Các phiếu đại cử tri liệu có giúp được Tổng thống Trump lật ngược tình thế?

14/12/2020 14:14 GMT+7

Người Mỹ không dùng hệ thống bầu cử phổ thông đầu phiếu toàn quốc để chọn tổng thống. Hệ thống bầu cử của Mỹ dựa theo tiểu bang. Khi các cử tri bỏ phiếu chọn ứng cử viên tổng thống, thực ra là họ bỏ phiếu để chọn một nhóm cử tri đại diện cho tiểu bang của mình. Đây là các đại cử tri, hay cử tri đoàn. Chính các đại cử tri sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 12.

Số lượng đại cử tri của mỗi bang sẽ tùy thuộc vào dân số của bang. Bang có đông dân nhất là California, có 55 đại cử tri, trong khi các bang dân cư thưa thớt nhất nước Mỹ như Montana và Wyoming thì mỗi bang chỉ có 3 đại cử tri. Tổng cộng có 538 đại cử tri đại diện cho 50 bang và Quận Columbia, nơi đặt thủ đô Washington.
Để đắc cử tổng thống và phó tổng thống, ứng cử viên phải giành được đa số 270 phiếu đại cử tri. 48 tiểu bang và Quận Columbia áp dụng nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không", theo đó ứng cử viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất sẽ giành được toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang. Còn tại 2 bang Maine và Nebraska thì số phiếu đại cử tri được chia theo tỷ lệ phiếu bầu cho các ứng cử viên.

Vì sao số lượng đại cử tri lại là 538?

Số đại cử tri của mỗi bang tương ứng với tổng số nghị sĩ của bang này tại quốc hội liên bang. Số thượng nghị sĩ của mỗi bang luôn là 2, còn số hạ nghị sĩ nhiều hay ít tùy theo quy mô dân số.
Như ví dụ trên, bang California có 55 phiếu đại cử tri vì bang này có 2 thượng nghị sĩ và 53 hạ nghị sĩ, còn bang Bắc Dakota có dân số ít nên chỉ có 1 hạ nghị sĩ cùng 2 thượng nghị sĩ, và có 3 phiếu đại cử tri. Tổng số 538 đại cử tri là tương ứng với 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ, cộng với 3 đại diện của Quận Columbia - nơi có thủ đô Washington.

Có phải ứng cử viên được nhiều phiếu phổ thông cũng sẽ được nhiều phiếu đại cử tri?

Điều này thì không chắc. Phiếu phổ thông không đảm bảo một ứng viên chắc chắn sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Ở Mỹ, một ứng cử viên thắng nhiều phiếu phổ thông hơn vẫn có thể thất cử, và điều này đã xảy ra 2 lần từ năm 2000 đến nay. Gần nhất là vào năm 2016, khi bà Hillary Clinton dù hơn số phiếu phổ thông nhưng thua ông Donald Trump phiếu đại cử tri nên không thể trở thành Tổng thống Mỹ.
Đây là một ví dụ đơn giản:
Phổ thông đầu phiếu: Phe màu cam thắng
Có nhiều cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên phe cam hơn, nên phe cam thắng phe tím.
Đại cử tri: Phe tím thắng
Trong hệ thống đại cử tri, nếu số cử tri phe tím được phân bố sao cho có thể giành thắng lợi, dù rất sít sao, ở đủ số bang cần thiết thì phe tím vẫn có thể giành chiến thắng, cho dù phe cam có giành được những thắng lợi cách biệt.
Chính vì vậy, các ứng cử viên thường sẽ phải tập trung vận động tại các bang chiến địa – những bang thường không nghiêng về phe nào - để giành ưu thế lớn hơn cho mình.
Trong khi hệ thống cử tri đoàn cực kì phức tạp, tại sao nước Mỹ vẫn dùng hệ thống này để bầu chọn tổng thống? Các vị lập quốc Mỹ khi thảo luận hệ thống bầu cử năm 1787 đã nhất trí chọn hệ thống đại cử tri. Có thể xem đây là sự thỏa hiệp để giải quyết nhiều yêu cầu.
Một yêu cầu là không để quốc hội chọn tổng thống, vì nhiều nhà lập hiến lo ngại rằng nếu quốc hội bầu tổng thống, tổng thống chắc chắn sẽ ủng hộ ủng hộ quốc hội đến mức có thể trở thành con rối của cơ quan đó chứ không còn tiếng nói độc lập.
Tương tự, nhiều nhà lập hiến cũng không muốn người dân bầu tổng thống trực tiếp. Lý do đầu tiên là vào thế kỷ 18, cử tri không có nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu về ứng cử viên, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Thứ 2 là vì lo ngại một tổng thống dân túy được đông đảo người dân ủng hộ có thể sẽ nắm được quyền lực lớn đến mức nguy hiểm.
Một lý do nữa là vì các bang có dân số khác nhau nên sẽ không công bằng nếu để các bang đông dân số có tiếng nói quyết định.

Cử tri đoàn do ai chọn ra? Ai được chọn làm đại cử tri?

Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản quy định tiêu chuẩn đại cử tri. Điều II quy định rằng thành viên Quốc hội và những “người đang nắm giữ chức vụ tại các cơ quan công quyền liên bang Mỹ” không được chỉ định làm đại cử tri.
Quá trình chọn đại cử tri ở mỗi bang khác nhau. Thường thì các lãnh đạo đảng tại bang sẽ chỉ định đại cử tri tại các đại hội của đảng ở bang hoặc ủy ban trung ương đảng ở bang sẽ biểu quyết. Các đại cử tri thường được lựa chọn vì sự phục vụ và cống hiến của họ đối với đảng. Họ có thể là các quan chức dân cử ở các bang, các lãnh đạo đảng, hoặc những người có liên hệ với ứng cử viên tổng thống.
Khi ứng cử viên của một đảng giành chiến thắng tại một trong số 48 tiểu bang áp dụng nguyên tắc “được ăn cả ngã về không", nhóm đại cử tri của đảng này sẽ thay mặt tiểu bang bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 12.

Đại cử tri có giúp ông Trump "lật ngược thế cờ"?

Không có quy định Hiến pháp hay luật liên bang nào yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu theo đúng kết quả bỏ phiếu phổ thông ở bang họ.
Tuy nhiên, 33 bang và Quận Columbia có những luật lệ ràng buộc đại cử tri, trong đó có 14 bang, với tổng cộng 121 phiếu đại cử tri, có luật cho phép hủy phiếu bầu "bất trung" nếu có đại cử tri phá cam kết.
Dĩ nhiên, như vậy thì vẫn còn 417 đại cử tri có thể "nổi loạn". Vì vậy, một số không ít người ủng hộ đảng Dân chủ lo rằng hệ thống đại cử tri có thể làm hỏng kết quả bỏ phiếu phổ thông của ngày bầu cử 3.11 vừa rồi.
Một khả năng là tác động các cơ quan lập pháp bang để chọn ra nhóm đại cử tri giúp mang lại cho ông Trump 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Đây là một cách thức nhóm tranh cử của ông Trump đã thử áp dụng trong thời gian qua. Theo đó, tại những bang chiến địa mà ông Trump bị thua phiếu, nhóm tranh cử của tổng thống lấy cớ bầu cử gian lận để tìm cách thuyết phục nghị viện do đảng Cộng hòa kiểm soát ở cấp tiểu bang can thiệp và chỉ định danh sách ứng viên đại cử tri của mình. Số đại cử tri này sẽ đi ngược với kết quả phiếu phổ thông để bầu cho ông Trump.
Khả năng thứ 2 là những “đại cử tri bất trung” có thể chuyển từ ủng hộ ông Biden sang ủng hộ ông Trump, và mang lại cho tổng thống đương nhiệm đủ số phiếu đại cử tri cần thiết – và nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, chiến lược tác động đến cơ quan lập pháp tại các bang chiến địa cho đến nay chưa có dấu hiệu thành công. Một ví dụ điển hình là 2 vị lãnh đạo nghị viện bang Michigan, sau cuộc gặp với Tổng thống Trump 20.11, đã ra tuyên bố chung khẳng định “chưa biết có bất kỳ thông tin nào khiến phải thay đổi kết quả bầu cử ở Michigan”, cũng như cam kết “sẽ tuân theo luật và theo tiến trình bình thường liên quan các cử tri của Michigan”.
Kế đến, mặc dù số “đại cử tri bất trung” có tồn tại trong lịch sử nước Mỹ, và năm 2016 cũng có đến 7 đại cử tri như vậy, nhưng khả năng các đại cử tri Dân chủ không ủng hộ ông Biden gần như không có.
Giáo sư Robert Alexander, thuộc Khoa học chính trị tại Đại học Bắc Ohio, nhận xét rằng các đại cử tri có tinh thần đảng phái rất cao. Họ được chọn vì sự trung thành với đảng, và xuyên suốt các kỳ bầu cử, có rất ít đại cử tri (năm 1796) bỏ phiếu cho đảng đối thủ. Và cho dù khá nhiều đại cử tri được kêu gọi "đổi phe" và thậm chí có cân nhắc việc này, cuối cùng rất ít người thật sự làm như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.