Đại dịch Covid-19: Mỹ có hơn 1.000 người chết/ngày, Tổng thống Trump bắt đầu lo lắng
23/07/2020 09:30 GMT+7
Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 23.7.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 15.077.182 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19, với 620.257 ca tử vong và gần 8,59 triệu bệnh nhân đã hồi phục.
Tự động phát
Mỹ vào ngày 21.7 đã quay lại thời điểm có hơn 1.000 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong vòng 24 giờ, và giới hữu trách cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới, theo Đài CNN. Số liệu trên được công bố trong bối cảnh nhiều tiểu bang của Mỹ ghi nhận các con số ca nhiễm mới kỷ lục.
Ngày càng có thêm nhiều thống đốc yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường và giới chức trách tiếp tục tranh luận liệu có nên đưa trẻ em quay lại trường học hay không. Ít nhất 27 tiểu bang buộc phải ngừng kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế hoặc triển khai các biện pháp giới hạn mới trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
|
Giới chuyên gia cảnh báo virus SARS-CoV-2 giờ đây đang lan tràn trong các cộng đồng, và dữ liệu mới của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần so với số liệu chính thức ở một số vùng của nước này.
Trong cuộc họp báo đầu tiên về dịch Covid-19 sau thời gian gián đoạn, Tổng thống Donald Trump cảnh báo người dân rằng cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới. “Chúng tôi đề nghị người Mỹ đeo khẩu trang, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giữ gìn vệ sinh bằng cách rửa tay bất cứ lúc nào có thể”, Đài NBC dẫn lời nhà lãnh đạo. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi thanh niên Mỹ hãy tránh các quán bar đông đúc và những nơi tụ tập trong nhà đông người khác.
|
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chỉ trích Tổng thống Trump hành động quá chậm chạp trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa suốt những tháng qua. Trong khi đó, báo The Guardian hôm 22.7 đưa tin Ngoại trưởng Mike Pompeo đổ lỗi cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải chịu trách nhiệm về những cái chết do Covid-19. Hiện Mỹ gần chạm mốc 4 triệu ca nhiễm trên cả nước với 142.942 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại châu Mỹ diễn biến phức tạp khi đây là khu vực chiếm 1/2 số ca nhiễm trên thế giới với hơn 4 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục 67.860 và thêm 1.284 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tại nước này là 2.227.514, trong đó 82.771 người đã chết.
|
Một quốc gia khác tại khu vực này là Mexico cũng đang có xu hướng gia tăng số ca nhiễm nhanh chóng mặt. Bộ Y tế Mexico hôm 22.7 đã báo cáo 6.019 ca nhiễm mới và thêm 790 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên tới 362.274, trong đó 41.190 người chết.
Ấn Độ, Nga và Nam Phi lần lượt là các nước có số ca nhiễm nhiều thứ 3, 4, 5 trên thế giới. Ấn Độ hiện đã ghi nhận 1.193.078 ca nhiễm và 28.732 ca tử vong; Nga với 787.846 trường hợp nhiễm và 12.722 bệnh nhân không qua khỏi; trong khi Nam Phi đã gần chạm mốc 400.000 ca nhiễm và 5.940 người chết.
|
Một số nước khác cũng ghi nhận sự trở lại của dịch Covid-19. Từng là tâm dịch, châu Âu đang theo dõi làn sóng lây nhiễm mới ở Tây Ban Nha. Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hôm 22.7 đã sử dụng một khách sạn ở thành phố Lleida làm bệnh viện, nơi có một trong những điểm nóng Covid-19 của vùng Catalonia, nhằm làm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện địa phương khi họ cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.
Khoảng 160.000 người ở khu vực này đã phải tiếp tục ở nhà khi chính quyền cố gắng kiểm soát sự gia tăng của các ca nhiễm mới trong khu vực, chỉ vài tuần sau khi phong tỏa toàn quốc được dỡ bỏ. Trong đó, Barcelona cũng đã giới hạn số người đến các bãi tắm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Bình luận (0)