Tự động phát
Tại một khu vực hẻo lánh không dân cư ở tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), "Trại sao Hỏa" thu hút nhiều tò mò. Nằm ở vùng tây bắc của Trung Quốc, địa hình chủ yếu là sa mạc và rãnh gió của tỉnh Thanh Hải rất giống bề mặt của hành tinh đỏ.
Kể từ khi mở cửa cách đây 2 năm, đã có hàng chục ngàn du khách đến "Trại sao Hỏa" trải nghiệm cảm giác sống trong không gian. Và đây chỉ là một trong ít nhất 6 trại đã được thành lập trên khắp Trung Quốc.
Đằng sau sự quan tâm ngày càng tăng của người dân Trung Quốc đối với không gian là tham vọng của chính phủ nước này.
Phải đến năm 1992, Trung Quốc mới bắt đầu chương trình không gian có người lái, đi sau Mỹ và Nga nhiều thập niên. Dù khởi đầu muộn, tiến độ chương trình này diễn ra nhanh chóng.
|
Trung Quốc đưa "taikonaut" (phi hành gia) đầu tiên vào vũ trụ năm 2003 và đặt mô-đun tạm thời đầu tiên trên quỹ đạo năm 2011.
Vào năm 2019, Trung Quốc ghi tên vào lịch sử khi là quốc gia đầu tiên cho đáp tàu thăm dò ở phần tối của mặt trăng. Cuối năm 2020, tàu thăm dò này đã mang về trái đất những mẫu đá đầu tiên từ mặt trăng sau hơn 40 năm.
Hồi tháng 4.2021, Trung Quốc đưa thành công vào quỹ đạo mô đun trung tâm của Trạm vũ trụ Thiên Hà (CSS) được nước này thiết kế và lắp ráp độc lập. Mô đun này sẽ cung cấp chỗ ở cho các phi hành gia và trạm điều khiển trung tâm. CSS dự kiến hoạt động đầy đủ vào năm 2022.
Trung Quốc bị loại khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - dự án chung của Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản và EU - vì vậy CSS là cơ hội để nước này mở rộng ảnh hưởng ngoài không gian. Dự kiến một kính viễn vọng không gian sẽ được đặt trên CSS, với tầm nhìn gấp 300 lần so với kính thiên văn Hubble.
|
Mới nhất, tàu thăm dò Chúc Dung thuộc sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa. Trung Quốc chính thức là quốc gia thứ 2, sau Mỹ, triển khai tàu thăm dò trên sao Hỏa.
Tham vọng không gian của Bắc Kinh được nêu rõ trong Sách Trắng năm 2016. Theo đó, chính phủ nước này muốn "xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc không gian về mọi mặt", thách thức sự thống trị của Mỹ.
Khi phóng thành công Thiên Hà, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định "việc tăng cường chương trình không gian của quốc gia là bước đi chiến lược quan trọng sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc".
Những bước đi "chậm mà chắc" của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại về cuộc đua với Mỹ khi quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là chương trình không gian của Trung Quốc sẽ làm nghiêng cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc thế nào.
Các chuyên gia cho rằng không nên phóng đại khả năng không gian của Trung Quốc.
|
Trung Quốc hiện kêu gọi hợp tác không gian với một số quốc gia như Đức và Nga. Ba nước này đã ký một thỏa thuận về một trạm vũ trụ mặt trăng hồi tháng 3.2021.
Trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn trạm ISS. Tuổi thọ 10 năm của trạm cũng ít hơn đáng kể so với ISS. Ngoài ra, Trung Quốc mới nhận nhiều chỉ trích vì để phần còn lại của tên lửa đẩy Trường Chinh quay trở lại Trái Đất một cách không kiểm soát.
Vì vậy, có thể mục tiêu của chương trình không gian Trung Quốc không phải là Mỹ, mà là niềm tự hào của người dân. Một bình luận trên Weibo sau khi Thiên Hà được phóng thành công viết: "Chúng ta sẽ xây dựng trạm không gian bằng chính mình - đó là một thành tựu đáng kinh ngạc của người Trung Quốc".
Bình luận (0)