Bản tin Covid-19 ngày 5.7: Yêu cầu kiểm soát chặt cửa ngõ TP.HCM trong ngày dịch bệnh “kỷ lục“

05/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 5.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 5.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

Lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19 trong 1 ngày

Bản tin dịch Covid-19 tối 5.7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có 527 ca mắc Covid-19, TP.HCM vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca bệnh nhất với 270 ca.
Như vậy, trong ngày 5.7, Bộ Y tế công bố tổng cộng 1.102. Đây là lần đầu tiên tổng số ca mắc trong một ngày ở nước ta vượt con số 1.000 ca.

Ngày 5.7: "Kỷ lục" với 1.102 ca trên cả nước, riêng TP.HCM 641 bệnh nhân

1.102 ca mắc mới được Bộ Y tế công bố trong ngày 5.7 gồm:
+ 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trà Vinh (12 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu (1 ca).
+ 1089 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (641 ca), Đồng Tháp (165 ca), Bình Dương (131 ca), Phú Yên (40 ca), Khánh Hòa (18 ca), Long An (15 ca), An Giang (12 ca), Tiền Giang (11 ca), Hưng Yên (9 ca), Đồng Nai (9 ca), Bắc Giang (7 ca), Bắc Ninh (4 ca), Quảng Ngãi (4 ca), Bình Phước (4 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu (4 ca), Vĩnh Long (3 ca), Bình Định (3 ca), Tây Ninh (3 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Lạng Sơn (1 ca), Sóc Trăng (1 ca), Nghệ An (1 ca), Lâm Đồng (1 ca);
Trong ngày, có 203 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tính đến 19 giờ ngày 5.7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 21.035 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 19.164 ca ghi nhận trong nước và 1.871 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 17.594 ca, trong đó có 5.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 5.7: TP.HCM thêm 641 ca Covid-19, sắp chạm mốc 7.000 bệnh nhân

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong kỷ lục công bố trong 1 ngày

Trưa 5.7.2021, Bộ Y tế đã công bố 4 ca mắc Covid-19 tử vong thứ 87, 88, 89 và 90 ghi nhận tại Việt Nam. 
Đây đều là các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền nặng, bị viêm phổi do Covid-19.
Trong đó, ca tử vong số 87 là bệnh nhân có mã số BN18265 (bệnh nhân nam, 68 tuổi), địa chỉ tại Q.11, TP.HCM. Bệnh nhân tiền sử đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, lao phổi kháng thuốc đang điều trị tháng thứ 3, giãn tĩnh mạch 2 chi dưới. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) từ ngày 26.6 và đến ngày 29.6, có kết quả xét nghiệm xác định dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân tử vong ngày 29.6 với chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tháng thứ 3, tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, giãn tĩnh mạch hai chi dưới, suy dinh dưỡng.
Ca tử vong thứ 88 là bệnh nhân có mã số BN16340 (bệnh nhân nữ, 81 tuổi), địa chỉ tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, hội chứng cushing, đái tháo đường. Bệnh nhân vào viện ngày 8.6, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp, được chẩn đoán khi vào viện: theo dõi suy tuyến thượng thận cấp, trào ngược dạ dày thực quản, tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng cushing do thuốc.

Thêm 6 ca tử vong liên quan Covid-19: Đều là bệnh nhân tuổi cao, bệnh nền nặng

Ngày 26.6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân tử vong ngày 2.7, với chẩn đoán: viêm phổi do SARS-CoV-2 nặng biến chứng suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy thượng thận cấp.
Ca tử vong thứ 89 là bệnh nhân có mã số BN17100 (nữ, 73 tuổi), địa chỉ tại H.Châu Thành, tỉnh Long An. Bệnh nhân tiền sử suy tim, tăng huyết áp, lupus ban đỏ, thoái hoá khớp gối, loét cùng cụt, cushing do thuốc.
Bệnh nhân được phát hiện mắc Covid-19 vào ngày 29.6 và đến ngày 30.6, bệnh nhân tử vong lúc 23 giờ do viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy tim, tăng huyết áp trên bệnh nhân lupus ban đỏ, thoái hoá khớp gối, loét cùng cụt, hội chứng cushing do thuốc.
Ca tử vong số 90 là bệnh nhân có mã số BN19602 (nữ 88 tuổi), địa chỉ tại H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi cũ, di chứng đột quỵ. Bệnh nhân vào viện lúc 13 giờ 25 ngày 16.6, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, được chẩn đoán vào viện: cơn đau thắt ngực, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hạ kali máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, theo dõi nhồi máu não.
Ngày 25.6, bệnh nhân đột ngột đau khắp bụng, có kết quả cận lâm sàng chẩn đoán thủng tạng rỗng, chuyển Khoa Ngoại phẫu thuật. Bệnh nhân tử vong lúc 8 giờ 40 ngày 4.7, có nguyên nhân do thủng ruột non, viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, lao phổi cũ, di chứng đột quỵ. Bệnh nhân tử vong trước khi được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương và tỉnh Nghệ An cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong trên địa bàn các tỉnh này. 

Bình Dương ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên tử vong - Bệnh nhân 13803

Tại Bình Dương, tối 4.7.2021, Sở Y tế đã thông tin về ca tử vong đầu tiên tại bệnh viện đa khoa Bình Dương.
Đây là bệnh nhân 13803, bệnh nhân nữ, 64 tuổi (địa chỉ tại P.Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 và được đưa vào viện từ ngày 23.6.2021
Sau 11 ngày điều trị, Bệnh viện đa khoa Bình Dương thường xuyên tổ chức hội chẩn với bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng tình trạng bệnh của bệnh nhân này diễn biến ngày càng nặng thêm.
Đến khoảng 12 giờ 20 ngày 4.7, bệnh nhân tử vong do tình trạng choáng nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, Covid-19 mức độ nguy kịch, suy tim, rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm.
Tại Nghệ An, sáng 5.7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này cho biết, một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Nghệ An đã tử vong sau 11 ngày nhập viện điều trị.
Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Nghệ An - nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng /// ẢNH K.HOAN
Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Nghệ An - nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng
ẢNH K.HOAN
Bệnh nhân là nữ, 71 tuổi (ngụ khối Yên Giang, P.Vinh Tân, TP.Vinh), bị nhiễm Covid-19 và được chuyển đến Khoa Vi rút ký sinh trùng, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Nghệ An) ngày 23.6. Sau 11 ngày điều trị, do có nhiều bệnh nền nên bệnh nhân chuyển nặng và tử vong trong đêm 4.7.

Phó thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175

Ngày 5.7.2021, Phó thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình cùng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu và đoàn công tác đã đến Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng để kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 cũng như công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Tại đây, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã thị sát, kiểm tra khu vực phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc, khu vực điều trị cho bệnh nhân và nghe lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.

Phó thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường tại TP.HCM và khu vực trong thời gian qua, Bệnh viện quân y 175 đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả chống dịch, đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Đồng thời, bệnh viện đã thành lập các tổ lấy mẫu, tổ tiêm chủng để hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Thời gian qua, bệnh viện đã hỗ trợ TP.HCM lấy hơn 54.000 mẫu xét nghiệm cộng đồng và tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho gần 14.000 người dân. Trong quá trình tiêm chủng, các bác sĩ Bệnh viện 175 cũng đã kịp thời xử lý các trường hợp có biến chứng nên chưa có bệnh nhân nào có biến chứng nguy hiểm.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bệnh viện cũng đã xây dựng quy trình cấp cứu riêng, do đó, trong thời gian qua dù số lượng bệnh nhân cấp cứu không giảm và tập trung những bệnh nhân nặng nhưng bệnh viện vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và nhân viên.

Ga Sài Gòn vắng hoe, ngành đường sắt đìu hiu trong đại dịch Covid-19

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương quy định hạn chế đón, trả khách khiến ngành đường sắt phải cắt giảm 50% tần suất hoạt động của các chuyến tàu. Hiện nay, mỗi ngày chỉ còn 2 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đi Hà Nội vào lúc 6 giờ và 19 giờ 25 phút.
Tối 3.7.2021, dù gần đến giờ tàu chạy nhưng ga Sài Gòn vẫn vắng, có khá ít hành khách đến làm thủ tục lên tàu. Dù lượng hành khách ít nhưng công tác phòng chống dịch tại nhà ga vẫn được thực hiện nghiêm túc như khai báo y tế điện tử, kiểm tra thân nhiệt hành khách từ cổng soát vé.

Ga Sài Gòn vắng hoe, ngành đường sắt đìu hiu trong đại dịch Covid-19

Theo lãnh đạo ga Sài Gòn, từ khi dịch bùng phát nhà ga đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch đến tất cả các bộ phận liên quan. Nhân viên nhà ga, tiếp viên khi đến làm việc đều tuân thủ biện pháp 5K, khai báo y tế chi tiết các tiếp xúc ở địa phương trong thời gian trước khi đến cơ quan.
Đồng thời, hạn chế hội họp tại trụ sở cơ quan, thay vào đó là họp trực tuyến và triển khai công việc qua mạng xã hội.
Đối với các trường hợp là F1, F2 lên tàu, trưởng tàu và tiếp viên sẽ triển khai kiểm tra thân nhiệt, cách ly hành khách để xử lý các bước tiếp theo. Trường hợp có F0 trên tàu, sẽ giãn cách hành khách, khử khuẩn và chuyển toa tàu xuống cuối đoàn tàu.

Khu vực khách ra tàu ở Ga Sài Gòn

Thanh Hương

Theo ông Phạm Văn Bảy, hiện nay chỉ có 2 chuyến tàu SE8 và SE4 chạy tuyến Bắc – Nam vẫn hoạt động bình thường trên khắp các ga chính của cả nước, trừ một số tỉnh, thành có yêu cầu dừng đón trả khách hiện nay là Phú Yên, Đà Nẵng, Nghệ An.
Ngành đường sắt cũng đã có các phương án để xử lý ngay các trường hợp có ca nghi nhiễm xảy ra trên mỗi chuyến tàu.

Số lượng khách mua vé tàu trong những ngày này cũng rất ít

Thanh Hương

Ngoài việc khai báo y tế và chấp hành 5K của nhân viên và hành khách khi đi tàu, ngành đường sắt cũng trang bị dung dịch khử khuẩn trên tất cả các toa xe.
Sau mỗi 3 tiếng, tiếp viên sẽ khử khuẩn, xịt khuẩn ở các vị trí như tay vịn, hành khách dễ tiếp xúc. Đồng thời, tất cả các đoàn tàu sau mỗi chuyến đi đều được khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho hành khách và nhân viên.

Chợ nhà giàu Tân Định tạm đóng cửa vì Covid-19

Cùng với nhiều khu chợ truyền thống khác, chợ Tân Định - khu “chợ nhà giàu” nằm giữa trung tâm Q.1, TP.HCM đã phải tạm đóng cửa từ chiều 4.7.2021 vì có ca lây nhiễm Covid-19. Hàng quán sầm uất, đông đúc vốn có từ nhiều ngày qua đã thưa thớt dần do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng các tiểu thương vẫn cố gắng cầm cự để duy trì nhịp sống cho khu chợ lâu đời, cũng một phần để giải bài toán mưu sinh.
Sáng 5.7, ngay trong buổi sáng đầu tuần, khu chợ chính thức chuỗi ngày “cửa đóng then cài”. Lác đác vài người chạy xe ôm truyền thống đứng tránh nắng ở phía mặt tiền phía ngoài chợ.

Chợ nhà giàu Tân Định tạm đóng cửa vì Covid-19: “Thấy oải quá em ơi”

Phía đường Nguyễn Hữu Cầu, dây chằng kín các hàng quán. Lực lượng công an phối hợp dân phòng đặt chốt chặn ở lối vào đường Mã Lộ và cổng đường Nguyễn Văn Nghĩa giao Hai Bà Trưng. Phía bên trong, một số người dân có sạp hàng bên trong phải ở lại chợ, bắt đầu thực hiện chuỗi ngày nội bất xuất, ngoại bất nhập. 
Chợ Tân Định ngày trước được xem là nơi phồn hoa của những người Sài Gòn giàu có. Những người sống lâu năm ở khu vực này kể lại, chợ Tân Định xưa nổi tiếng là “chợ nhà giàu” vì các mặt hàng đều bán giá cao hơn các chợ khác một chút. Hai bên có bãi đậu xe hơi, phía sau là bến xe ngựa (nay là đường Mã Lộ), hàng hóa về chợ cái gì cũng tươi ngon và chất lượng. Chợ Tân Định ngày trước được xem là nơi phồn hoa của những người Sài Gòn giàu có.
Nhưng Covid-19 thì đâu có phân biệt giàu hay nghèo, dịch bệnh ập đến, những phồn hoa phải tạm gác lại để nhường chỗ cho công tác chống dịch 
Chợ nhà giàu Tân Định tạm đóng cửa vì Covid-19: “Thấy oải quá em ơi” - ảnh 1

Sạp hàng treo biển đóng cửa vì chợ phong tỏa nhiều ngày

LÊ NAM

Trước đó, chiều 4.7, thông tin từ Ban quản lý chợ Tân Định cho biết do có ca dương tính là tiểu thương kinh doanh cá tại chợ, nên chợ tạm đóng ngưng hoạt động từ ngày 4 đến 18.7.
Chủ một sạp bán cá tại chợ (trú tại Cần Giuộc, Long An) hằng ngày đi lấy cá tại chợ đầu mối Bình Điền về bán lẻ tại chợ Tân Định. Qua xét nghiệm, người này bị phát hiện dương tính với Covid-19. Qua điều tra dịch tễ, trong quá trình đi lấy hàng, chủ hàng thực hiện khai báo y tế vào ra chợ Bình Điền nghiêm túc.
Sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện ca dương tính, BQL chợ đã thông báo đến toàn tiểu thương kinh doanh tại chợ, tạm ngưng hoạt động từ ngày 4.7.
Trong vài ngày qua, số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động vì phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục tăng. Tính luôn chợ Tân Định, đến nay, TP.HCM có một chợ đầu mối là Hóc Môn và hơn 100/234 chợ truyền thống buộc tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. 

Hàng trăm công nhân Bình Dương giăng mùng ngủ lại nhà máy giữa dịch Covid-19

Trong số 87 ca dương tính ở Bình Dương vừa phát hiện, có 71 ca được phát hiện trong khu cách ly. Trong đó, công ty có số ca dương tính cao nhất là Công ty Wanek với 58 ca trong ngày nâng tổng số ca dương tính tại công ty này lên trên 200 ca.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các ngành, địa phương bổ sung, nâng cao công tác phòng chống dịch Covid-19, mở rộng quy mô điều trị Covid-19 lên 1.000 giường, đồng thời khuyến khích các công ty bố trí từ 20% đến 50% số công nhân ở lại công ty làm việc.

VIDEO Hàng trăm công nhân Bình Dương giăng mùng ngủ lại nhà máy giữa dịch Covid-19

Ngày 4.7, UBND TP.Dĩ An (Bình Dương) đã ra quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn, đồng thời yêu cầu người dân từ TP.HCM, Đồng Nai đến địa phương này phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Theo đó, TP.Dĩ An thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 5.7 với yêu cầu người dân không tụ tập quá 2 người ngoài cơ quan, trụ sở, công sở, bệnh viện, giữ khoảng cách 2m… Về giấy xét nghiệm âm tính, TP.Dĩ An, yêu cầu thực hiện từ ngày 0 giờ 6.7, cho đến khi có thông báo mới.

Công ty Foster bố trí chỗ ngủ có máy lạnh cho công nhân.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Hiện cơ quan y tế của Bình Dương đang khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết F1, F2 có liên quan đến các ca dương tính mới được phát hiện trong ngày.

Người đến Đồng Nai phải quay đầu xe vì tưởng chốt kiểm soát có phát giấy xét nghiệm

Từ 0 giờ ngày 5.7, các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 của người từ TP.HCM và Bình Dương đi vào địa bàn tỉnh, có thời hạn trong vòng 7 ngày.
Ghi nhận tại 2 chốt cửa ngõ vào Đồng Nai trên quốc lộ 1A (ngay cầu Đồng Nai) và quốc lộ 1K (ngay trạm thu phí) cho thấy, nhiều người không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 đã buộc phải quay đầu xe trở về lại TP.HCM hoặc Bình Dương.

Thợ hồ, công nhân quay đầu xe ở cửa ngõ Đồng Nai vì chưa xét nghiệm Covid-19

Trong số này có anh Hồ Văn Lắm, sống lại H.Thuận An (Bình Dương). Sáng 5.7, anh từ nhà đến Đồng Nai để làm việc, nhưng vừa qua cầu Đồng Nai bị chốt kiểm soát chặn lại, vì không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Nhiều người lao động từ TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai làm việc, vì không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 nên bị chốt kiểm soát chặn lại

Ảnh: Lê Lâm

“Mấy anh không cho qua thì tôi đành quay về, có thể trong hôm nay đi xét nghiệm để có giấy mai đi làm”, anh Lắm nói.
Theo anh Lắm, quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 để vào tỉnh Đồng Nai gây ảnh hưởng đến thời gian cũng như kinh tế nhưng phải chấp hành.
Anh Lê Văn Quý, ngụ TP.Dĩ An (Bình Dương), cũng bị chốt kiểm soát chặn lại không cho vào Đồng Nai vì không có giấy kết quả xét nghiệm Covid-19. Khi được hỏi việc này có gây phiền hà, anh Quý cho biết đồng tình với quy định này.
Anh nói: “Tôi thấy việc này tốt, chứ nếu ai cũng không làm xét nghiệm đi lung tung thì khó khăn trong việc chống dịch, ai cũng bệnh hết lấy ai đi làm”.

Hàng loạt xe phải quay đầu về TP.HCM, Bình Dương khi đến chốt kiểm soát trên quốc lộ 1K để vào Đồng Nai vì không có giấy xét nghiệm Covid-19

Ảnh: Lê Lâm

Tương tự, anh Trần Hữu Sỹ, một lái xe thường xuyên qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM cho biết: “Chủ trương này là tốt cho cộng đồng và cho mình”.
Anh Sỹ cho hay, lâu nay anh cũng đã được công ty hỗ trợ chi phí làm xét nghiệm Covid-19, vì vào cổng công ty lấy hàng cũng cần trình giấy âm tính với Covid-19.
Khi được hỏi vì sao ủng hộ việc phải có giấy xét nghiệm Covid-19 để đi làm, nhưng sáng nay phải "quay đầu xe", nhiều người cho biết "tưởng ngay tại chốt có xét nghiệm thì làm luôn, nhưng tại chốt không có nên đành quay về".  
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 5.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.