Các nữ lãnh đạo chống dịch Covid-19 thành công là ai?
20/04/2020 11:49 GMT+7
Được xem là hình mẫu chống dịch Covid-19, các quốc gia và vùng lãnh thổ này có vị trí địa lý rải rác khắp thế giới: Đức thuộc châu Âu, Đài Loan thuộc châu Á và New Zealand nằm ở phía nam Thái Bình Dương. Nhưng có một điểm chung thú vị: đều có lãnh đạo là phụ nữ. Điều này còn đặc biệt hơn nữa, khi chỉ có 7% lãnh đạo trên thế giới là phụ nữ.
Tự động phát
Các biện pháp mà Đức, New Zealand và Đài Loan áp dụng ngay từ đầu đợt bùng phát dịch Covid-19 là: xét nghiệm quy mô lớn, thiết lập hệ thống y tế dễ tiếp cận và chất lượng, theo dấu liên hệ quyết liệt và áp dụng lệnh hạn chế tập trung đông người.
Đài Loan, vùng lãnh thổ với gần 24 triệu dân tiếp giáp với Trung Quốc, có nguy cơ cao khi dịch Covid-19 bùng phát tại đại lục. Từ khi biết đến virus mới, bí ẩn gây bệnh viêm phổi tại Vũ Hán hồi tháng 12.2019, nữ lãnh đạo Thái Anh Văn đã ngay lập tức ra lệnh điều tra mọi chuyến bay từ Vũ Hán.
Bà thiết lập một trung tâm chỉ huy dịch bệnh, yêu cầu tăng sản xuất trang thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, và hạn chế mọi chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau. Nhờ vậy, số ca nhiễm Covid-19 tại Đài Loan đến nay là 397 với chỉ 6 ca tử vong.
|
Đức, với dân số 83 triệu người, đến nay ghi nhận 141.397 ca nhiễm Covid-19, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn hẳn so với các quốc gia châu Âu khác (3,07%). Tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Đức Angela Merkel tăng vọt vì phản ứng của chính phủ bà với đại dịch Covid-19. Đức có số giường bệnh điều trị tích cực nhiều nhất cùng chương trình xét nghiệm quy mô lớn nhất châu Âu.
|
Đảo quốc New Zealand với gần 5 triệu dân có nền kinh tế phần lớn dựa vào ngành du lịch. Tuy nhiên, từ ngày 19.3, Thủ tướng Jacinda Ardern đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài, công bố lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 4 tuần hôm 23.3 và yêu cầu mọi người dân làm việc trong các ngành nghề không thiết yếu ở nhà, trừ khi phải đi siêu thị hoặc tập thể dục gần nhà.
New Zealand cũng có chương trình xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn. Đến nay quốc gia này ghi nhận 1.094 ca nhiễm với 11 ca tử vong. Mặc dù vậy Bà Ardern khẳng định New Zealand sẽ không sớm kết thúc lệnh phong tỏa toàn quốc.
|
Ngoài 3 quốc gia và vùng lãnh thổ trên, một số nước Bắc Âu khác cũng được xem là hình mẫu chống dịch Covid-19 cũng đều do phụ nữ lãnh đạo.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin là nhà lãnh đạo chính phủ trẻ nhất thế giới khi mới 34 tuổi. Nhưng tỷ lệ tín nhiệm của bà lên đến 85% vì mức độ chuẩn bị tốt đón đầu dịch Covid-19, với chỉ DDD ca tử vong trong hơn 5,5 triệu dân.
|
Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir lãnh đạo một đảo quốc nhỏ với chỉ 360.000 dân. Tuy nhiên, chương trình xét nghiệm ngẫu nhiên, quy mô lớn của Iceland được cả thế giới ca ngợi. Iceland đã phát hiện ra 50% trong số những ca dương tính với Covid-19 tại đây không thể hiện triệu chứng. Quốc gia này cũng sớm can thiệp tình hình, quyết liệt theo dấu liên hệ và cách ly các ca nghi nhiễm Covid-19 hiệu quả.
Vẫn còn quá sớm để xác định đâu là nhà lãnh đạo thành công nhất, cứu mạng nhiều người dân nhất trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ví dụ trên cho thấy phụ nữ chiếm số lượng lớn trong số các nhà lãnh đạo đã có hành động sớm và quyết liệt.
Đến ngày 1.1.2020, chỉ có 10 phụ nữ trong số 152 lãnh đạo dân cử, theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, nam giới chiếm đến 75% trong tổng số nghị sĩ quốc hội, chiếm 73% trong tổng số các vị trí ra quyết định và chiếm 76% trong giới báo chí truyền thông chính thống.
"Chúng ta tạo ra một thế giới mà phụ nữ bị giới hạn trong chỉ 25% - tức là 1/4 - của tất cả, từ các vị trí ra quyết định cho đến những câu chuyện kể về cuộc sống này. Kể cả là 1/3 cũng không thể đủ" - Giám đốc Điều hành chương trình Phụ nữ của LHQ Phumzile Mlambo-Ngcuka nhấn mạnh.
Rốt cuộc, số ít nữ lãnh đạo được xem là kiểm soát dịch Covid-19 thành công đến nay cho thế giới thấy rằng bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong nền y tế toàn cầu và an ninh thế giới.
Bình luận (0)