Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM giữa lúc Covid-19 nóng bỏng

13/06/2021 14:06 GMT+7

Sáng 13.6.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tới làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sau khi bệnh viện này phát hiện 22 nhân viên mắc Covid-19 . Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nói về việc các các nhân viên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mặc dù đã được tiêm 2 mũi vắc xin Covid -19 vẫn bị nhiễm bệnh.

Sáng 13.6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, sau khi bệnh viện này phát hiện 22 ca nhiễm Covid-19 là nhân viên bệnh viện này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phong tỏa toàn bệnh viện, thực hiện nghiêm phong tỏa.

Bản tin Covid-19 ngày 12.6: Lo lắng diễn biến mới từ TP.HCM, hỏa tốc bảo vệ các bệnh viện

Bệnh nhân không nhiễm Covid-19 thì cố gắng chuyển tối đa đến các bệnh viện khác được phân công.
Với F0, F1, bệnh viện cần quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, tránh lây chéo trong F1, tránh mất sức 'chiến đấu' trong nhân viên y tế.
Các bộ phận khác thì tổ chức cách ly phù hợp, đảo bảo an toàn, rà soát và xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm. Vì chủng vi rút Ấn Độ lây rất nhanh, nên F1 có thể trở thành F0 trong thời gian tới nên cần theo dõi.

Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sáng nay, 13.6.

ẢNH: NGUYỄN ANH

Về điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tạm thời ngưng nhận bệnh nhân Covid-19 trong 1 tuần theo đúng thời gian tạm phong tỏa trong thời gian này, Sở Y tế sẽ bố trí các bệnh viện như Bệnh viện điều trị Covid-19 tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Những bệnh nhân quá nặng sẽ được hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Viện Pasteur, Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hỗ trợ công tác truy vết, đánh giá lại sự lây lan, lây nhiễm của các điểm dịch khác vào bệnh viện như thế nào?

Nhìn lại gần một năm rưỡi chống dịch và dấu mốc 10.000 ca Covid-19 ở Việt Nam

“Qua thống kê, có thể thấy nhân viên bệnh viện nhiễm Covid-19 là do từ bên ngoài thông qua các chuỗi dịch Covid-19 tại TP.HCM. Hơn nữa, ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lây lan chủ yếu tại khu hành chính nhưng có thể lây lan các khoa lâm sàng qua giao lưu… Do đó, việc đánh giá một cách đồng bộ, toàn diện và liên tục đối với Covid-19 trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là hết sức cần thiết và nghiêm túc”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Nhân viên bệnh viện trở vào cách ly sáng nay.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong bản tin tức Covid-19 trước đó ngày 12.6 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM phát hiện 22 trường hợp nhiễm Covid-19 là nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bắt đầu từ ca chỉ điểm là nhân viên phòng Công nghệ thông tin ngụ H.Hóc Môn, bệnh viện đã xét nghiệm 596 cho nhân viên và bệnh nhân nội trú. Tất cả 63 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nội trú đã có kết quả âm tính và phát hiện thêm 6 nhân viên còn lại của phòng Công nghệ thông tin và 15 nhân viên phòng Hành chính quản trị của bệnh viện này dương tính với SARS-CoV-2.

Vì sao tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm?

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho biết hiệu quả bảo vệ trên thực nghiệm của vắc xin AtraZeneca là trên 70%, nhưng thực tế có thể đạt trên 80% - 90%. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, gần 1.000 nhân viên, với 53 người nhiễm thì tỷ lệ là 5,3%, do đó chưa phải là nhiều.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, tiêm vắc xin Covid-19 xong là giảm lây, theo bác sĩ Khanh, giảm lây vì không sát mặt với nhau, còn giáp mặt với nhau thì sẽ bị lây. Mặt khác, người tiêm 2 mũi vắc xin nhưng đi ra cộng đồng chưa ai tiêm thì khả năng bị lây vẫn cao, vì có thể người đó ở trong nhóm tỉ lệ không có miễn dịch. Ngược lại, nếu người tiêm vắc xin và không có miễn dịch, nhưng sống trong môi trường cộng đồng 80 - 90% người đã được tiêm, thì khả năng sẽ không bị mắc bệnh vì không có nguồn lây.
Do đó, theo bác sĩ Khanh, việc thấy một số người sau tiêm vắc xin nhưng mắc bệnh mà cho rằng vắc xin không có hiệu quả là sai. Vắc xin có hiệu quả là bảo vệ được người đã đã tiêm không bị bệnh, nếu bệnh thì không bệnh nặng, không tử vong, bảo vệ người được tiêm ít có khả năng lây cho người khác, bảo vệ cộng đồng. Không có vắc xin nào bảo vệ được người tiêm 100%, kể cả vắc xin Covid-19. Ngay cả Anh, Mỹ dù tiêm ngừa rồi nhưng vẫn có một số người bệnh. Việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế, mục đích là đảm bảo không lây nhiều cho bệnh nhân (nếu nhân viên y tế bị bệnh); đảm bảo cho nhân viên y tế không bị bệnh nặng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) chia sẻ, hầu như toàn bộ nhân viên Bệnh viên Bệnh nhiệt đới đã được tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin AstraZeneca từ hơn 1 tháng trước. Nhưng cũng cần nhớ mấy điều cơ bản về vắc xin nói chung và riêng cho vắc xin AstraZeneca, là không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm. Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu có xảy ra những trường hợp xét nghiệm dương tính ở mức độ 5 - 10%, thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng… Nên không thể đòi họi vắc xin hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm đủ liều vắc xin, kể cả sau khi 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ chỉ mang ý nghĩa khi nhiễm bệnh thì bị nhẹ hơn và không trở nặng. Việc bảo vệ để hoàn toàn chống lại vi rút 100%, hiện chưa có nghiên cứu kỹ. Do đó Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cho cộng đồng.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.