Gần 50.000 người tử vong vì Covid-19 toàn cầu
02/04/2020 09:24 GMT+7
Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 2.4.2020, cả thế giới đã ghi nhận hơn 932.605 người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có ít nhất 46.809 người tử vong. Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 193.177 ca hồi phục hoàn toàn.
Tự động phát
Đến nay, Covid-19 đã lây lan ra ít nhất 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Reuters. Số ca tử vong vì Covid-19 gia tăng bất chấp các lệnh phong tỏa và cách ly xã hội được áp dụng tại nhiều nước, buộc Liên Hiệp Quốc gọi đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ năm 1945.
Dịch Covid-19 tại Mỹ bùng phát với tốc độ nhanh chóng.
Tính đến sáng 2.4, theo số liệu từ Đại học John Hopkins, Mỹ đã ghi nhận hơn 213.372 ca dương tính với Covid-19, tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 ngày. Số ca tử vong ở nước này vào sáng 2.4 (giờ VN) đã vượt ngưỡng 4.700.
|
Thậm chí, tổ đặc nhiệm về Covid-19 của Nhà Trắng dự đoán Mỹ đối mặt với viễn cảnh từ 100.000 đến 240.000 ca tử vong trong những tháng tới, theo Đài CNN.
Tại thành phố New York, tâm dịch của Mỹ, Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thủ đô tài chính. Các bệnh viện dã chiến mọc lên ở công viên mang tính biểu tượng của khu Manhattan và ở nơi tổ chức giải quần vợt Mỹ mở rộng (US Open). Thị trưởng Bill de Blasio cho hay thành phố đã tăng gấp 3 lần số giường bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng cho đỉnh dịch trong vài tuần tới.
|
Thế nhưng dù được gia tăng giường bệnh, giới bác sĩ thành phố New York cho hay họ vẫn buộc phải đưa ra những quyết định đau lòng. Trong khi đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo người dân rằng dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và mọi người nên chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến trường kỳ sắp tới.
Thuyền trưởng Brett Crozier của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã thông báo với Bộ Quốc phòng rằng dịch Covid-19 đang lây lan mất kiểm soát trên tàu và đề nghị được hỗ trợ lập tức. Một số nguồn tin cho biết đã có hơn 100 thủy thủ trên tàu dương tính với Covid-19.
Trong vòng 24 giờ qua, Ý ghi nhận thêm 727 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 13.155 ca. Dù Ý là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tiếp tục chậm lại: chỉ tăng 4,5% so với ngày trước đó.
|
Tại Ý, đến sáng 2.4, đã ghi nhận hơn 110.570 ca nhiễm Covid-19. Hôm 1.4, các chuyên gia tại Ý cho rằng nước này đã đạt đỉnh dịch và sẽ bắt đầu khoảng thời gian giảm dần các ca nhiễm.
Tây Ban Nha đến nay đã ghi nhận 104.118 ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 9.387 ca tử vong. Đã có khoảng 22.647 ca hồi phục tại Tây Ban Nha, chiếm khoảng 20% tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ giữ nguyên các lệnh hạn chế để chống Covid-19 đến ít nhất là ngày 19.4 vì số ca nhiễm tăng mạnh. Đến sáng 2.4, Đức đã ghi nhận 77.981 ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 920 ca tử vong.
Tính đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần với 57.756 ca nhiễm đến sáng 2.4 với ít nhất 4.043 ca tử vong. Đã có 359.000 người bị phạt vì không tuân thủ các lệnh hạn chế tại Pháp. Bộ Nội vụ cho biết Pháp đã thực hiện 5,8 triệu lần kiểm tra an ninh từ khi áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để hạn chế dịch Covid-19 lây lan.
|
Trong ngày 1.4, Anh ghi nhận thêm 563 ca tử vong mới vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại đây lên 2.352 ca. Đến nay, Anh đã ghi nhận 29.865 ca nhiễm Covid-19. Ngoài ra, hôm qua, Anh cũng tiết lộ đã thực hiện 152.979 cuộc xét nghiệm Covid-19.
Chính phủ Anh khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm Covid-19 khi vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích là ứng phó với đại dịch không đủ mạnh. Trong ngày 1.4, giải quần vợt nổi tiếng Wimbledon đã bị hủy lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2 vì đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Anh.
Tại Trung Đông, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 3.036 và 277. Số ca nhiễm của hai quốc gia trên lần lượt là 47.593 và 15.679. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kéo dài thời gian thực hiện các lệnh hạn chế chống dịch Covid-19 đến ngày 8.4.
|
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Tổng thống Tayyip Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về tình hình đại dịch Covid-19. Cả hai nhà lãnh đạo quyết định chia sẻ các thông tin, số liệu về dịch bệnh này.
Là lãnh đạo quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, hôm 1.4, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo vô cùng ảm đạm: “Hai tuần tới đây sẽ vô cùng gian nan. Tôi muốn mỗi công dân Mỹ hãy chuẩn bị cho những ngày khó khăn phía trước”, theo AFP.
Ngay sau đó, thị trường Tokyo giảm 4,5% giá trị vào thời điểm đóng cửa và Singapore, Hồng Kông đều giảm hơn 2,2%. Các thị trường Mumbai và Seoul bị thổi bay hơn 3% giá trị, trong khi Thượng Hải, Đài Bắc và Jakarta đều tụt giá khi chốt hết ngày. Các cổ phiếu ở thị trường London, Paris và Frankfurt cũng rúng động vì tin tức xấu từ Mỹ.
|
Trước những diễn biến trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo những biến động kinh tế do Covid-19 đang mang đến là mối đe dọa thực sự cho hòa bình trên toàn cầu.
Trong nỗ lực tìm cách xoay chuyển cục diện, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 hôm 31.3 cam kết sẽ tìm cách giải quyết các khoản nợ của nhóm nước thu nhập thấp và cung cấp viện trợ cho các thị trường mới nổi.
Hồi tuần trước, các lãnh đạo G20 cũng cho biết họ đang bơm 5.000 tỉ USD vào kinh tế thế giới với hy vọng có thể trì hoãn tình trạng suy thoái sâu vì Covid-19 trong thời gian tới.
Mỹ
Covid-19
nhiễm Covid-19
suy thoái kinh tế
tử vong vì Covid-19
Tây Ban Nha
Tổng thống Donald Trump
đức
pháp
Ý
đại dịch Covid-19
tình hình dịch Covid-19 ngày 2/4
đại dịch Covid-19 lây lan
Bình luận (0)