NASA chỉ trích Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn, để tên lửa rơi mất kiểm soát
10/05/2021 16:31 GMT+7
Ngày 9.5 vừa qua, mảnh vỡ từ tầng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã rơi mất kiểm soát xuống Ấn Độ Dương. Cùng ngày, NASA đưa ra một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc khi nước này đã không đáp ứng được tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến việc xử lý mảnh vỡ vũ trụ.
Tự động phát
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chỉ trích Trung Quốc vì đã không “đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm” sau khi mảnh vỡ từ tầng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã rơi mất kiểm soát xuống Ấn Độ Dương sáng ngày 9.5.
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Giám đốc NASA Bill Nelson nói: “Các quốc gia du hành không gian phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên trái đất khi các vật thể không gian tái nhập khí quyển, và tối đa hoá tính minh bạch liên quan đến các hoạt động đó.”
Ông nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc đã thất bại trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến mảnh vỡ vũ trụ”.
|
Tuy nhiên, hầu hết các bộ phận của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã bị thiêu rụi khi tái thâm nhập tầng khí quyển trước khi rơi xuống phía tây Maldives, theo Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc trong một bài đăng trên nền tảng WeChat.
Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cho biết, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã trở lại khí quyển trái đất trên bầu trời Bán đảo Ả Rập.
Cao gần 33 m, nặng hơn 18 tấn, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B nói trên được phóng lên hôm 29.4 để đưa mô đun chính đầu tiên của trạm không gian mới lên quỹ đạo. Sau khi cạn nhiên liệu, tên lửa này đã bay vòng mất kiểm soát xung quanh địa cầu cho đến khi bị trọng lực kéo rơi xuống.
|
Thông thường, cộng đồng vũ trụ quốc tế luôn tránh những tình huống như thế này. Phần lớn các tên lửa đẩy dùng để đưa vệ tinh và các vật thể khác vào không gian sẽ quay trở lại trái đất có kiểm soát để rơi xuống đại dương, hoặc bị bỏ lại ở nơi gọi là quỹ đạo “nghĩa địa” trong không gian.
Tuy nhiên, thiết kế của tên lửa Trường Chinh 5B “để lại những tầng lớn trong quỹ đạo thấp,” theo ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn ĐH Havard.
Trong trường hợp này, không thể chắc chắn chính xác tên lửa đẩy sẽ rơi xuống khi nào hay ở đâu.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B là một trong những vật thể lớn nhất quay lại trái đất trong tình trạng mất kiểm soát. Trước đó, một mảnh của phòng thí nghiệm không gian Trung Quốc đã rơi xuống Thái Bình Dương vào năm 2018, và vào năm 2020 một tên lửa đẩy Trường Chinh 5B 18 tấn cũng đã quay trở lại trái đất không kiểm soát.
|
Bất chấp những nỗ lực để quản lý và giảm thiểu các mảnh vỡ không gian, quỹ đạo trái đất vẫn còn hàng trăm ngàn mảnh rác thải vũ trụ không kiểm soát, phần lớn có kích thước dưới 10 cm.
Các vật thể vẫn luôn rơi khỏi quỹ đạo, dù hầu hết đều bị thiêu rụi trong bầu khí quyển trước khi rơi xuống bề mặt trái đất. Tuy nhiên, những vật thể lớn như tên lửa đẩy Trường Chinh vẫn có khả năng còn sót những mảnh nhỏ rơi xuống trái đất, đe dọa tài sản và tính mạng.
Theo ông McDowell, “Hiện không có luật pháp hay quy tắc quốc tế nào, nhưng thông lệ của các nước thám hiểm không gian là: ‘Đối với những tên lửa lớn, chúng ta đừng xả rác trong quỹ đạo như thế này.’”
tên lửa đẩy
NASA
quỹ đạo trái đất
tên lửa trung quốc
tên lửa Trường Chinh 5B
rơi không kiểm soát
mảnh vỡ vũ trụ
rác thải vũ trụ
Bình luận (0)