WHO xem pha trộn, kết hợp vắc xin Covid-19 là 'xu hướng nguy hiểm'

13/07/2021 19:27 GMT+7

Ngày 12.7, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo không nên pha trộn hay kết hợp vắc xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, và gọi đây là một "xu hướng nguy hiểm" vì có rất ít dữ liệu về tác động của nó đến sức khỏe .

Tiến sĩ Soumya Swaminatha, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12.7 đã khuyến cáo không nên pha trộn và kết hợp vắc xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau. Bà cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì có rất ít thông tin về việc này. 
Bà đưa ra nhận xét của mình về vấn đề này trong cuộc họp giao ban trực tuyến mới nhất của WHO: "Đây là một xu hướng hơi nguy hiểm. Chúng ta đang không có dữ liệu hay bằng chứng ủng hộ cho việc pha trộn và kết hợp vắc xin. Và điều này sẽ gây ra tình tình hỗn loạn ở các nước nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ được tiêm liều thứ 2, thứ 3, thứ 4". 
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang cân nhắc xem liệu những người đã tiêm liều vắc xin đơn của Johnson & Johnson có nên tiêm nhắc lại vắc xin Pfizer hay Moderna không. Vì có nhiều bằng chứng cho thấy vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA có hiệu quả hơn đối với biến thể Delta dễ lây nhiễm. 

Một nhân viên y tế được tiêm vắc xin Pfizer tại trung tâm tiêm chủng ở Nantes (Pháp).

Reuters

Tiến sĩ Angela Rasmussen, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức vắc xin và bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan (Canada) là một trong những người đã pha trộn và kết hợp vắc xin. Nhà nghiên cứu này đã nhận được nhiều quan tâm sau khi bà đăng tải lên Twitter rằng bà đã tiêm vắc xin Pfizer vào tháng 6, 2 tháng sau khi tiêm mũi Johnson & Johnson. 
Bà Rasmussen cũng khuyên những người đã từng được tiêm vắc xin Johnson & Johnson, đặc biệt là những người đang sống ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nên nói chuyện với bác sĩ về việc chích ngừa kết hợp này. 
Pfizer đang thúc đẩy các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu cho phép tiêm mũi nhắc lại thứ 3 để bổ sung cho cơ chế tiêm 2 liều của họ. Tuy nhiên giới chức y tế, bao gồm nhà khoa học trưởng của WHO, nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy cần phải tiêm liều thứ 3. 
"Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu, không thể chỉ dựa trên các công ty riêng lẻ".

Vắc xin ngừa Covid-19 do Pfizer sản xuất.

Reuters

 
Tổng giám đốc WHO hôm 12.7 cho hay thay vì cung cấp liều vắc xin tăng cường cho các nước giàu có tỷ lệ tiêm chủng cao, các công ty như Pfizer nên gửi số vắc xin này đến các nước nghèo hơn - nơi đa số người dân vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên và rất cần vắc xin để chống lại biến thể Delta đang "xé toạc thế giới với tốc độ kinh hoàng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.