Bản tin Covid-19 ngày 25.8: Nhiều địa phương duy trì giãn cách xã hội nghiêm ngặt
25/08/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 25.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Ngày 25.8: Cả nước ghi nhận 12.096 ca Covid-19
Bản tin của Bộ Y tế tế tối 25.8 cho biết tính từ 18h ngày 24/8 đến 18h ngày 25.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới.
- 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25.8.
Ngày 24.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 9.349 ca.
Thông tin về 12.096 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố trong ngày 25.8 như sau:
- 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.093 ca ghi nhận trong nước, ) trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.294), Bình Dương (4.129), Đồng Nai (618), Long An (460), Tiền Giang (319), Đà Nẵng (162), Khánh Hòa (150), Tây Ninh (119), Bình Thuận (106), Hà Nội (96), Nghệ An (95), Đồng Tháp (93), Cần Thơ (90), Bà Rịa - Vũng Tàu (75), An Giang (50), Đắk Lắk (40), Cà Mau (28), Phú Yên (27), Trà Vinh (24), Kiên Giang (23), Bình Định (18), Hà Tĩnh (15), Quảng Nam (9), Bạc Liêu (7), Bình Phước (7), Ninh Thuận (6), Vĩnh Long (5), Đắk Nông (5), Sơn La (4), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (4), Thanh Hóa (3), Bắc Ninh (3), Thái Bình (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Bình (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Tại TP.HCM tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 381.363 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó có 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (190.166), Bình Dương (81.182), Đồng Nai (19.728), Long An (19.046), Tiền Giang (8.155).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 169.921 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 749 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
Ngày 24.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (266), Bình Dương (31), Long An (16), Đồng Nai (13), Đà Nẵng (3), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Thừa Thiên Huế (1), Tiền Giang (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 25.8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (là 2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 10.370.358 mẫu cho 29.387.170 lượt người.
Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 18.095.473 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.056.222 liều, tiêm mũi 2 là 2.039.251 liều.
Kêu gọi khẩn cấp ủng hộ công nhân các tỉnh phía nam khó khăn do Covid-19
Sáng nay, 25.8, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ khẩn cấp công nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó công nhân là đối tượng dễ bị tổn thương, đang gặp nhiều khó khăn về việc làm, sức khỏe, đời sống.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện cả nước có hơn 36.000 công nhân mắc Covid-19, trong đó nhiều người đã tử vong, hơn 600.000 công nhân là F1 và F2 hoặc đang trong khu vực phong tỏa. Dịch bệnh nguy hiểm và kéo dài khiến hàng triệu công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống rất khó khăn.
Mặc dù được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, các nhà hảo tâm hỗ trợ, nhưng do thời gian giãn cách kéo dài, trên diện rộng, phần lớn công nhân là lao động di cư không có người thân trên cùng địa bàn, không có tích lũy, nên gặp nhiều khó khăn, có gia đình đặc biệt khó khăn.
“Để kịp thời hỗ trợ hàng vạn công nhân các tỉnh phía nam, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi công chức, viên chức, người lao động cả nước, các doanh nghiệp, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đóng góp ủng hộ khẩn cấp công nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi, mỗi cán bộ, công chức, viên chức không bị ảnh hưởng lớn đến thu nhập do Covid-19 ủng hộ một ngày lương. Công nhân, người lao động không bị ảnh hưởng lớn đến thu nhập do Covid -19 ủng hộ tùy khả năng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ theo khả năng bằng tiền, khẩu trang, nhu yếu phẩm...
Thời gian ủng hộ từ 25.8 - 15.10. "Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh phía nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Mỗi nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân lúc này đều là sự chung tay giúp nước ta sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19”, ông Khang nhấn mạnh.
Chạy khắp nơi mua thuốc hộ cho F0 điều trị tại nhà
Những ngày qua, khi TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19 "Ai ở đâu ở yên đó", Đoàn P.4 (Q.5, TP.HCM) đã tổ chức các tổ công tác với nhiệm vụ mua nhu yếu phẩm và thuốc men để người dân yên tâm ở nhà phòng dịch.
Không chỉ đi chợ, mua thuốc hộ cho gần 200 hộ dân trong phường 4, (quận 5), tổ công tác còn có sẵn những túi thuốc miễn phí cùng F0 chiến thắng dịch bệnh. Sau gần 2 tuần triển khai, đoàn phường đã phát được 40 túi cho 40 hộ có F0. Vài ngày nay, khi có tham gia hỗ trợ của lực lượng quân đội, công việc của tình nguyện viên cũng được san sẻ phần nào.
Túi thuốc gồm các loại thuốc theo khuyến cáo của Bộ Y tế như vitamin C, nước muối… Trên mỗi túi thuốc còn có số điện thoại tổ phản ứng nhanh, mã QR để F0 tiện trao đổi với nhân viên y tế khi cần hỗ trợ.
|
Chiều 23.8, chiến sĩ Nguyễn Thành Nam cùng anh Võ Đông Hồ gửi những túi thuốc đến một gia đình có 6 F0 trên đường An Dương Vương. Những túi thuốc được đặt trước cửa, sau khi rời đi, các thành viên trong gia đình đang tự cách ly, điều trị tại nhà mới ra nhận.
Theo Quận đoàn Q.5, chương trình dự kiến trao 2.000 túi thuốc đến các F0 đang điều trị tại nhà ở quận 5, trong đó, ưu tiên các phường có nhiều F0. Đến nay, Quận đoàn Q.5 đã trao khoảng 700 túi thuốc đến các F0.
TP.HCM kiến nghị cơ sở y tế tư nhân được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19
Thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19 là một trong những đề nghị được đề cập trong văn bản kiến nghị của UBND TP.HCM gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính cách đây 2 ngày về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hiện TP.HCM đang tiếp tục huy động nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện người dân mắc bệnh Covid-19 đang được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập.
Theo UBND TP.HCM, qua khảo sát và trao đổi ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Cụ thể, cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua sắm cùng một loại thuốc, vật tự y tế... cao hơn so với giá mua của các cơ sở y tế công lập. Cơ số sử dụng các vật tư như: khẩu trang, đồ bảo hộ... tại cơ sở y tế tư nhân cũng cao hơn tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra, lương nhân viên tại cơ sở y tế tư nhân cao gấp nhiều lần lương của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập.
Thực tế nêu trên khiến việc dùng ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp khó khăn. Đơn cử, trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Còn nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh thì dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, và cũng không có cơ sở để thanh toán khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước chi trả nhưng chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
Đà Nẵng công bố áp dụng thêm 10 ngày “ai ở đâu thì ở đó” dập Covid-19
Trưa 25.8, UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 8 giờ ngày 26.8 đến 8 giờ ngày 5.9, toàn TP tiếp tục áp dụng biện pháp thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định 2788.
Với quyết định này, toàn TP.Đà Nẵng sẽ phong tỏa thêm 10 ngày nữa để chống dịch Covid-19.
Điểm mới là, TP.Đà Nẵng tuy phong tỏa nhưng bên trong TP sẽ xác định rõ các địa bàn với mức độ nguy cơ dịch bệnh tương ứng để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cụ thể, những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; phải áp dụng biện pháp theo quy định của Bộ Y tế.
Những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa để giảm mức độ nguy cơ.
Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) sẽ do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong đó, vùng xanh theo quy mô cấp phường, xã sẽ áp dụng các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị 05 ngày 30.7 của Chủ tịch UBND TP. Trường hợp phát sinh ca bệnh Covid-19, căn cứ hướng dẫn của ngành y tế, quyết định chuyển sang vùng vàng hoặc vùng đỏ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.
Vùng xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã được áp dụng các biện pháp để bảo vệ vùng xanh, không để có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Chưa có chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, có được tiêm mũi 2?
Một số bạn đọc của Thanh Niên nêu ý kiến băn khoăn: "Tôi đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 nhưng trên hệ thống cổng thông tin tiêm chủng chưa cập nhật thông tin và cũng chưa được nơi tiêm cấp giấy chứng nhận, như vậy, có được tiêm mũi 2 không và làm sao để được tiêm mũi 2?".
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho hay sau khi tiêm mũi 1, hầu hết người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm của cơ sở tiêm chủng và lần sau đi tiêm mũi 2 thì mang đi để được xác nhận tiêm mũi 2.
Theo ông Nam, trường hợp sau khi tiêm mũi 1 chưa có chứng nhận tiêm trên hệ thống tiêm chủng có thể do nhiều cơ sở tiêm chưa triển khai tiêm trên nền tảng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nên dẫn đến chưa có thông tin chứng nhận tiêm điện tử trên Cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn, trên app Sổ sức khỏe điện tử; hoặc do tiến độ cập nhật thông tin chưa theo kịp với số trường hợp đã tiêm thực tế.
"Với các trường hợp này, người dân vẫn được tiêm mũi 2 vì đã nằm trong danh sách kế hoạch tiêm của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi cho cơ sở tiêm vắc xin khi đến lịch tiêm mũi 2", Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết.
Ngoài ra, trường hợp đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 nhưng bị thất lạc giấy xác nhận, người dân vẫn được tiêm mũi 2. “Vì, cũng tương tự như trường hợp nêu trên, khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú hoặc đơn vị tiêm chủng sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2, căn cứ trên danh sách đã lưu".
Tuy nhiên, ông Nam lưu ý, để tiêm mũi 2, người dân cũng cần đăng ký tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn, hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.
Cũng theo ông Nam, những người đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định, nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo lịch tiêm mũi 2.
Thông tin từ 1 số đơn vị tiêm chủng như VNVC, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức..., đều có các tin nhắn thông báo hẹn giờ tiêm, do đó, người đi tiêm cần thực hiện đúng để đảm bảo giãn cách, không tập trung đông tại cùng thời điểm. Thông báo này cũng thay cho giấy báo tiêm chủng, để được di chuyển tại thời điểm địa phương có giãn cách.
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 3 - 12 tuần, tùy thuộc vào nhà sản xuất khác nhau.
2 xe cấp cứu tông nhau, F1 Covid-19 ở Đà Nẵng tử vong
Ngày 25.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) xác nhận vụ tai nạn giữa 2 xe cấp cứu xảy ra ở ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Hải Châu) là xe cấp cứu của Trung tâm y tế quận Sơn Trà đang trên đường chở bệnh nhân ở khu cách ly tập trung đi cấp cứu.
Theo đó, vào lúc 7 giờ 40 phút, ngày 24.8.2021, xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chở 1 trường hợp F1, 85 tuổi, trú P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà đang thực hiện cách ly tập trung tại Trường THCS Cao Thắng (Q.Sơn Trà) đi cấp cứu vì tai biến mạch máu não.
Trên xe cấp cứu lúc này có 4 người gồm: tài xế, 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và bệnh nhân V. Khi xe cấp cứu này chạy trên đường Quang Trung hướng từ sông Hàn đi Bệnh viện Đà Nẵng, đến ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai thì bất ngờ va chạm với một xe cứu thương tư nhân mang BKS 43B - 055.25 chạy hướng cắt ngang.
Theo bác sĩ Nam, sau cú va chạm, ông V. được lực lượng y tế đưa vào BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng gần đó cấp cứu, sau đó bệnh nhân đã tử vong. Lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với bệnh nhân V. cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.Thông tin thêm về trường hợp bệnh nhân V., bác sĩ Nam cho biết gia đình ông V. có 2 F0 và 4 F1 trong đó có ông V.
Ông Nam cũng cho hay, chiếc xe cấp cứu này gắn biển “xe xin số”, trung tâm mới nhận do một ngân hàng tài trợ cách đây 10 ngày. Sau va chạm, bác sĩ và lái xe bị trầy xước, riêng nữ điều dưỡng ngồi với bệnh nhân bị gãy 2 xương sườn, chấn thương đốt sống cổ. Hiện nữ điều dưỡng này đang điều trị ở BV Đà Nẵng.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà, khi tai nạn xảy ra, do va chạm mạnh, đồ bảo hộ của nữ điều dưỡng bị rách nên trở thành F1. Về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân V. đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 25.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
vắc xin Covid-19
điều trị F0 tại nhà
Covid-19 ngày 25/8
chỉ thị 11
bản tin Covid-19 ngày 25.8
tình hình Covid-19 TP.HCM
Xét nghiệm Covid-19
Bình luận (0)