'Hàng thiết yếu' thời Covid-19: bạn biết gì về máy thở?
13/04/2020 17:11 GMT+7
Khi diễn tiến của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, nhiều bệnh nhân có chuyển biến nặng phải dùng máy thở mới có thể duy trì sự sống và chống chọi với virus corona chủng mới. Vậy chính xác máy thở là gì và cách vận hành của nó như thế nào?
Tự động phát
Đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 ở tình trạng nặng, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhiễm trùng, máy thở cho họ cơ hội sống còn tốt nhất.
Máy thở là gì?
Nói một cách đơn giản, máy thở sẽ thay cơ thể “hít vào thở ra” khi bệnh nặng khiến phổi không thể tự hô hấp được. Nhờ vậy, bệnh nhân có thêm thời gian chiến đấu chống lại nhiễm trùng để hồi phục. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy thở đang được sử dụng nhưng được chia làm hai loại chính: máy thở cơ học (máy thở xâm lấn) và máy thở không xâm lấn (máy trợ thở).
|
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% bệnh nhân mắc Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra có thể tự hồi phục mà không cần điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, cứ mỗi 6 bệnh nhân thì sẽ có 1 ca trở nặng và có thể gặp khó khăn trong việc tự hô hấp.
Trong các trường hợp nghiêm trọng đó, virus có thể gây tổn hại cho phổi. Khi phát hiện điều này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ mở rộng các mạch máu để nhiều tế bào miễn dịch xâm nhập. Nhưng điều đó có thể khiến máu xâm nhập vào phổi, khiến bệnh nhân khó thở hơn và khiến lượng oxy trong cơ thể giảm xuống.
Máy thở cơ học vận hành như thế nào?
Để tránh điều đó xảy ra, máy thở được sử dụng để đẩy không khí có nồng độ oxy cao đi qua ống dẫn vào phổi. Máy thở cũng đồng thời có thêm máy tạo độ ẩm, giúp bổ sung nhiệt và độ ẩm vào không khí được bơm để phù hợp với nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Bệnh nhân được dùng thuốc để thư giãn các cơ hô hấp để việc thở của họ có thể được máy đảm trách toàn bộ.
|
Máy thở không xâm lấn để làm gì?
Những người có triệu chứng nhẹ hơn có thể được dùng máy hỗ trợ hô hấp qua mặt nạ. Máy trợ thở không xâm lấn bao gồm các loại máy thở 2 mức áp lực dương (BiPAP) và máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) – không cần đặt ống nội khí quản mà đưa oxy đến bệnh nhân qua mặt nạ ôm sát mặt, miệng và mũi. Các thiết bị này tạo áp lực dương trong khí quản để hỗ trợ hô hấp.
Loại máy thở nào được sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt?
Bệnh nhân được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) thường đã bị suy hô hấp cấp tính, cần nhanh chóng dùng máy thở cơ học để đảm bảo lượng oxy trong cơ thể vẫn bình thường. Bác sĩ Shondipon Laha thuộc Hiệp hội Chăm sóc Chuyên sâu Anh nói rằng đôi khi máy thở là “cách duy nhất để đưa oxy vào bệnh nhân”.
Tuy nhiên, cần phải có nhân viên đạt tiêu chuẩn vận hành vì “máy thở là một con thú phức tạp - nó có thể gây tổn thương cho bệnh nhân nếu không được thiết lập đúng cách”, ông giải thích.
|
Cải tiến cho máy thở không xâm lấn?
Có không ít bác sĩ e ngại việc sử dụng máy BiPAP và CPAP trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Thậm chí đã có thông tin rằng các thiết bị CPAP có thể làm lây nhiễm virus. Vụ việc này xảy ra tại một nhà dưỡng lão ở bang Washington, Mỹ, nơi có 19 ca tử vong vì Covid-19. Virus corona đã được phát hiện trên các thiết bị trợ thở CPAP tại đây.
Các nghiên cứu trong thời điểm dịch SARS năm 2003 cho thấy CPAP và các thiết bị tương tự “có thể bơm virus vào không khí, có khả năng làm tăng độ lây lan của bệnh truyền nhiễm”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng cải tiến để sử dụng các thiết bị này một cách an toàn, trong hoàn cảnh máy thở cơ học vẫn còn thiếu.
|
Một nhóm nghiên cứu ở Đại học California đã cải tiến một máy BiPAP để lấy oxy từ bình khí chứ không phải từ không khí trong phòng. Ống đặt khí quản được nối với một hệ thống lọc đôi để đảm bảo mầm bệnh như virus corona chủng mới sẽ không lây nhiễm.
Tương tự, các nhà khoa học tại Northwell Health, New York, đã hoán cải máy BiPAP, vốn cung cấp oxy qua mặt nạ, thành máy cung cấp oxy qua ống nội khi quản bằng những bộ phận được in 3-D. Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) đã bật đèn xanh để sử dụng các loại máy này làm máy thở.
Covid-19
máy thở cơ học
máy thở không xâm lấn
phòng chăm sóc đặc biệt
dịch Covid-19
BIPAP
máy thở
CPAP
Bình luận (0)