Bản tin Covid-19 ngày 1.9: Nhiều tỉnh thành tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

01/09/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid -19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 1.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 1.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Ngày 1.9: Cả nước ghi nhận 11.434 ca Covid-19, 9.862 ca khỏi

Bản tin tối 1.9 của Bộ Y tế cho biết tính từ 17 giờ ngày 31.8 đến 17h ngày 1.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.434 ca nhiễm mới, có 9.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.
Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận có 797 ca Covid-19 tử vong tại 18 tỉnh, thành phố trong 2 ngày gần đây. Trong đó, ngày 31.8 có 433 ca và ngày 1.9 có 364 ca; nâng tổng số ca Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 11.868 ca.

Ngày 1.9: Cả nước 11.434 ca Covid-19, 9.862 ca khỏi | TP.HCM 5.368 ca | Bình Dương 3.440 ca

Thông tin cụ thể về 11.434 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 1.9 như sau:
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.429 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.759 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.368), Bình Dương (3.440), Đồng Nai (759), Long An (594), Tiền Giang (194), Khánh Hòa (112), Kiên Giang (106), Quảng Bình (103), Tây Ninh (85), Đồng Tháp (75), An Giang (70), Nghệ An (57), Đà Nẵng (55), Bình Thuận (53), Hà Nội (51), Cần Thơ (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (29), Phú Yên (23), Sóc Trăng (20), Đắk Lắk (20), Quảng Trị (20), Trà Vinh (18), Quảng Ngãi (18), Thừa Thiên - Huế (17), Bến Tre (17), Bình Định (15), Sơn La (12), Nam Định (10), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Ninh Thuận (6), Hậu Giang (5), Gia Lai (4), Lạng Sơn (4), Bạc Liêu (4), Quảng Nam (3), Bắc Ninh (3), Đắk Nông (3), Hà Tĩnh (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.162 ca. Tại TP.HCM giảm 76 ca, Bình Dương giảm 1.090 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An tăng 7 ca, Tiền Giang giảm 20 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311 ca, trong đó có 245.948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên.
+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum, Vĩnh Phúc.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (226.622), Bình Dương (118.228), Đồng Nai (24.525), Long An (22.638), Tiền Giang (9.846).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 248.722
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.334 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.032
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.227
- Thở máy không xâm lấn: 144
- Thở máy xâm lấn: 907
- ECMO: 24

Ngày 1.9: Thông báo 797 ca Covid-19 tử vong trong 2 ngày

Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận có 797 ca Covid-19 tử vong tại 18 tỉnh, thành phố trong 2 ngày gần đây. Trong đó, ngày 31.8 có 433 ca và ngày 1.9 có 364 ca. Gồm: TP.HCM (658), Bình Dương (78), Long An (14), Đồng Nai (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (9), Đà Nẵng (4), Khánh Hòa (4), Bình Phước (3), Hà Nội (2), Ninh Thuận (2), Thừa Thiên-Huế (2), Bà Rịa-Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 14.385.183 mẫu cho 34.503.546 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 20.210.381 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.

Nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội 

Với diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, vài ngày vừa qua, nhiều tỉnh thành phố khu vực phía Nam đã có quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và thực hiện "xanh hóa" địa bàn.
Theo đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các thành phố, thị xã Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên kể từ 0h ngày 1.9 đến hết ngày 15.9 theo Chỉ thị 16 và thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn 15 phường thuộc các TP.Thuận An, Dĩ An và TX.Tân Uyên trong thời gian nêu trên.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo kể từ 0h ngày 1.9 đến hết ngày 5.9 theo Chỉ thị 16; không thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1.9 đến hết ngày 15.9 theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.

Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người đã tiêm 1 mũi đủ thời gian

Tại Long An, sau 43 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương thuộc “vùng đỏ.” Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, chiều 30/8, UBND tỉnh Long An cho biết, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh. Cụ thể, các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Cần Đước, Tân Trụ và thành phố Tân An áp dụng từ 0h ngày 31.8 đến hết ngày 13.9.
Thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 31.8 đến hết ngày 6.9.
Tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 10 Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thêm 10 ngày, kể từ 31.8 theo nguyên tắc gia đình giãn cách với gia đình, ấp, khóm giãn cách với ấp khóm, xã giãn cách với xã.
Tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 30.8.
Tại Kiên giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thống nhất toàn tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 6.9 theo nguyên tắc ai ở đâu thì ở đó.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định từ 31.8 đến hết ngày 15.9 sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, TX.Cai Lậy, TX.Gò Công. Đồng thời, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 trên địa bàn 4 huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Tân Phước và Tân Phú Đông. UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục yêu cầu người dân trên địa bàn tỉnh không ra đường từ 18h đến 5h sáng hôm sau.
Tại Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa ký ban hành Công văn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh kể từ 30.8 đến 0 giờ ngày 10.9

Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP.HCM đang trong giới hạn của WHO

Tại buổi họp báo định kỳ chiều tối qua (31.8), trả lời câu hỏi của phóng viên về tỷ lệ ca mắc Covid-19 tử vong ở TP.HCM hiện nay ở mức nào và những giải pháp kéo giảm tỷ lệ tử vong của ngành y tế thành phố, GS-TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến sáng 31.8, TP.HCM có hơn 59.000 F0 đang cách ly, chăm sóc tại nhà.
Về tỷ lệ tử vong, con số đang điều trị tại các bệnh viện là 158.265 ca bệnh (cộng dồn), số ca tử vong đến ngày 31.8 là 9.204 người thì tỷ lệ tử vong khoảng 5,8%. Trong trường hợp cộng thêm 59.000 F0 điều trị tại nhà (tổng số F0 là hơn 217.000 người) thì tỷ lệ tử vong khoảng 4,2%.

Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP.HCM đang trong giới hạn của WHO

“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc Covid-19 tử vong dao động từ 2,1 - 4,4%. Nhìn chung ở TP.HCM, tỷ lệ tử vong đang nằm trong giới hạn của WHO nhưng ở mức giới hạn cao. Đây cũng là việc mà ngành y tế thành phố đang tìm mọi cách để cố gắng kéo giảm tỷ lệ tử vong”, ông Châu nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số ca tử vong sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của thành phố. Lý do, khi có ca dương tính thì sẽ có độ trễ khoảng 5 - 7 ngày mới có triệu chứng và diễn biến nặng. Khi nhiễm Covid-19, trong 5 ngày đầu là giai đoạn vi rút phát triển, cơ thể có thể sốt, đau, nghẹt mũi, mất khứu giác... 
GS Châu cho biết thông thường 80% trường hợp nhiễm tới ngày 5 - 6 sẽ thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn tiến nặng từ ngày 7 - 10 trở đi, đường hô hấp bị tổn thương, bị viêm phổi nặng sẽ phải nhập viện.
“Như vậy sẽ có độ trễ từ 7 - 10 ngày kể từ đỉnh ca mắc trong cộng đồng tăng lên. Từ lúc bệnh nhân nhập viện sẽ được điều trị tích cực, thở ô xy, có thể nặng hơn nữa thì thở máy xâm lấn, có những ca rất nặng không thể cứu chữa”, ông Châu phân tích và dự báo trong tuần tới thì tỷ lệ số ca tử vong mới có hy vọng giảm đi.

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tử vong trong những ngày qua

BCĐ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TP.HCM

Hiện TP.HCM có 9.336 trường hợp bệnh nhân nặng phải hồi sức, bao gồm 1.030 trường hợp thở máy xâm lấn và 18 trường hợp phải can thiệp ECMO (là biện pháp cuối cùng). Muốn cải thiện số ca tử vong thì cần thời gian, đồng thời ngăn được các ca mắc mới.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay thông thường 80% trường hợp mắc mới không có biểu hiện triệu chứng nhưng có khoảng 10% sẽ nặng, trong 10% này có khoảng 5% cần điều trị, điều trị không khỏi sẽ tử vong. Do đó, nếu số ca mắc mới cùng lúc rất nhiều thì sẽ dẫn đến số ca hồi sức nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống điều trị và khiến số ca tử vong tăng. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là đừng để số ca mắc mới nhiều.
“Hiện nay, khi thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách xã hội nghiêm ngặt cùng với tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giảm số ca mắc mới cùng lúc. Rất mong người dân ý thức vấn đề này, giãn cách xã hội nghiêm túc để tránh nhiễm bệnh”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kêu gọi.

Khởi tố ông Hồ Hữu Nhân - người tự xưng ‘Ban chỉ đạo quận 7’ gây rối ở siêu thị 

Ngày 1.9.2021, theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.7 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồ Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM) để điều tra làm rõ hành vi "giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác" theo điều 339 Bộ luật hình sự.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, chiều 29.8.2021, ông Hồ Hữu Nhân lái xe chở vợ đến Trung tâm thương mại Aeon Citimart Q.7 để mua sữa cho con. Do tình hình dịch Covid-19, siêu thị không bán hàng trực tiếp cho người dân nên đã hướng dẫn vợ chồng ông Nhân đặt hàng online. Tuy nhiên tại đây, ông Nhân đã phản ứng lại lực lượng an ninh của siêu thị và một mực đòi vào bên trong mua hàng. Ông còn tự xưng là “Ban chỉ đạo Q.7” và đưa ra tấm thẻ để buộc nhân viên cho mình vào trong.

Khởi tố ông Hồ Hữu Nhân - người tự xưng ‘Ban chỉ đạo quận 7’ gây rối ở siêu thị

Sau khi sự việc lan truyền và gây xôn xao dư luận, công an Q.7 (TP.HCM) đã vào cuộc điều tra, xác minh và mời ông Hồ Hữu Nhân đến làm việc.
Về việc ông Hồ Hữu Nhân tự xưng mình là “Ban chỉ đạo Q.7”, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác minh ông Nhân không nằm trong Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quận 7 cũng như bất kỳ tổ chức phòng chống dịch nào trên địa bàn.
Về tấm thẻ mà ông Nhân sử dụng để hù dọa nhân viên siêu thị, theo cơ quan chức năng, ông Nhân không được "Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Q.7" cấp thẻ công vụ.
Qua làm việc, ông Hồ Hữu Nhân trình bày tấm thẻ là do một người bạn của ông đưa cho. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.7 (TP.HCM) tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

AstraZeneca bàn giao hơn 2 triệu liều vắc xin cho Việt Nam

Sáng 1.9, tin từ Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) cho biết, trong tuần này, AstraZeneca đã chuyển thêm 3 lô vắc xin Covid-19 về Việt Nam, với tổng số hơn 2 triệu liều.
Theo VNVC, đây là đợt giao vắc xin có số lượng lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Như vậy, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 10,1 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, trên tổng số khoảng 19,1 triệu liều vắc xin này tại Việt Nam, được cung cấp qua VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước. Vắc xin của AstraZeneca hiện chiếm khoảng 62% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước.

Đợt giao vắc xin Covid-19 AstraZeneca lớn nhất cho Việt Nam với hơn 2 triệu liều

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi cho biết: “Hiện nay khi hàng triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca tiếp tục được tiêm chủng và góp phần bảo vệ người dân trên khắp cả nước, chúng tôi rất biết ơn sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, cũng như sự hợp tác và phối hợp hết lòng từ phía VNVC. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin Covid-19 cho Việt Nam một cách nhanh nhất có thể để đại dịch sớm kết thúc và người dân được quay trở lại cuộc sống bình thường”.

Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm 1 mũi đủ thời gian

Trong công văn vừa gửi tới Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế cho biết, đến sáng 1.9, sau hơn 5 tháng triển khai, Việt Nam đã tiêm hơn 20 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người dân, trong đó có khoảng 2,7 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Để đảm bảo tiêm đủ mũi (đủ liều) cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 (một liều) đủ thời gian, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian, chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc xin. 
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở tiêm chủng sử dụng loại vắc xin để tiêm mũi 2 theo hướng dẫn tại Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27.7.2021 của Bộ về tiêm 2 liều vắc xin phòng Covid-19.

Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người đã tiêm 1 mũi đủ thời gian

Theo đó, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 - 12 tuần.
Không sử dụng vắc xin do Modema sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca.
Với những người đã tiêm vắc xin do Sinopharm, Pfizer, Modema sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong công văn mới ban hành ngày 1.9, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên hệ ngay với Viện Vệ sinh dịch tễ hoặc Viện Pasteur, hoặc các quân khu để tiếp nhận, vận chuyển vắc xin về đơn vị theo quyết định phân bổ vắc xin theo từng đợt của Bộ Y tế, báo cáo hàng ngày và báo cáo sau khi kết thúc đợt tiêm chủng gửi về Bộ này. 
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo riêng nếu có triển khai tiêm mũi 2 vắc xin do hãng Pfizer sản xuất cho đối tượng đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau, gồm: 17 triệu liều vắc xin AstraZeneca; hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna; khoảng 3 triệu liều vắc xin Pfizer; 2,5 triệu liều vắc xin Sinopharm; và 12.000 liều vắc xin Sputnik V. Bộ Y tế cho biết đã phân bổ hầu hết số vắc xin đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.

Xe phát rau củ bằng máng trượt độc đáo 

Ngày 1.9, Mạng xã hội chia sẻ đoạn clip một nhóm người mặc đồ bảo hộ ngồi trên xe tải phát rau củ quả cho người dân thông qua máng trượt. Nhiều người tấm tắc khen 'vừa sáng tạo, vừa an toàn', đảm bảo 5K trong ngày dịch Covid-19.
Theo đoạn clip được chia sẻ, có 2 người mặc đồ bảo hộ kín mít ngồi trên một chiếc xe tải chở đầy các túi rau củ quả. Chiếc xe này chạy với tốc độ chậm, tài xế trên xe bóp kèn để thông báo cho người dân trong khi các thành viên trên xe liên tục gửi những túi rau củ cho bà con thông qua máng trượt được lắp ở phần đuôi xe. Những người dân ở đây như đã quen thuộc từ trước, nhanh chóng tiến ra nhận hàng. Nhờ việc giao nhận như vậy mà cả người nhận và người cho đều hạn chế tiếp xúc với nhau.

Độc đáo xe phát rau củ cho dân bằng máng trượt ở An Giang trong dịch Covid-19

Phía sau xe tải chở rau là giọng một người đàn ông quay clip, nhắc nhở: “Mỗi nhà một bọc nha chú ơi, lấy hết ở đằng kia người ta không có tội nghiệp người ta. Mỗi nhà một bọc dùm bà con ơi. Chia sớt nhau bà con ơi kẻo người phía sau không có. Lúc này khó khăn tụi con mua rau cũng khó nữa” khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Độc đáo phát rau củ quả bằng máng trượt: Dân ấm lòng nhận, khen sáng tạo1

Cách phát rau này được dân mạng khen sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn vừa đỡ cực cho người trao

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Nhiều cư dân mạng tấm tắc khen sự sáng tạo cũng như tấm lòng chia sẻ của nhóm phát rau trong thời điểm này. Tài khoản C.X.M bình luận: “Duyệt vì quá tuyệt. Đâu cần hình thức, hào nhoáng, tuyên truyền chi cho mệt. Hiệu quả”. Facebooker Mai Hương bày tỏ: “Hay quá! Không sợ tiếp xúc gần. Thêm nữa là người tặng rau củ không bị mệt”. “Thương quá! Cần có thêm những tấm lòng như vậy”, “Hơn cả 5K, không tốn sức mà hiệu quả rất ok”... nhiều người không tiếc lời khen. 
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc hỗ trợ rau củ quả độc đáo này được UB MTTQ VN xã Vĩnh An, H.Châu Thành, An Giang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các mạnh thường quân tại địa phương thực hiện suốt 10 ngày qua. 
Trước một số ý kiến cho rằng việc phát rau thông quá máng trượt như vậy là phản cảm, không tôn trọng người dân, ông cho biết thời điểm này, sức khỏe và sự an toàn của người dân là trên hết. Điều quan trọng nữa là cả người nhận và người cho đều thấu hiểu tấm lòng của nhau. Dự kiến việc hỗ trợ này sẽ tiếp tục duy trì đến khi hết dịch Covid-19, “đến khi người dân không còn cần sự hỗ trợ nữa thì thôi”, ông Nơ cho hay.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 1.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.