 - 12 tháng.

Luật sư Lê Trung Phát đề xuất cần phải tiến hành sửa đổi một số quy định pháp luật

Lê Nam

Ông Phát nhận định: “Nếu như đề xuất này được HĐND TP thông qua bằng nghị quyết, để nghị quyết này có thể đi vào thực tế thì rõ ràng cần phải tiến hành sửa đổi một số quy định pháp luật. HĐND, UBND TP có thể đề nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 167/2013, Nghị định 155/2016. Bởi mức chế tài quy định trong Nghị định 167/2013 còn thấp. Căn cứ xử lý là dựa vào thời gian hoạt động mà một số trường hợp diễn ra trước 22 giờ đêm. Như vậy cơ quan chức năng cũng rất khó để xử lý như hiện nay".
"Đối với Nghị định 155/2016, căn cứ xử lý dựa vào mức độ ô nhiễm tiếng ồn, dựa vào decibel (dB). Để tiến hành xử lý, cơ quan chức năng phải đem các thiết bị xuống để xử lý. Như vậy chúng ta nên linh hoạt xử lý để làm sao việc xử lý này có thể phù hợp hơn", ông Phát nói tiếp.

Người Sài Gòn hào hứng đi hát karaoke trở lại

Luật sư Phát đề xuất về vấn đề hát karaoke gây ồn ào: “Theo tôi, cần sửa Nghị định 167/2013 theo hướng tăng mức chế tài xử phạt lên, cùng với đó là biện pháp liên quan đến hình phạt bổ sung. Ví dụ như là ngoài việc phạt tiền thì người sử dụng tiếng ồn này bằng các loa kéo, có thể bị tịch thu các loa kéo”.
Luật sư Phát cũng cho biết thêm: “Nếu như việc hát karaoke tại nhà làm ảnh hưởng những người xung quanh bằng việc chúng ta mở toang cửa để gây ra tiếng ồn cho người khác; hoặc là hát trong những thời gian mà hàng xóm đang nghỉ ngơi, ví dụ như giờ trưa, giờ cơm tối... Nếu gia đình nào hoặc hàng quán buôn bán mà gây ra ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke trong giai đoạn này thì cũng đều có thể làm căn cứ để xử lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.