'Việc Apple không lựa chọn Việt Nam dường như cũng là một cảnh báo'

25/09/2020 17:05 GMT+7

Vẫn tự tin là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 , vì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (khoảng 2%), nhưng nhiều chuyên gia lo lắng hơn là phấn khởi.

Thu ngân sách thấp nhất trong 10 năm trở lại đây

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, chưa ai nhìn nhận được tác động của đại dịch sẽ sâu, rộng đến đâu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã có một bức tranh cơ bản về “năm Covid” 2020.
Theo báo cáo mới nhất Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương trình bày tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 2020 và nhìn lại cả nhiệm kỳ, diễn ra sáng nay, 25.9, trong số 12 chỉ tiêu lớn, có 4 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo.
8 chỉ tiêu khác đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020

Nguồn Bộ KH-ĐT

Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, với tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.
Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn, tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%.
Tăng trưởng xuất khẩu tuy kém xa so với chỉ tiêu (chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong khi kế hoạch là tăng 7%), nhưng xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỉ USD. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế.
Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỉ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy báo cáo tương đối lạc quan, nhưng các chuyên gia chất chứa nhiều suy tư hơn.
Chủ trì phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện rất cụ thể, “tiền tươi thóc thật”, là thu chi ngân sách. Có một số dấu hiệu cho thấy hụt thu trong năm nay sẽ rất thách thức.
“8 tháng đầu năm mới thu được 53,3% dự toán, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu từ thuế phí mới đạt 17,2% GDP, khá thấp so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 43/63 địa phương năm nay thu nội địa không hoàn thành dự toán, sẽ ảnh hưởng đến tiền đầu tư thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Rõ ràng bội chi sẽ phải tăng lên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có khả năng vượt 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính”, ông Thanh nêu thực tế, và đề nghị các vị đại biểu thảo luận sâu thêm cùng với các vấn đề về tăng trưởng, về thế giới “hậu Covid-19”.

Báo cáo đánh giá còn quá thông thường trong bối cảnh rất bất thường

Thảo luận tại phiên này, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về việc các báo cáo của Bộ KH-ĐT quá thông thường trong bối cảnh thế giới bất thường chưa từng có. Các báo cáo rất dày, đến cả trăm trang (vì có cả báo cáo nhiệm kỳ), nhưng có ít nhất 3 đại biểu đặt vấn đề về độ chính xác, thực chất; và nhiều đại biểu hơn băn khoăn về việc "báo cáo phân tích rất ngắn ngủi và thiếu tiêu chí".
“Trong các báo cáo thì phần bối cảnh viết rất lướt, đặc biệt bối cảnh quốc tế. So với báo cáo các năm trước, các khóa trước, thì đều na ná như nhau, trong khi khóa này có bối cảnh rất đặc biệt”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nói.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, năm 2020 là giai đoạn cực kỳ đặc biệt, mà chúng ta đưa ra công thức chung để phát triển kinh tế - xã hội theo tư duy cũ là không phù hợp.
“Bối cảnh này không nên đặt nặng tăng trưởng cao hay thấp, tăng trưởng dương là tốt, mà hiện số tăng trưởng dương ít lắm. Quan trọng làm sao bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp. Đấy mới là người chơi chính. Lực lượng ấy mà chết thì năm sau và năm sau nữa, ta sẽ thiệt hại nặng nề thêm. Tôi cho rằng giai đoạn này mà đặt ra mục tiêu và rà soát mục tiêu theo cách thông thường thì không đúng lắm về mặt logic”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, 5 năm tới, dứt khoát chúng ta tăng trưởng phải chuyển sang chiều sâu, mà con đường duy nhất là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thế nhưng, đầu tư cho  khoa học công nghệ của Việt Nam thì lại rất thấp, mục tiêu đến 2020 đạt 2% GDP, nhưng thực chất đến nay mới 0,4% GDP, thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản (3,5% GDP), Trung Quốc (2,1% GDP), Singapore (2,2% GDP)...
"Nếu cứ đầu tư thế này, tôi khẳng định luôn, chắc chắn chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thị trường  khoa học công nghệ là kênh huy động nguồn lực tốt nhất cho  khoa học công nghệ thì ta lại phát triển kém nhất. Nguồn nhân lực thì theo Chiến lược Phát triển  khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, đến năm nay, số cán bộ nghiên cứu đạt 11 - 12 người/1 vạn dân, thì ta mới đạt 7 người/vạn dân, thua xa kế hoạch. Đầu tư ít, nguồn nhân lực không đảm bảo, thị trường kém thì lấy đâu ra tăng trưởng dựa trên  khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo? Tôi thiết tha kiến nghị phải thay đổi căn bản đầu tư cho  khoa học công nghệ”, ông Tuấn nêu ý kiến.
PGS - TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì đề nghị phải có báo cáo số liệu trước và sau dịch Covid-19 cho rõ ràng để không nhầm lẫn, không đổ tất cả do Covid-19.
Theo PGS - TS Bùi Văn Huyền, chúng ta nói chúng ta là có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Không sai, nhưng không đầy đủ. So sánh tương quan so với trước Covid-19, chúng ta rơi mất 5% tăng trưởng, tức là so sánh với thế giới thì chúng ta không có thành tựu gì vĩ đại, chẳng qua trước đó chúng ta đang tăng trưởng cao.
Ông Huyền bày tỏ: "Chúng ta cũng không nên lạc quan quá với khu vực kinh tế tư nhân. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến 2020 thì không đạt rồi. Trong hơn 700.000 doanh nghiệp còn lại, chúng tôi bóc tách ra nhóm 500 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán và nhóm còn lại, thì thấy thấy sức khỏe của nhóm còn lại rất yếu, rất dễ bị tổn thương, đột phá về công nghệ hầu như không có, nên không quá kỳ vọng. 500 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường cũng không có nhiều doanh nghiệp lớn lên từ sản xuất, mà rất nhiều lớn lên từ bất động sản".
"Về dịch chuyển dòng vốn đầu tư thì việc Apple không lựa chọn Việt Nam cũng là một cảnh báo. Dường như ta không nên quá lạc quan về dòng vốn FDI đổ về Việt Nam đến nơi. Không hẳn là như vậy...", ông Huyền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.