WHO lập nhóm cố vấn điều tra nguồn gốc Covid-19, Trung Quốc vẫn phản đối cung cấp dữ liệu thô bệnh nhân Vũ Hán

14/08/2021 17:50 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đang lập một nhóm mới để truy tìm nguồn gốc Covid-19 nhằm tìm cách chấm dứt tình trạng "ghi điểm chính trị" đã cản trở các cuộc điều tra liên quan.

Việc WHO cho đến nay vẫn chưa thể nói rõ virus bắt đầu lây lan từ đâu và từ khi nào đã làm nặng nề thêm căng thẳng giữa các thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, nơi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán vào cuối năm 2019, và Mỹ. 
WHO đã kêu gọi tất cả chính phủ hợp tác tăng tốc nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 và "phi chính trị hóa tình hình". 
Phát ngôn viên WHO Fadela Chaib hôm 13.8 nói: "Chúng ta nên làm việc cùng nhau. Bạn, tôi và tất cả mọi người đều muốn biết nguồn gốc của đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ". 

WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô về những ca Covid-19 đầu tiên ở nước này.

Reuters

Tổ chức này đã thành lập một nhóm cố vấn có tên "Nhóm cố vấn khoa học quốc tế về nguồn gốc những mầm bệnh mới" để hỗ trợ đẩy nhanh các nghiên cứu sâu hơn. 
Washington hôm 13.8 hoan nghênh kế hoạch này của WHO, lưu ý rằng "cần nhấn mạnh vào nghiên cứu dựa trên khoa học và hành động dựa trên số liệu thực tế nhằm tìm ra nguồn gốc đại dịch này để chúng ta có thể phát hiện, phòng ngừa và ứng phó tốt hơn các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai", theo Reuters. 
Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu đã dành 4 tuần ở Vũ Hán và các vùng lân cận để làm việc cùng các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Trong bản báo cáo chung công bố vào tháng 3, nhóm cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã bị truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác. Báo cáo cũng khẳng định rằng khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra. 
Tuy nhiên, WHO hôm 12.8 đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô của các ca bệnh Covid-19 đầu tiên để tiến hành thêm cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh. 
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc ngày 13.8 trả lời báo chí rằng cần công nhận kết luận của cuộc điều tra tại Trung Quốc, và xem việc đề nghị cung cấp thêm dữ liệu là có động cơ chính trị hơn là một cuộc điều tra mang tính khoa học, theo AFP. 
Ông nói Trung Quốc không từ chối hợp tác truy vết nguồn gốc COVID-19, nhưng cho rằng các cuộc điều tra trong tương lai "chỉ có thể được tiến hành dựa trên kết luận của báo cáo ban đầu, hơn là bắt đầu điều tra lại hết từ đầu".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.