Việt Nam có tên trong danh sách phân phối vắc xin Covid-19 của Mỹ

22/06/2021 13:39 GMT+7

Ngày 21.6, Nhà Trắng công bố kế hoạch phân phối 55 triệu liều vắc xin Covid-19. Đây là số vắc xin còn lại trong cam kết chia sẻ 80 triệu mũi tiêm trên toàn cầu trước cuối tháng 6.2021 của Tổng thống Joe Biden .

Trong số 55 triệu liều vắc xin, 41 triệu liều sẽ được chia sẻ thông qua COVAX - chương trình chia sẻ vắc xin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành để phân phối vắc xin toàn cầu một cách công bằng.
Khoảng 16 triệu liều sẽ được chia cho châu Á. Cụ thể các quốc gia châu Á được nhận những liều vắc xin này gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 14 triệu liều vắc xin sẽ được đưa đến cho các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean và 10 triệu liều tiêm sẽ đến châu Phi.
Ngoài ra, Nhà Trắng cho biết 14 triệu liều vắc xin còn lại trong 55 triệu liều cũng sẽ được Mỹ đưa trực tiếp đến các nước có nhu cầu. Khu vực Đông Nam Á có Philippines, Việt Nam và Indonesia nằm trong danh sách này.
Nhà Trắng nhấn mạnh "Mỹ sẽ không dùng vắc xin để tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia khác". Chính quyền Tổng thống Biden sẽ công bố các loại vắc xin và số lượng cụ thể sau khi giải quyết công tác hậu cần.
Với việc công bố kế hoạch này, 80 triệu liều vắc xin ông Biden cam kết chia sẻ trước cuối tháng 6 đã có điểm đến. Đầu tháng 6.2021, Nhà Trắng đã thông báo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vắc xin với COVAX và các nước có nhu cầu. Khoảng 75% trong số 80 triệu mũi tiêm được chuyển cho COVAX. 25% còn lại được Mỹ gửi trực tiếp đến nơi nhận.
Tuy vậy, ông Biden có thể sẽ không đạt được mục tiêu đưa vắc xin đến nơi nhận vào cuối tháng 6 vì các vấn đề hậu cần như trở ngại vận chuyển và rào cản ngôn ngữ đã làm chậm quá trình này.
Trong một thông tin có liên quan, hôm 21.6, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori đã khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo tất cả người dân Việt Nam được tiêm vắc xin Covid-19, làm cơ sở để phục hồi và phát triển bền vững. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.