Pfizer muốn tiêm mũi bổ sung thứ 3 vắc xin Covid-19, lo công hiệu có thể giảm vì chủng Delta

10/07/2021 07:00 GMT+7

Pfizer dự kiến đề nghị cơ quan chức năng Mỹ cấp phép cho liều tiêm tăng cường đối với vắc xin Covid-19 của công ty này trong tháng 8.2021. Đề xuất này dựa trên bằng chứng cho thấy có nguy cơ tái nhiễm cao 6 tháng sau khi tiêm và mức độ nguy hiểm của biến thể Delta.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng người Mỹ đã tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19 không cần liều tiêm tăng cường ở thời điểm hiện tại.
Nhiều nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của liều tiêm tăng cường.
Mikael Dolsten, khoa học gia trưởng của Pfizer, cho biết gần đây có thông tin độ hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech đối với những người được tiêm hồi tháng 1 và tháng 2.2021 ở Israel đã giảm.
Tháng 6.2021, Bộ Y tế Israel cho biết độ hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong việc ngăn chặn ca nhiễm bệnh và ca bệnh có triệu chứng đã giảm còn 64%.

Israel nằm trong số các quốc gia có tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhanh nhất thế giới.

Reuters

Pfizer chưa công bố dữ liệu đầy đủ về Israel hôm 8.7, nhưng cho biết sẽ sớm công khai.
“Bộ dữ liệu dù nhỏ, nhưng theo tôi xu hướng là chính xác. Trong điều kiện Delta là biến thể truyền nhiễm mạnh nhất, 6 tháng sau khi tiêm, bệnh vẫn sẽ lây lan và tạo triệu chứng nhẹ”, theo ông Dolsten.
Còn trong tuyên bố chung, FDA và CDC nhấn mạnh sẽ chuẩn bị liều tiêm tăng cường “khi nào khoa học chứng tỏ cần thiết phải tiêm”.
Dữ liệu Pfizer thu thập ở Mỹ cho thấy 6 tháng sau khi tiêm vắc xin, độ hiệu quả giảm xuống còn khoảng 85% đối với các biến thể đang lưu truyền tại Mỹ hồi mùa xuân.
Tuy nhiên, ông Dolsten dẫn dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy dù mức độ kháng thể có suy yếu, vắc-xin vẫn đạt hiệu quả khoảng 95% đối với các ca bệnh nặng. Ông cũng cho biết theo nghiên cứu riêng của Pfizer, liều tiêm tăng cường thứ 3 sẽ nâng mức kháng thể lên từ gấp 5 đến 10 lần sau liều tiêm thứ 2.

Một lọ vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

AFP

Nhiều quốc gia ở châu Âu và các nơi khác cũng đang tiếp cận Pfizer để thảo luận về các liều tiêm tăng cường. Nhiều nước có thể sẽ cấp phép trước Mỹ.
Ông Dolsten nhấn mạnh các liều tiêm tăng cường đặc biệt quan trọng đối với nhóm những người cao tuổi.
Pfizer dự kiến sẽ sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng, có kiểm soát giả dược với liều tiêm tăng cường trên 10.000 người tham gia. Thử nghiệm này sẽ được tiến hành trong mùa thu năm 2021, nghĩa là không thể hoàn thành trước đơn đề xuất nộp lên FDA của Pfizer.
Ngoài ra, trên thế giới vẫn còn nhiều quốc gia thiếu vắc xin, thậm chí ở Mỹ, chính phủ vẫn phải nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin liều thứ 1 và thứ 2.
Ông Dolsten nói thêm Pfizer sẽ tìm cách tăng cường sản xuất vắc xin. Pfizer đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỉ liều trong năm 2021 và 4 tỉ liều trong năm sau. Pfizer và BioNTech cũng đang thiết kế phiên bản vắc xin Covid-19 mới để giải quyết biến thể Delta, dù khẳng định phiên bản hiện tại không cần thiết phải bị thay để chống lại Delta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.